Sự tỉnh thức không phải là điều kỳ diệu chỉ xảy ra với những người may mắn. Một cha mẹ tỉnh thức cũng vậy, không đến từ sự may mắn. Đó là một quá trình liên tục chứ chẳng phải từ trên trời rơi xuống.
Sự tỉnh thức – Một hành trình liên tục
Nhưng trước khi bước vào hành trình này, cần nhớ rằng “sự tỉnh thức” là một diễn trình liên tục. Người sống tỉnh thức cũng chẳng khác chúng ta, ngoại trừ việc họ biết biến mỗi tình huống vô tâm thành cơ hội nâng cao nhận thức.
Như vậy, tất cả chúng ta đều có quyền được tỉnh thức. Mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái kỳ diệu ở chỗ liên tục mang đến cho ta cơ hội để rèn luyện lối sống ấy.
Dù ta ôm lấy niềm tin rằng mình có trách nhiệm dưỡng dục con cái, trên thực tế, con cái có sức mạnh biến đổi ta thành người cha mẹ mà chúng cần. Vì thế, trải nghiệm dạy con không có nghĩa là cha mẹ ở trong thế đối lập mà là cùng với con cái.
Hành trình đến với bản ngã toàn vẹn bắt đầu từ con, ta chỉ việc chọn cho mình một chỗ ngồi yên ổn. Con cái là người thầy lớn của ta bởi chúng là hoa tiêu chỉ đường cho ta về với bản tâm mình. Nếu không nắm tay bước cùng con đi tới ngưỡng cửa tỉnh thức, ta sẽ đánh mất cơ hội tìm ra chân lý.
Không nên nhầm lẫn điều chỉnh mình có nghĩa là tránh hoàn toàn ảnh hưởng lên con và trở thành bản sao của chúng. Ngoài việc lắng nghe, tôn trọng và gần gũi với con, dạy con tỉnh thức cũng đi kèm với luật lệ và giới hạn.
Là cha mẹ, ta không chỉ cung cấp cho con những điều kiện cơ bản như nơi ăn, chốn ở và giáo dục, mà còn dạy chúng giá trị của các thể chế, cách điều tiết cảm xúc, sự tự tin và cả những kỹ năng xã hội. Nói cách khác, dạy con trong tỉnh thức bao hàm tất cả các yếu tố để giúp trẻ trở thành thành viên tròn trịa và cân bằng trong xã hội.
Vì vậy, dạy con trong tỉnh thức không có nghĩa là nuông chiều.
Nuôi dạy con là bước ngoặt của sự tỉnh thức
Học cách dạy con trong tỉnh thức là bước ngoặt quan trọng của sự tỉnh thức của con người. Tuy vậy, nhiều bậc cha mẹ chẳng bao giờ tìm kiếm cách giúp chính mình trưởng thành. Họ chỉ chăm chăm tìm đối sách cho hành vi cụ thể của con. Họ hy vọng các chuyên gia có chiếc đũa thần có thể ngay lập tức biến con họ thành những đứa trẻ có tâm lý ổn định và lành mạnh.
Dạy con trong tỉnh thức không chỉ nằm ở chỗ vận dụng một vài kỹ thuật khéo léo. Đó là cả một triết lý sống có sức mạnh chuyển hóa cả cha mẹ và con cái ở cấp độ cơ bản nhất. Trở thành những người bạn tâm hồn của nhau là cách duy nhất để mối quan hệ cha mẹ với con trở nên có ý nghĩa.
Vì lý do này, dạy con trong tỉnh thức còn hơn cả những kỹ thuật nhằm mục tiêu điều chỉnh hành vi cụ thể, nhắm đến những khía cạnh sâu sắc hơn trong mối quan hệ cha mẹ và con cái. Cái hay của dạy con trong tỉnh thức nằm ở chỗ, thay vì cố áp dụng và hy vọng một chiến lược cụ thể sẽ phù hợp với một tình huống cụ thể nào đó, sự tỉnh thức liên tục mách cho ta biết cách cư xử tốt nhất trong từng tình huống.
“Chẳng hạn, khi con gái xé đôi tờ một đô-la, ta nên trách mắng hay khen ngợi? Tôi đã để cho bản tâm của ta vốn có giao cảm với bản tâm của con, chỉ đường cho mình. Kể cả khi cần tôi kỷ luật, sự tỉnh thức cũng cho ta biết cách áp dụng để làm sao bồi đắp thay vì hủy hoại tâm hồn con”.
Lấy hết can đảm từ bỏ sự kiểm soát không thể tránh khỏi của cách tiếp cận thứ bậc và có được tiềm năng phát triển tâm hồn thông qua cơ chế bình đẳng giữa cha mẹ – con cái, ta sẽ thấy những mâu thuẫn và đấu tranh quyền lực ngày càng bớt đi.
Mối quan hệ với con trở thành một trải nghiệm quý giá, tràn đầy sự hòa hợp của những tâm hồn biết trân trọng, biết tìm kiếm bạn đồng hành. Bằng cách dồn tâm trí cho mối quan hệ tỉnh thức giữa cha mẹ – con cái, việc dạy con vượt ra khỏi những khía cạnh vật lý thông thường và được nâng tầm trở thành một sự nghiệp linh thiêng.