hành trình cha mẹ tỉnh thức, làm cha mẹ đâu có dễ

“Hãy bắt đầu làm cha mẹ khi đã thực sự biết quan tâm đến người khác”.

Đó là chia sẻ của thiền sư Minh Niệm trong chuỗi series “Cha mẹ tỉnh thức” được hợp tác sản xuất bởi sự đồng hành Vietsuccess và Nam Úc Scotch AGS – Trường Úc 100 năm trong tập lên sóng đầu tiên “Làm cha mẹ đâu dễ” vào tối ngày 24/03 vừa qua.

Người ta thường nói con cái chính là mối nhân duyên, là món quà mà trời đất ban tặng để cha mẹ có thể thực hiện thiên chức lớn lao của mình. Ấy thế nhưng món quà này không đồng nghĩa với việc cha mẹ chỉ nhận và xem nó là “của riêng” bởi việc có con còn đi đôi với tinh thần trách nhiệm, sự giáo dục, nuôi dạy, đối xử, mà tất cả những điều đó phải được thực hiện dựa trên sự tỉnh thức của mỗi cá nhân.

Con cái chịu sự ảnh hưởng mật thiết từ cha mẹ

Cha mẹ tỉnh thức là cha mẹ có sự hiểu biết, biết mình nên làm gì và không nên làm gì trong vai trò cha mẹ. Trên hành trình hướng đến sự tỉnh thức, mỗi bậc phụ huynh cần phải đi tìm chính bản thân mình trước khi quyết định đi đến hôn nhân và con cái. Bởi cha mẹ cần hiểu được rằng con cái có sự gắn kết chặt chẽ từ chính cha mẹ.

Chia sẻ về mối liên quan mật thiết này, thiền sư Minh Niệm cho biết theo nghiên cứu từ ngành chữa lành tâm lý, một trong những nguyên nhân gây tổn thương tâm lý của chúng ta là chịu tác động quá lớn từ gia đình và cha mẹ. Sự căng thẳng là thứ dễ lây lan, đa số áp lực của con trẻ không phải bắt nguồn từ việc học ở trường, hay các mối quan hệ cá nhân, mà từ chính cha mẹ. Mặt khác, cách nuôi dạy con của những bậc cha mẹ ngày nay ít nhiều đều bị ảnh hưởng từ thế hệ đi trước.

Con cái có mối liên hệ mật thiết với cha mẹ
Cha mẹ ảnh hưởng một cách mật thiết đến con cái qua nhiều thế hệ.

“Nếu chúng ta đã từng có sự đứt gãy trong mối liên hệ với cha mẹ mà chưa được giải quyết triệt để thì làm sao giải quyết những vấn đề với con cái sau này?. Đây chính là câu nói được thiền sư Minh Niệm đề cập trong tập 1 chuỗi series “Cha mẹ tỉnh thức” gây trăn trở cho nhiều bậc phụ huynh.

Thiền sư nhận định bản thân chúng ta đều là “sản phẩm” của đấng sinh thành. Chúng ta mang chung dòng máu, gen di truyền, lối sống, cách hành xử, cách giáo dục, và kể cả năng lượng của cha mẹ dù chúng ta tuyệt nhiên không phải “bản sao” của họ. Cha mẹ nuôi dưỡng, nhào nặn chúng ta theo cách riêng, nhưng bản thân ta phải đi tìm lại chính mình trước khi bắt đầu kế thừa vai trò tương tự. Đây là một con đường độc lập, cần sự học hỏi và tinh thần trách nhiệm cao.

Vì sao cha mẹ cần quan tâm đến việc nuôi dạy con?

Ai ai trong mỗi chúng ta cũng sẽ đến lúc bước vào giai đoạn làm cha mẹ nếu chúng ta lựa chọn điều đó. Vì thế, việc chuẩn bị hành trang làm cha mẹ là điều mà chúng ta phải để tâm bởi cha mẹ chính là một nghề, và nghề này, cũng cần phải học.

Sẽ là một điều may mắn nếu ta nghĩ đến việc này trước khi trở thành cha mẹ. Mỗi cá nhân cần phải nhận thức được rằng bản thân nắm giữ số phận của chính mình. Khi chúng ta là một chủ thể riêng biệt và có giá trị, vững vàng trong nội tâm thì người bạn đời đi bên cạnh chúng ta sẽ giảm bớt áp lực. Nếu vợ chồng đều hạnh phúc, con cái sẽ được nuôi dưỡng trong môi trường ngập tràn tình yêu thương và sự hạnh phúc bền vững của cha mẹ. Ngược lại nếu như cha mẹ đang bất ổn hay có quá nhiều vấn đề phiền não chưa giải quyết, con cái cũng sẽ chịu ảnh hưởng tâm lý ít nhiều.

cha mẹ tỉnh thức cần quan tâm đến việc nuôi dạy con ngay cả khi chưa có con
Cha mẹ cần chuẩn bị rất nhiều kiến thức và kỹ năng trước khi bước vào hành trình làm cha mẹ.

Thế cho nên, để trở thành những bậc phụ huynh “toàn năng”, cha mẹ hãy sẵn sàng giải quyết những vấn đề của bản thân, “biết quản mình”, hoàn thiện từng ngày để sở hữu một tâm thế vững chắc, làm chủ chính mình trước khi bước chân vào hành trình chào đón thêm một thành viên mới xuất hiện trong cuộc sống của chính cha mẹ.

Vậy, sẵn sàng đủ rồi mới có con, hay có con rồi thì mới sẵn sàng?

Thiền sư Minh Niệm cho rằng bất kỳ cha mẹ nào cũng đều sẽ có những điểm chưa hài lòng về con, và bất kỳ đứa con nào cũng có những điểm chưa hài lòng về cha mẹ. Đó là lý do vì sao cha mẹ cần hoàn thiện mình trước khi tiến đến một giai đoạn quan trọng: sinh con. Tuy nhiên, việc hoàn thiện bản thân là một tiến trình lâu dài có thể tiếp diễn xuyên suốt đến cuối cuộc đời, vậy ta sẽ hoàn thiện mãi chăng? Nếu như cha mẹ vẫn đang tự hỏi liệu thời điểm nào là thích hợp để sẵn sàng có con, thì đó là khi cha mẹ học được cách biết quan tâm người khác.

Cha mẹ sẵn sàng có con khi biết quan tâm người khác
Những bậc cha mẹ tỉnh thức sẽ nhận ra rằng ta sẵn sàng làm cha mẹ khi đã biết quan tâm người khác.

Mỗi chúng ta đều có một cuộc sống riêng, một lý tưởng riêng cần phải chinh phục. Những ngày còn trẻ, chúng ta độc lập tự do, tận hưởng trọn vẹn mọi thứ từ cuộc sống không mấy vướng bận. Nhưng cho đến khi, chúng ta bắt đầu biết vun vén hơn, bớt những ham muốn ích kỷ và không còn quá tập trung đến những lợi ích cá nhân của riêng mình, thì khi đó ta đã bắt đầu có thể trở thành cha mẹ.

Hành trình làm cha mẹ không chỉ là việc cung cấp cho con những giá trị vật chất tốt, đủ đầy về mặt hình thức, mà nó còn bao gồm cả việc học cách chấp nhận, sẻ chia những quyền lợi cá nhân, chấp nhận thêm một hoặc nhiều người khác bước vào cuộc sống của mình, thậm chí là chấp nhận cả việc chúng ta có thể bị tác động tích cực hoặc tiêu cực từ những con người mà ta gọi là gia đình và con cái.

Đặc biệt, thiền sư chia sẻ để có thể làm tốt nhiệm vụ cao cả này, cha mẹ buộc phải có khát khao trở thành những bậc cha mẹ tốt, bởi chúng ta không thể cùng lúc hoàn thành nhiều vai trò. Có những người khi có con mới bắt đầu phát triển sự nghiệp, hay cũng có những người dù đã có con, song con cái không phải là sự ưu tiên của họ. Những điều đó không thể tạo nên sự tỉnh thức trong việc nuôi dạy con. Chỉ khi có khát khao trở thành một người cha, người mẹ tốt với mong muốn sẻ chia, quan tâm và yêu thương người khác, lúc đó ta mới thực sự sẵn sàng bước vào hành trình nhiều cung bậc cảm xúc này.