“Cái khó của nghề làm cha mẹ là dạy bảo con, nhưng cái khó hơn chính là đừng dạy bảo chúng”.

Làm cha mẹ - phụ huynh dạy con đúng cách là như thế nào

Đó là chia sẻ của Thiền sư Minh Niệm, khách mời trong số phát sóng đầu tiên của chuỗi talkshow Cha mẹ tỉnh thức với chủ đề: “Làm cha mẹ đâu dễ” khi nói về những kỳ vọng mà cha mẹ thường áp đặt lên con của mình.

Con cái là một phiên bản riêng biệt

Chúng ta đã bao giờ từng tự hỏi liệu mình có nhìn thấy giá trị của con? Người xưa có câu “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Theo Thiền sư Minh Niệm, con mình đôi khi “không phải con mình” mà nó còn là con của ông bà tổ tiên, của đất trời, và của vũ trụ bao la rộng lớn. Con chính là sự kết hợp của nhiều thế hệ để nhào nặn ra một phiên bản duy nhất. Thế cho nên, con cái tuyệt nhiên không thể là bản sao của cha mẹ.

Vì vậy, khi đặt để con vào một một sự kỳ vọng hay bất kỳ điều gì, cha mẹ cần phải cân nhắc rất kỹ, rằng điều này có thực sự phù hợp với con mình hay không. Tình thương phải đi đôi với sự hiểu biết.

Các bậc cha mẹ ngày nay thường có quá nhiều sự đòi hỏi dành cho con cái. Theo thiền sư, những kỳ vọng đó có thể bắt nguồn từ những giấc mơ vẫn còn dang dở của cha mẹ, hay cha mẹ có quá nhiều nỗi sợ hãi do sự thiếu điềm tĩnh và thiếu hiểu biết. Chúng ta rất nóng vội nhìn thấy sự thay đổi nhanh chóng từ con theo mong muốn của mình. Chúng ta bắt ép con phải trở thành con nhà người ta hay bất kỳ hình mẫu lý tưởng mà chúng ta tự tạo ra. Suy cho cùng, cha mẹ vẫn chưa hiểu rằng các con là những cá thể riêng biệt.

Làm cha mẹ như thế nào cho đúng
Trong vai trò làm cha mẹ, các bậc phụ huynh phải hiểu rằng con cái là những phiên bản riêng biệt và duy nhất.

Thiền sư còn cho rằng nhiều bậc cha mẹ vẫn còn thiếu trải nghiệm trên hành trình làm cha mẹ, không hiểu được tâm tình của các con dù mình đã từng đi qua độ tuổi của chúng. Thế nên, để thấu hiểu con và kết nối được với con, cha mẹ cần phải rất khiêm nhường và thận trọng trong việc tác động vào con bằng lời nói, hành động, hay cả những quyết định. Nếu mình làm không đúng, mình cẩu thả, thiếu trách nhiệm thì có thể gây ra cho con cảm giác choáng ngợp, tổn thương và mệt mỏi. Đặc biệt, mong muốn của thiền sư là các bậc phụ huynh đừng gây cho con sự uất hận nếu trao đi tình thương không đúng cách. Tất cả mọi thứ cha mẹ làm đều cần dựa trên sự tỉnh thức, thời điểm và tính phù hợp đối với con.

Khi dần hiểu được khái niệm của sự tỉnh thức, cha mẹ sẽ biết kiềm chế sự nóng giận và học cách quan sát thế giới đang vận hành xung quanh. Các bậc phụ huynh sẽ nhận ra rằng trân trọng vai trò làm cha mẹ của mình, bớt đòi ở các con, bớt đi sự phán xét và áp đặt chính là cách chúng ta có thể nuôi dưỡng tình yêu thương với con cái.

Vì sao “đừng dạy bảo” con là điều khó nhất trong vai trò làm cha mẹ?

“Các con thường hay sợ ăn cơm chung với các bậc phụ huynh vì chúng ái ngại phải đối diện với những mong muốn “khó chiều” của cha mẹ.”

Một chia sẻ rất chân thật mà thiền sư Minh Niệm đề cập khi nói đến những mong muốn rất “trời ơi đất hỡi” của đấng sinh thành. Các bậc cha mẹ thường có xu hướng can thiệp sâu và cố gắng bắt con thay đổi sao cho hợp ý mình với lý lẽ mình là người lớn, con buộc phải nghe theo.

Việc cố gắng hướng con theo mọi sự sắp xếp, kế hoạch của cha mẹ, hay thậm chí mong muốn con phải có trách nhiệm nhận hết những thứ mà cha mẹ trao đi thực chất chính là những quan niệm cũ kỹ. Xét trên phương diện của một người tỉnh thức, thiền sư khuyên các bậc cha mẹ nên bỏ những suy nghĩ có phần lỗi thời ấy, thay vào đó hãy giúp con khai phóng những gì con đã và đang có trong chính bản thân con.

Làm cha mẹ, tưởng khó mà dễ, tưởng dễ mà khó
Khi yêu thương đủ đầy, cha mẹ không cần làm gì để dạy bảo con, con sẽ tự biết cần phải làm gì để tốt hơn.

Đôi khi điều cha mẹ cần làm chính là có mặt bên con, chia sẻ và nuôi dưỡng tình cảm dành cho con. Điều này sẽ tiếp thêm cho con rất nhiều động lực, từ đó con biết cách vươn lên trong cuộc sống. Khai phóng ở trường hợp này được hiểu là cách cha mẹ giúp khơi gợi, thắp lên trong con những hạt giống tốt đẹp có sẵn trong con, để con tự nhận thức và tự thay đổi thay vì áp đặt và phán xét. Đến độ tuổi trưởng thành nhất định, con sẽ tự biết mình cần phải làm gì. Hãy cứ để cho con là chính con theo cách tự nhiên nhất bởi không can thiệp chính là giúp đỡ, không làm gì chính là đã dạy bảo con.

Liên hệ với thực tế, ta sẽ thấy rằng cha mẹ càng đặt nặng trách nhiệm hay những kỳ vọng lên con, con càng khó độc lập tự chủ và khó tìm kiếm hạnh phúc trên hành trình trưởng thành của mình. Vì thế, nếu cha mẹ có thể nhìn nhận đúng và buông bỏ những mong muốn không phù hợp thì gia đình sẽ rất hòa thuận, con cái sẽ biết cách ứng xử đúng đắn và ngày càng gắn bó hơn với đấng sinh thành.

Yêu thương con chính là cách dạy con tốt nhất

Lời nói dễ nghe nhất không phải là lời nói ngọt ngào, mà chính là lời nói xuất phát từ trái tim. Muốn dạy bảo con dễ dàng, cha mẹ phải đi từ trái tim và tình yêu thương thật sự.

Trở về ngày xưa một chút, khi chưa phải sống trong thế giới phẳng, chúng ta rất dễ dàng xây dựng các mối liên hệ tình cảm với nhau. Vì sao ư? Bởi chúng ta ít bị sao nhãng bởi mọi thứ xung quanh mình. Cha mẹ cũng là những con người bình thường, có ước mơ và những lý tưởng. Cha mẹ cũng sẽ không thể có đủ năng lượng để cùng lúc tập trung quá nhiều việc, mà việc nuôi dạy con cái vốn dĩ là điều cha mẹ cần phải học và cần dồn nhiều tâm sức đầu tư. Để làm được điều đó, quan trọng nhất là cha mẹ cần phải có ý thức trong tâm tưởng, biết yêu thương đúng cách, trân quý vai trò của mình và thời gian dành cho con.

Cha mẹ yêu thương con
Vai trò to lớn của nghề làm cha mẹ chính là yêu thương con, đó là động lực để các con tìm thấy hạnh phúc.

“Chúng ta cần có sự kết nối với con bằng sự yêu thương, cảm thông trước khi mong cầu ở con bất kỳ điều gì. Khi chúng ta biết nói một cách dịu dàng, cẩn trọng và mềm mỏng, con sẽ mở lòng và lắng nghe”, thiền sư Minh Niệm nói.

Muốn thương đúng thì cha mẹ phải hiểu đúng. Đừng can thiệp, đừng điều khiển và đừng áp đặt con khi chính mình không ổn. Nếu nhận thấy mình đang có vấn đề, cha mẹ tốt nhất đừng nên làm gì cả, hãy thuận theo tự nhiên và chỉ trở lại với vai trò của mình khi đã thực sự ổn định cảm xúc.

Đặc biệt, thiền sư cho biết cha mẹ cần nhận thức sâu rộng hơn rằng khi chúng ta muốn trao đi điều gì đó, hãy tìm hiểu tâm tư của con. Thực chất chúng ta có thể yêu thương, quan tâm, chăm sóc cho con là do con “đã cho phép” cha mẹ được làm điều đó.

“Sinh con ra thì cũng khó, nhưng để có thể trở thành những bậc cha mẹ khiến con cái vừa biết ơn, vừa yêu thương, vừa tự hào vì chúng ta là cha mẹ của chúng khi trao truyền cho chúng hành trang quý giá để vào đời thì thực sự rất khó. Nếu chúng ta khát khao và muốn thay đổi, chúng ta sẽ làm được”

Lời bộc bạch của thiền sư Minh Niệm như thay cho lời kết của tập phát sóng đầu tiện chạm đến trái tim của nhiều khán giả. Làm cha mẹ đâu có dễ, nhưng nếu chúng ta có khát khao được trở thành những bậc cha mẹ tốt, phấn đấu để dần hoàn thiện bản thân để trở thành những cha mẹ hạnh phúc trên hành trình nuôi dạy con, chắc chắn chúng ta sẽ là người bạn đồng hành tuyệt vời nhất của con trên con đường trưởng thành.