Tuổi teen – một giai đoạn mà con bắt đầu lớn, nhưng vẫn chưa thật sự là người lớn. Giai đoạn của những thay đổi ồ ạt về tâm sinh lý, cảm xúc, nhận thức và các mối quan hệ xã hội. Và cũng chính là lúc mà vai trò của cha mẹ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Trong buổi webinar giáo dục #2: “Áp lực tuổi teen” do Trường Nam Úc Scotch AGS tổ chức với sự đồng hành của ThS Tâm lý Nguyễn Thị Tâm, các phụ huynh đã có cơ hội lắng nghe những chia sẻ sâu sắc, thực tế và giàu trải nghiệm xoay quanh câu hỏi: Làm thế nào để hiểu và đồng hành cùng con một cách hiệu quả trong giai đoạn nhiều biến động này?
Từ hàng chục tình huống thực tế và phân tích chuyên sâu, diễn giả đã hệ thống lại thành năm điều cốt lõi mà cha mẹ cần làm để đồng hành cùng con bước qua tuổi teen, không phải chỉ để “vượt sóng”, mà còn để trưởng thành cùng nhau:
Một là, trang bị kỹ năng sống cho con
Kỹ năng sống là “chiếc áo giáp” đầu tiên giúp con ứng phó với những thay đổi tâm sinh lý. Từ việc vệ sinh cá nhân khi cơ thể bắt đầu xuất hiện mùi hôi hay mụn trứng cá, đến kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, giải quyết mâu thuẫn, tất cả đều cần được hướng dẫn từng bước. Khi cha mẹ chủ động đồng hành, không phán xét, con sẽ dần tự tin hơn và biết cách chăm sóc bản thân một cách lành mạnh.
Hai là, xây dựng hệ giá trị sống
Một đứa trẻ không thể trưởng thành nếu thiếu đi những giá trị cốt lõi để làm la bàn định hướng. Sự trung thực, lòng yêu thương, tính khiêm nhường… không thể dạy bằng lời nói suông, mà bằng chính cách cha mẹ sống mỗi ngày. Cha mẹ chính là “người thầy giá trị sống” đầu tiên. Và nếu cha mẹ không làm gương, những gì ta kỳ vọng chỉ là ảo vọng.
Ba là, khơi gợi ước mơ, định hướng nghề nghiệp
Tuổi teen là tuổi mộng mơ. Nhưng nếu không có người lắng nghe, ước mơ sẽ bị xem nhẹ – và con sẽ chọn nghề theo áp lực thay vì đam mê. Hãy đặt câu hỏi, quan sát điểm mạnh, cùng con “vẽ bản đồ” cho tương lai. Khi có sự đồng thuận giữa ước mơ của con và định hướng từ cha mẹ, hành trình đến đại học sẽ nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn rất nhiều.
Bốn là, giáo dục giới tính, cảm xúc và hiểu về bản thân
Thật khó để nói về tình yêu, giới tính hay cảm xúc, nhất là khi cha mẹ vẫn còn ngại ngùng. Nhưng nếu không bắt đầu từ gia đình, con sẽ đi tìm câu trả lời ở nơi khác, đôi khi sai lệch và đầy rủi ro. Hãy học để hiểu, nói như một người bạn, một nhà khoa học, không phán xét, không cấm đoán. Vì chính sự chủ động của cha mẹ có thể giúp con tránh khỏi những tổn thương không đáng có.
Năm là, hỗ trợ con xây dựng cái tôi lành mạnh
Tuổi teen là hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Tôi là ai?”. Nếu không được đồng hành, con dễ rơi vào khủng hoảng, mất phương hướng hoặc sống cuộc đời mà người khác mong muốn. Hãy giúp con nhận diện giá trị bản thân, hình thành các thói quen tích cực và nuôi dưỡng động lực học tập bằng những lời công nhận kịp thời. Sự hiện diện và thấu hiểu của cha mẹ là món quà lớn nhất trong hành trình hình thành bản sắc cá nhân của con.
Xem lại Webinar giáo dục #2: Áp lực tuổi teen tại đây
Tình yêu thương – điều “kỳ diệu” nhất trong giáo dục
Một chia sẻ rất thật từ cô Tâm: “Ngày nay, làm cha mẹ khó hơn trước rất nhiều”. Không chỉ vì con cái thay đổi nhanh, mà còn vì xã hội đổi thay liên tục, mạng xã hội len lỏi vào mọi ngóc ngách cuộc sống của con – và vô hình trung, khiến áp lực từ bạn bè, thành tích, ngoại hình, định hướng tương lai… ngày càng nặng nề.
Phụ huynh thời nay không chỉ dừng lại ở việc chăm lo vật chất hay học hành, mà còn phải học cách lắng nghe, thấu hiểu và định hướng tinh thần cho con. Áp lực học tập, áp lực đồng trang lứa, áp lực từ chính kỳ vọng của ba mẹ là những nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều bạn tuổi teen khủng hoảng hoặc thu mình lại. Trong nhiều trường hợp, các em không nói – nhưng cảm thấy vô cùng nặng nề.
Không chỉ cha mẹ, thầy cô và nhà trường cũng là những người có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm lý của học sinh. Cô Tâm nhấn mạnh, để hỗ trợ học sinh tốt hơn, giáo viên cần được trang bị hiểu biết về tâm lý lứa tuổi, kỹ năng quan sát và xử lý tình huống cảm xúc.
Những hành vi cá biệt, phản kháng hay thu mình của học sinh không nên bị xem là “vấn đề”, mà là tín hiệu cần lắng nghe. Khi thầy cô có thể giữ được sự bình tĩnh, kiên nhẫn và tình thương, học trò sẽ dần cởi mở, được cảm hóa và phát triển đúng hướng. Đặc biệt, nhà trường nên chủ động xây dựng các hoạt động định hướng tâm lý, kỹ năng mềm và tạo điều kiện cho mối quan hệ giữa thầy cô – học sinh – phụ huynh trở nên gần gũi, tin cậy hơn.
Trên tất cả những kỹ năng hay mô hình giáo dục, tình yêu thương và sự công nhận vẫn là “vaccine” mạnh mẽ nhất để giúp con chống chọi với những áp lực trong cuộc sống. Một lời động viên đúng lúc, một ánh mắt công nhận từ cha mẹ hay thầy cô, có thể trở thành động lực để con đứng dậy, tiếp tục học tập và phát triển.
Cô Tâm chia sẻ những câu chuyện rất thật, nơi mà sự tôn trọng và kỳ vọng đúng mực đã giúp những đứa trẻ cá biệt nhất tìm được con đường phát triển. Và chính tình thương vô điều kiện, không áp đặt, không so sánh, mới là nền tảng để xây dựng một thế hệ trẻ tự tin, nhân ái và bền vững.