“Đôi khi cha mẹ có vấn đề nhưng lại không biết mình có vấn đề.”

Talkshow 4: Quản trị áp lực làm cha mẹ

Một chia sẻ chân thực của Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm Nhàn về những phụ huynh đang có sự bất ổn trên hành trình nuôi dạy con trong tập 4 chuỗi series Cha mẹ tỉnh thức với chủ đề: Quản trị áp lực làm cha mẹ.

Cha mẹ tỉnh thức” là chuỗi series dài tập được phối hợp sản xuất giữa Vietsuccess và Nam Úc Scotch AGS – trường Úc 100 năm. Nội dung các tập phá sóng xoay quanh về những chia sẻ, trải nghiệm, kiến thức chuyên môn cũng như những góc nhìn thực tế từ các chuyên gia về hành trình làm cha mẹ tỉnh thức đúng nghĩa.

Những “căn bệnh tâm lý” thường thấy ở các bậc cha mẹ

Áp lực cuộc sống đôi khi gây ra cho nhiều bậc phụ huynh những nỗi sợ vô hình. Trong đó, sự căng thẳng về công việc, tài chính, nuôi dạy con hay những chuẩn mực từ xã hội ảnh hưởng mật thiết đến thói quen hành xử và tính cách của cha mẹ.

Nhiều bậc cha mẹ rất nóng tính và hay có xu hướng la rầy con nếu con có những hành động không vừa ý mình. Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm Nhàn, đó có thể là do cha mẹ đang gặp tổn thương hay một vấn đề chưa giải quyết được trong quá khứ, hoặc có thể là do thói quen vô thức được hình thành trong cách nuôi dạy con từ gia đình gốc cha mẹ.

“Tính cách của chúng ta ít nhiều đều bị ảnh hưởng từ gia đình gốc. Nếu ông bà ngày trước nuôi con bằng sự trách móc, chỉ trích, la rầy thì cha mẹ sau này sẽ có xu hướng tương tự đối với con”.

Khi cha mẹ là chuyên gia tâm lý của chính mình.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm Nhàn: “Cha mẹ thường có những căn bệnh tâm lý điển hình ảnh hưởng đến quá trình nuôi dạy con.”

Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của con trong suốt độ tuổi trưởng thành. Con dễ trở nên nhút nhát, tự ti, thiếu tự tin, thậm chí phớt lờ và lãng tránh giao tiếp với cha mẹ.

“Không một ai thích bị la mắng. Người lớn chúng ta cũng mong muốn được nhận những lời ngọt ngào. Vì thế, hãy gieo cho con sự điềm tĩnh, dịu dàng bằng những lời nói mang tính xây dựng, dễ nghe. Con trẻ không thể nào đủ trải nghiệm và trưởng thành để thể hiện được như mong muốn của cha mẹ.” – Thạc sĩ Tâm Nhàn chia sẻ.

Một căn bệnh điển hình thứ hai thường thấy ở các bậc phụ huynh đó chính là hay áp đặt con cái. Sự chịu trách nhiệm về tất cả mọi thứ trong gia đình vô tình làm cho cha mẹ trở thành những người đưa ra quyết định. Dần dần, cha mẹ luôn tin rằng những quyết định của mình là đúng và cha mẹ có xu hướng bỏ qua việc lắng nghe con trẻ.

Nhiều bậc phụ huynh áp đặt con tuyệt đối vì họ không muốn con mắc bất kỳ sai lầm nào. Họ vẽ sẵn mọi thứ để con đi theo mặc kệ con có muốn hay không. Trong sự phát triển tâm lý bình thường của đa số trẻ vị thành niên, trẻ có xu hướng thích làm theo ý mình. Đó là lý do vì sao một vài đứa trẻ thể hiện sự chống đối mạnh mẽ với cha mẹ, gây nên những đứt gãy khó hàn gắn trong gia đình.

“Gia đình muốn thấu hiểu nhau thì phải tương tác và trò chuyện cùng nhau. Vì thế, cha mẹ hãy tập kiềm chế “sự gia trưởng” của mình để lắng nghe mong muốn của con. Đó chính là cách làm giảm áp lực cho cha mẹ lẫn cho con trẻ” – Thạc sĩ Tâm Nhàn cho biết.

Cha mẹ đôi khi cũng cần đến những chuyên gia tâm lý

Đôi khi cha mẹ có vấn đề nhưng không nhận ra vấn đề của mình, đặc biệt là những vấn đề trong quá trình nuôi dạy con. Vì thế, việc nhận lời khuyên từ các chuyên gia tâm lý có thể sẽ giúp cha mẹ tự tháo gỡ được những nút thắt trong lòng để có những điều chỉnh sao cho phù hợp.

“Một trong những dấu hiệu mà cha mẹ cần đến sự giúp sức của chúng tôi đó chính là khi trong gia đình bị ngắt kết nối và mất đi sự đối thoại.” – Thạc sĩ Tâm Nhàn chia sẻ.

Nguyên nhân dẫn đến điều này chính là những thành viên không thực sự lắng nghe, thấu hiểu cho nhau, làm cho sự vận hành trong gia đình không còn vui vẻ. Điển hình là cha mẹ hay nói chuyện với con theo cách bạo lực, ra lệnh. Con cái không hài lòng nhưng không bày tỏ sự chống đối. Chúng trở nên im lặng, chịu đựng và xa cách với cha mẹ.

Khách mời và host chương trình trong tập 4 series Cha mẹ tỉnh thức.
Mất đi sự đối thoại là dấu hiệu điển hình khiến các bậc cha mẹ tìm đến chuyên gia tâm lý.

Điều này dẫn đến nhiều hệ quả trong phát triển tính cách của con lẫn xây dựng sợi dây liên kết bền chặt giữa các thành viên trong gia đình. Khi con gặp những chuyện bất như ý trong học tập lẫn cuộc sống, cha mẹ sẽ không phải là người mà con tìm kiếm sự giúp đỡ. Vì vậy, cha mẹ rất khó để biết được con đang gặp vấn đề gì cũng như không thể có những can thiệp kịp thời nhằm hỗ trợ con khi cần thiết.

Để giải quyết tình huống này, phương án mà thạc sĩ Tâm Nhàn đưa ra chính là đối thoại. Đối thoại có thể chia thành hai loại: đối thoại có lời và đối thoại không lời. Những cuộc đối thoại thường đi đến một mục tiêu duy nhất, đó chính là cả hai phía đều cảm nhận được sự quan tâm. Vì thế, đối thoại không lời thường sẽ đi đôi với hành động.

“Đôi khi cha mẹ không cần nói quá nhiều, những hành động quan tâm nhỏ nhặt của cha mẹ đều được con quan sát và cảm nhận. Cha mẹ có thể nấu cho con những bữa ăn ngon, ở bên cạnh lắng nghe con, quan sát con chơi đùa, hay mua cho con một món quà mà con thích. Tất cả những điều đó đều xuất phát từ tình yêu thương mà chắc chắn đứa con nào cũng sẽ cảm nhận được.” – Thạc sĩ Tâm Nhàn nhấn mạnh.

Khi cha mẹ là “chuyên gia tâm lý” của chính mình

Việc xây dựng một gia đình “khỏe mạnh” không chỉ cần sự giúp sức từ những yếu tố bên ngoài mà còn là từ nội tại bên trong các bậc phụ huynh. Nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần chính là một trong những cách mà cha mẹ cần làm để giúp mình chữa lành những “căn bệnh tâm lý” đã mắc phải.

Lời khuyên của chuyên gia dành cho cha mẹ là chính cha mẹ cần biết mình có điểm mạnh nào cần phát huy và điểm yếu nào cần khắc phục. Đặc biệt, cha mẹ phải có sự hiểu biết để nhìn nhận đúng sai, đồng thời nên có sự luyện tập để dạy con một cách đúng đắn.

Quản trị áp lực làm cha mẹ như thế nào?
Chuyên gia tâm lý chỉ là người đưa ra phương pháp và chỉ dẫn, chính cha mẹ mới là những người tự “chữa trị” cho bản thân mình.

Hiểu được tâm lý con trẻ không khó bởi cha mẹ cũng từng là những đứa trẻ. Hãy hồi tưởng lại những gì cha mẹ đã trải qua ở tuổi thơ, mong muốn của chúng ta ở từng giai đoạn là gì. Từ đó, cha mẹ sẽ có sự lường trước những mong muốn của con ở từng giai đoạn trưởng thành cụ thể, cũng như không bị ngỡ ngàng trước những phản ứng của con trẻ trong quá trình nuôi dạy con.

“Muốn làm được tất cả điều đó, cách duy nhất là cha mẹ phải tự thực hành. Sự nóng tính, bạo lực, áp đặt, la mắng con,… đều có thể thay đổi được nếu cha mẹ tập kiềm chế, tập điềm tĩnh và tập kiểm soát chúng mỗi ngày.” – Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm Nhàn cho biết.

Bên cạnh đó, thay vì luôn tập trung vào con, cha mẹ hãy dành thời gian cho bản thân, gặp gỡ bạn bè, xin lời khuyên từ những người đi trước, đồng thời có sở thích cá nhân phong phú như trồng cây, đọc sách, luyện tập thể thao. Đây sẽ chính là những “nguồn lực” quý báu góp phần giúp cha mẹ chữa lành những căn bệnh tâm lý, đồng thời có thêm kiến thức nuôi dạy con đầy giá trị.

Xem thêm: Khóa học làm cha mẹ