“Các bậc phụ huynh cần phân biệt giữa việc thực hành tỉnh thức và việc không dám đối mặt với hành vi sai trái của con”.
Đây là một lời khuyên chân thực của Thạc sĩ Trần Thị Mỹ Yến về vấn đề nan giải của nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con trong Chương Trình Workshop Đặc Biệt “Cha Mẹ Tỉnh Thức” Dành Cho Cộng Đồng Phụ Huynh trường Nam Úc Scotch AGS.
Im lặng là tiền đề cho các hành vi sai trái khác của con
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng khi con làm sai thì không nên la mắng hay trách phạt để tránh làm tổn thương tâm lý của con. Theo Thạc sĩ Mỹ Yến, mỗi khi con phạm phải sai lầm nếu cha mẹ biết giáo dục đúng cách sẽ giúp con có được những bài học quý giá. Quan trọng hơn hết, con sẽ có nhận thức tốt hơn về phân biệt hành động nào là đúng, hành động nào là sai.
Nếu khi con làm sai mà cha mẹ chỉ lặng im, không giải quyết vấn đề một cách triệt để thì con có nguy cơ trở nên vô kỷ luật. Đây còn là tiền đề cho những đứa con khác trong gia đình thực hiện hành vi sai trái. Bởi con sẽ bắt chước theo khi anh chị phạm lỗi nhưng không bị cha mẹ trách phạt.
Hoặc có nhiều cha mẹ chọn cách nóng giận, la mắng con. Việc này có thể giải quyết được bề mặt của vấn đề nhưng gốc rễ vẫn chưa được triệt để hoàn toàn. Ngay lúc đó, con có thể vâng dạ và thỏa hiệp với cha mẹ, nhưng con vẫn chưa thật sự tâm phục. Vì vậy, con sẽ có xu hướng tìm thêm cách khác để thực hiện các hành vi hư hỏng.
Thế nhưng, khi làm cha làm mẹ ai cũng có những lúc bối rối, đôi lúc tự hỏi rằng bản thân mình sai hay con mình sai. Vậy làm sao để phụ huynh biết mình đúng hay sai?
Đề cập đến vấn đề này, Thạc sĩ Mỹ Yến cho biết cha mẹ cần lập ra những ranh giới, hệ giá trị nhất định, cụ thể hơn là nguyên tắc để dẫn dắt mọi thứ vận hành trơn tru trong gia đình mình. Bởi nếu ngay từ đầu phụ huynh không cùng con bàn luận và đưa ra các nguyên tắc thì rất khó để phân biệt đúng sai. Hệ giá trị này cũng được xem là nét đẹp, văn hoá và là cái phải có khi thiết lập gia đình.
Áp dụng thực tập tỉnh thức khi giáo dục con
Cha mẹ tỉnh thức cần ý thức được từng khoảnh khắc với con: đang la rầy con, nhắc nhở con, biết những lời nói và hành động của mình có chính đáng, cần thiết, phù hợp hay không? Giữ thái độ bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc giận giữ, cùng con tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp là những điều cha mẹ cần làm khi con phạm lỗi.
Đặc biệt, để tránh con phạm phải sai lầm không đáng có, phụ huynh cần phải lập nên “gia uy”, nguyên tắc trong gia đình. Theo nghiên cứu, trẻ em 2 tuổi đã có thể có 80% nhận thực so với người lớn thế nên cần dạy con các phép tắc từ khi còn nhỏ. Nhưng các bậc cha mẹ cần lưu ý rằng không nên áp dụng các quy tắc một cách cứng nhắc, ràng buộc, vì như vậy sẽ phạm phải kiểu giáo dục độc tài.
Mỗi lứa tuổi, con sẽ có mức nhận thức và khả năng khác nhau nên cha mẹ cũng cần phải linh hoạt thay đổi các nguyên tắc trong gia đình. Để tránh trường hợp con chống đối, cảm thấy mất tự do thì cha mẹ cần bàn bạc và lắng nghe ý kiến của con khi đặt ra những giới hạn mới.
Đồng thời, phụ huynh nên tạo điều kiện để cả gia đình có buổi “deep talk” cùng nhau trong một khoảng thời gian nhất định. Đây là cơ hội để cha mẹ tâm tình với con thật sâu sắc và gắn kết với nhau nhiều hơn. Cha mẹ nên tắt hết các thiết bị điện tử, tránh để tiếng chuông làm gián đoạn cuộc trò chuyện. Bên cạnh đó, cha mẹ cần phải lưu ý nói đúng chuyện, đúng nơi, đúng lúc và ngắn gọn, sắc bén để con hoàn toàn tâm phục, khẩu phục.
Qua buổi workshop trong chuỗi Chương Trình Workshop“Cha Mẹ Tỉnh Thức”, Thạc sĩ Mỹ Yến mong muốn rằng các bậc cha mẹ nên biết cách áp dụng thực tập tỉnh thức để giáo dục con khi con mắc sai lầm, thay vì chọn im lặng, né tránh. Điều này không chỉ giúp con có nhận thức về phân biệt đúng sai mà còn giúp con cảm thấy được gắn kết hơn với cha mẹ.