Được bố mẹ bao bọc quá kỹ, phải sống theo ước muốn, kỳ vọng của phụ huynh, thế hệ Gen Z mong muốn độc lập phát triển và tự chịu trách nhiệm về định hướng tương lai.
Trong chuỗi tọa đàm The SACE Journey – Mở khóa Gen Z, tập 2 với chủ đề “Gen Z vượt sướng, vượt khổ như thế nào?”, công chiếu tối 29/3, các đại diện Gen Z chia sẻ mong muốn phụ huynh thấu hiểu hơn để ủng hộ, đồng hành với những quyết định của giới trẻ.
Thế hệ Gen Z “vượt sướng”
Phần đầu buổi tọa đàm thảo luận về vấn đề thế hệ Gen Z “vượt sướng” như thế nào. Hai khách mời Gen Z đã diễn giải cụm từ vượt sướng ở đây là với tài chính đầy đủ của gia đình, với sự bao bọc, chăm sóc kỹ lưỡng của cha mẹ, đó là điều may mắn, nhưng lại trở thành áp lực đè nặng lên các bạn với kỳ vọng từ phía cha mẹ – những người đã cung cấp các “dịch vụ” đó cho họ.
Để làm rõ kết quả những điều kiện sướng đó tác động lên thế hệ Gen Z như thế nào, nghiên cứu sinh Đại học Harvard, Đỗ Hồng Hoàng My đã tiến hành một khảo sát làm tư liệu cho luận văn thạc sĩ của cô. Khảo sát được thực hiện tại một trường chuyên thuộc TP HCM và học sinh ở một tỉnh cao nguyên miền Trung năm 2021.
Kết quả thu được cho thấy những học sinh có đầy đủ điều kiện sướng gặp trở ngại trong việc phát triển độc lập, lựa chọn về về tương lai và định hướng nghề nghiệp.
Các bạn ở trường chuyên của thành phố được gia đình chu cấp đầy đủ, tạo nhiều cơ hội, thậm chí định hướng nghề nghiệp lại dẫn tới ba kết quả: thụ động thực hiện theo ý muốn cha mẹ, hoặc không biết gì (bối rối) để lựa chọn về phát triển tương lai, hoặc (thường thấy) những bất hòa khi con cái không theo ý muốn cha mẹ, muốn chọn lối đi riêng.
Trong khi đó, các bạn ở Tây Nguyên phải tự định hướng, tự đưa ra những quyết định cho sự phát triển của cá nhân vì bố mẹ cũng không biết gì để hỗ trợ. “Những điều đầy đủ của các bạn thành phố cũng chính là cái các bạn cần vượt qua, vượt sướng là vượt qua cái bóng của bố mẹ”, Hoàng My chia sẻ.
Võ Phương Dung, học sinh lớp 12 Trường Quốc tế Renaissance cho biết thêm, em cũng thuộc thế hệ Gen Z và đang phải vượt những cái sướng nhất định. Dung là con một, học trường quốc tế. Nữ sinh chia sẻ:
“Chắc mọi người sẽ nghĩ em là con nhà người ta, nhưng thực sự vượt qua được những điều này, em thấy còn khổ hơn các bạn khác vượt khổ thông thường. Sướng chỉ là sướng về tài chính, và tình yêu thương của cha mẹ với con cái được đo bằng việc chu cấp tài chính, rồi những suy nghĩ ba mẹ đã cực khổ để có điều kiện tốt nhất cho con, hay ước vọng của cha mẹ… thật sự là những cái khổ và dẫn tới mâu thuẫn trong gia đình”.
Trước đó, tại tọa đàm The SACE Journey tập một, Tiến sĩ Đào Minh Hồng cũng nhấn mạnh: “Phụ huynh Việt quá bao bọc, can thiệp sâu vào việc học của con sẽ làm con mất đi tính tự lập và luôn thấy áp lực”.
Vậy GenZ đã vượt sướng như thế nào? Đỗ Hồng Hoàng My cho hay, em đã tận dụng hiệu quả nguồn tài chính của gia đình để vươn lên những mục tiêu cao hơn mục tiêu thông thường mà bất kỳ bạn nào có hay không có điều kiện tài chính đều có thể làm được. Vượt sướng là tận dụng điều kiện vật chất của gia đình một cách chủ động,dùng ưu thế đó làm bàn đạp, nỗ lực đạt được những mục tiêu cao hơn, ưu tú hơn.
Hoàng My cũng nhắn nhủ các bạn trẻ hãy xem lại mình đã tạo dựng được sự tin tưởng với cha mẹ chưa, đã sống và học tập để gia đình yên tâm, không có gì phải lo lắng về mình hay chưa? Quan trọng nhất, khi muốn sống theo ý mình, các bạn có đủ khả năng thuyết phục để ba mẹ chấp nhận bằng những phân tích về quyết định của mình trên cơ sở những hiểu biết về chính bản thân hay không?
Phương Dung cũng bổ sung thêm, em nhận nhiều sự quan tâm vì là con một. Sự bảo bọc này chỉ sướng ở độ tuổi nhất định, và đến thời điểm trưởng thành điều này sẽ trở thành nỗi khổ. Tuy nhiên, thay vì cãi vã nữ sinh chọn cách đưa ra lập luận rõ ràng, quyết liệt để chứng minh cho cha mẹ, hoặc cùng tìm đến chuyên gia tâm lý để gỡ bỏ những mâu thuẫn.
Xem thêm: Trẻ trầm cảm do thiếu tương tác với bố mẹ
Thế hệ Gen Z “vượt khổ”
“Sướng quá hóa khổ”, Hoàng My chia sẻ về “nỗi khổ” của Gen Z.. Thứ nhất, các bạn ở thế hệ Gen Z có quá nhiều lựa chọn về những con đường mới, các ngành nghề mới nên không biết chọn gì và luôn bối rối, lo lắng.
Thứ hai là các bạn có đầy đủ cả tài chính lẫn sự quan tâm của cha mẹ, nên thường không có động lực, không có mục tiêu, không có cố gắng trong cuộc sống. Các bạn cũng có quá nhiều thông tin, nhiều sách dạy làm người, dạy thành công nhưng lại không có những trải nghiệm thực tiễn, không có sân chơi để để kiểm chứng thông tin và tìm hiểu điều gì phù hợp với chính mình.
Đồng tình với quan điểm của Hoàng My, Tiến sĩ Phi Yến, điều phối chương trình cho rằng thế hệ Gen Z đang có những thách thức mà các thế hệ trước đó không có. Điều tưởng như đầy đủ lại khiến họ trở nên hoang mang hơn.
Phương Dung bổ sung thêm, các bạn trẻ có một nỗi khổ nữa cần vượt qua là những định kiến về xã hội trong chọn ngành học. Đơn cử, nhiều bạn thích các ngành liên quan đến công nghệ như Tiktoker, Youtuber, gamer, vlogger nhưng vì vướng nhiều định kiến nên hoang mang, không biết nên lựa chọn thế nào.
Một điều nữa là các bạn thiếu sân chơi để trải nghiệm, như nhiều bạn quan tâm bình đẳng giới nhưng không biết bắt đầu từ đâu…
Với câu hỏi làm cách nào để “vượt khổ” hiệu quả, Phương Dung cho rằng, các bạn trẻ không nên vội vã, hấp tấp, thậm chí có thể tự tạo sân chơi để trải nghiệm, từ đó có lựa chọn đúng đắn.
Trong khi đó, Hoàng My mong muốn có thể mở mạng lưới trợ giúp từ sinh viên các trường đại học với học sinh phổ thông để định hướng tương lai, khám phá bản thân, tìm ra câu trả lời mình là ai và đâu là ngành nghề phù hợp với bản thân…
Xem thêm: Trường Nam Úc Scotch AGS xét tuyển thẳng lớp 10
Nguồn: VNExpress