Phụ huynh nên học để hiểu Gen Z

 

Theo Tiến sĩ Đào Minh Hồng, làm cha mẹ cũng là một nghề, vì vậy cần học liên tục để đáp ứng với sự thay đổi về nhu cầu và thói quen của thế hệ Gen Z. Vì vậy, phụ huynh nên học để hiểu Gen Z.

The SACE Journey – Mở khóa Gen Z là chuỗi tọa đàm do Trường Nam Úc Scotch AGS phối hợp cùng báo điện tử VNExpress tổ chức nhằm giúp phụ huynh các thế hệ có cái nhìn đa chiều về lứa tuổi Gen Z, thấu hiểu các con để từ đó đồng hành ủng hộ các con trên con đường chinh phục những mục tiêu học tập và nghề nghiệp trong tương lai.

Với kinh nghiệm của một phụ huynh ba con thế hệ Gen Z, Tiến sĩ Đào Minh Hồng – Phó trưởng khoa Quan hệ Quốc tế Đại học Kinh tế Tài chính (UEF) cho biết khi con còn là đứa trẻ, bà đồng hành với con như những người bạn nhỏ với nhau; khi con trưởng thành, bà đồng hành với con như những người trưởng thành. “Để làm được điều này tôi đã phải đọc rất nhiều sách để hiểu các kiểu nổi loạn vị thành niên”, bà chia sẻ.

Cũng theo tiến sĩ, phụ huynh nên học cách để làm cha mẹ thông thái trong tâm thế vui vẻ, thú vị nhất cho chính mình và cho tất cả các bên liên quan. Việc học sẽ giúp phụ huynh có cơ hội hiểu chính mình, cũng như mong muốn hay áp lực của mình đối với bản thân và con cái – phù hợp thì thúc đẩy, chưa thì điều chỉnh.

Cha mẹ cũng cần đọc nhiều để hiểu hơn về đặc trưng tâm sinh lý lứa tuổi và đời sống của con, dành thời gian để trò chuyện, để lắng nghe; dừng những so sánh con mình với “con nhà người ta”.

Hãy để con được tự do bộc lộ cảm xúc, khi con giận dữ cho con được hét lên, thậm chí đá giày… để xả stress. “Đừng bảo con phải kiềm chế. Việc thoải mái thể hiện bản thân sẽ tự giúp các con tự giải tỏa. Hơn hết, hãy để con là bản nguyên vẹn của chính mình với tất cả những gì con chưa hoàn thiện”, Tiến sĩ chia sẻ.

Phụ huynh cũng đừng đặt trách nhiệm lên con cái, cha mẹ càng đặt nặng trách nhiệm, con càng khó độc lập tự chủ. Đơn cử, những câu nói như “con phải học giỏi” là một trách nhiệm, “con mẹ không dốt được” cũng là một trách nhiệm…

“Thay vì giáo dục theo lối độc đoán, áp đặt, quá tự do hoặc thiếu trách nhiệm; quá nuông chiều hoặc thiếu hướng dẫn, phụ huynh hãy tự học hỏi, cập nhật kiến thức, kỹ năng để giáo dục theo cách phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng cá nhân trẻ”, Tiến sĩ Hồng nhận định. Việc này đòi hỏi phụ huynh dành nhiều thời gian bởi đây là điều không tự nhiên có được.

Phụ huynh nên học để hiểu Gen Z – đây chính là giải pháp xóa đi khoảng cách thế hệ.

Về khía cạnh phụ huynh với nhà trường, Tiến sĩ cho hay, phụ huynh hãy nhìn về đời sống học đường của con trong cái nhìn tôn trọng, chia sẻ và cùng chịu trách nhiệm. Nơi đó có các mối quan hệ giữa con với bạn bè, với thầy cô. Phụ huynh cần bình tĩnh để nhìn sự việc trong cái nhìn đa chiều. Hãy coi nhà trường là một xã hội thu nhỏ, với nhiều thành viên và hoạt động đa dạng. Ở đó, chính học sinh và mọi thành viên cần được hiểu, được tôn trọng, được an toàn và được có giá trị… chứ không chỉ riêng học sinh cần như vậy.

“Là một phụ huynh, tôi thực sự cảm ơn nhà trường, vì thời gian con đi học, tôi sẽ được nghỉ ngơi, có thời gian xem và kiểm điểm lại mình; bên cạnh đó là công việc, những mối quan hệ khác…”, Tiến sĩ nói. Mặt khác, con đến trường không chỉ học kiến thức mà còn được bộc lộ mình rõ nhất – bộc lộc những khía cạnh mà nếu ở nhà con có thể sẽ giấu kín và phụ huynh khó có bức tranh đầy đủ nhìn nhận về con mình.

“Bạn thứ ba nhà tôi ở nhà không chịu nói gì, nhưng ở trường lại nằm trong câu lạc bộ nhảy hiphop, và rất tự tin khi thuyết trình trước đám đông”, Tiến sĩ lấy dẫn chứng về trường hợp của bản thân.

Bà dẫn câu nói “nuôi dạy đứa trẻ là nhiệm vụ của một ngôi làng”. Một cộng đồng tốt, một môi trường gia đình lành mạnh chính là những điều kiện tốt để con có thể phát triển. “Đừng chỉ ‘trăm sự nhờ thầy’, hãy lặng lẽ quan sát và chia sẻ cùng với con, vì trẻ con có những nỗi khổ riêng của chúng, và chúng cần sự hiểu biết, chia sẻ, cần sự nối kết trong tình thương yêu của thầy cô, bạn bè và cha mẹ”, Tiến sĩ chia sẻ thêm.

Nguồn: VNExpress