cha mẹ tỉnh thức dạy con bằng những phương pháp tỉnh thức.

Để dạy con trong tỉnh thức, cần phải chú ý quan sát hành vi của bản thân mỗi khi tiếp xúc với con. Bằng cách này, ta dần ý thức được thói quen vô thức và những dấu ấn của cảm xúc ngay trong khoảnh khắc chúng diễn ra.

Khi cha mẹ tìm kiếm sự tỉnh thức

Trong quá trình tìm kiếm sự tỉnh thức trong cách tiếp xúc với con, cho dù ý định ban đầu có tốt đẹp bao nhiêu, vẫn có những khi ta lặp lại những mô thức cư xử cũ. Khi điều đó tái diễn nhiều lần, ta tự hỏi liệu đến bao giờ sự vô thức mới kết thúc. Điều này dễ khiến ta nản lòng.

Do dạy con không thuộc về phạm vi tri thức mà tâm trí ta liên tục trao đổi tương tác với con ở cấp độ phân tử, năng lượng, cho nên trừ khi ý thức được mức độ ảnh hưởng của mình lên con trong mọi khoảnh khắc, ta sẽ nuôi con mà chẳng đoái hoài đến nhu cầu của chúng.

Vì vậy, món quà lớn nhất ta tặng cho con chính là khả năng phân biệt – phân biệt rõ ràng – rằng con là một cá thể hoàn toàn khác với cha mẹ. Ngược lại, thất bại lớn nhất của người làm cha mẹ là không biết tôn trọng, khuyến khích con đi theo con đường của riêng mình.

Học làm cha mẹ tỉnh thức chưa bao giờ là dễ dàng.
Dạy con không phải chỉ dạy con bằng tri thức, mà đó là cả một hành trình cùng con vui, buồn, tôn trọng, chỉ bảo, khuyến khích và ủng hộ con đường mà con đi.

Muốn tỉnh thức, hãy quan sát sự vô thức

Trên thực tế, chẳng có cha mẹ nào đột nhiên trở nên tỉnh thức. Dạy con tỉnh thức tức là biến việc quan sát sự vô thức thành hoạt động thường nhật và suốt đời. Dù hành xử vô thức của ta nhỏ đến mức nào, mỗi lần nhận ra là một lần ta chuyển hóa. Khi bắt gặp mình trong khoảnh khắc vô thức và tách được khỏi nó, sự tỉnh thức của ta lại được củng cố.

Sự minh triết của trí tuệ và tâm hồn có cái giá của nó. Mỗi chúng ta đều mang trên mình những dấu ấn vô thức của nhiều thế hệ. Về bản chất, sự vô thức sẽ không bị – không thể bị – loại trừ hoàn toàn.

Bất chấp phần tỉnh thức lớn đến đâu, phần vô thức vẫn hoạt động với nhịp điệu riêng của nó. Nó rò rỉ theo từng thói quen, ý nghĩ, cảm xúc và từng lần hiện diện mà ta không hề hay biết. Chỉ bằng cách quan sát sự vô thức nhờ con cái phản chiếu lại, ta mới có thể chuyển hóa được nó.

Tỉnh thức song hành cùng vô thức

Một lần nữa cần hiểu rõ sự tỉnh thức và vô thức không phải là những phạm trù đối lập, nằm ở hai đầu quang phổ. Vô thức không phải là kẻ thù của ta. Ngược lại, vô thức tạo ra nền tảng để sự tỉnh thức diễn ra, miễn là ta chịu mở lòng với nó.

Tỉnh thức phải đi song hành với vô thức
Tỉnh thức là khi cha mẹ chấp nhận những lần vô thức của mình.

Tỉnh thức, không phải là một trạng thái cần đạt được, hay là một đích đến, mà là một quá trình liên tục. Biết sống tỉnh thức không có nghĩa là ta sẽ hoàn toàn không gặp những khoảnh khắc vô thức. Nói đúng hơn, đó là một tiến trình liên tục. Không có ai hoàn toàn tỉnh thức.

Có thể trong khía cạnh này của cuộc sống ta rất tỉnh thức, nhưng trong một khía cạnh khác lại không như vậy – có khi ta rất chú tâm để phản ứng trong khoảnh khắc này, nhưng lại mất tập trung ngay trong khoảnh khắc tiếp theo, sống tỉnh thức, tức là chứng kiến những lần vô thức của mình, dần dần làm cho bản thân ngày càng tỉnh thức hơn. Vì vậy, không cần coi sự vô thức như con ngáo ộp.

Đó không phải là điều đáng sợ, mà chính là cánh cửa giúp ta trở thành con người hoàn thiện.

Lòng bao dung chính là chìa khóa của sự tỉnh thức

Để chấp nhận con người hiện tại của con, ta cần từ bỏ tất cả ý tưởng rằng chúng “phải” là người thế nào – một sự từ bỏ gần giống với việc ngừng hoàn toàn hoạt động của tâm trí – và giao cảm thuần khiết với con, để làm sao có thể phản hồi ngay khi con cần, đó mới là cha mẹ tỉnh thức.

Khi tâm trí ngừng tư duy phán xét, ta có cơ hội được tái sinh bên cạnh tâm hồn của con đang dần hé nụ. Để đạt được điều đó, chỉ cần ta dồn tâm trí vào cuộc phiêu lưu kỳ diệu của hành trình dạy con. Con sẽ là người dẫn đường cho ta. Vì vậy, trở thành cha mẹ là cơ hội lớn lao để thay đổi. Nếu chịu mở lòng, con cái sẽ là người thầy lớn của ta.