“Không điều gì tuyệt vời bằng con cái được cha mẹ lắng nghe một cách trọn vẹn”.
Đó là chia sẻ của Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, trong Chương Trình Workshop Đặc Biệt “Cha Mẹ Tỉnh Thức” Dành Cho Cộng Đồng Phụ Huynh trường Nam Úc Scotch AGS.
Hệ lụy khi cha mẹ tước đi nhu cầu được tôn trọng của con
Bất kì ai cũng cần được tôn trọng, đây là một loại nhu cầu chung của con người. Vì thế, khi con cái được cha mẹ tôn trọng những quan điểm cá nhân, được lắng nghe trọn vẹn thì con sẽ cảm thấy được yêu thương, được tôn trọng và có giá trị.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu gần đây cho thấy trẻ em ở Việt Nam có chỉ số tự tin thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Đó chính là kết quả của việc nhiều cha mẹ còn áp dụng kiểu giáo dục độc tài đối với con. Khi nuôi dạy một đứa trẻ bằng những lời phê phán, áp đặt và tước đi quyền tự do quyết định, con sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng và mất tự tin.
Điều này về lâu dài sẽ làm con mất đi khả năng tự bảo vệ bản thân, vì con nghĩ bản thân mình không có giá trị và không xứng đáng được hưởng quyền lợi vốn có. Thậm chí, khi bước vào mối quan hệ hôn nhân con sẽ luôn cam chịu khi là nạn nhân của bạo lực gia đình và nghĩ mình xứng đáng bị như vậy. Việc này xuất phát từ tổn thương trong gia đình từ khi còn nhỏ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm cho biết, cha mẹ thiếu tôn trọng con là gián tiếp hủy hoại cuộc đời của con, làm con mất đi lòng tự trọng và khiến con không biết cách đặt ra giới hạn để tự bảo vệ mình.
Đồng thời, khi trẻ thiếu sự lắng nghe từ cha mẹ có khả năng cao sẽ trở thành “people pleaser”. Đây là một định nghĩa dành cho người luôn cố gắng làm hài lòng người để được công nhận. Con luôn gồng mình để đáp ứng các yêu cầu của cha mẹ, bạn bè, sau này có thể là đồng nghiệp. Vì con không biết cách và cũng không đủ can đảm để nói lời từ chối, điều này rất nguy hiểm vì có thể khiến con bị “stress” nặng.
Đóng vai nạn nhân cũng là một trọng những hệ luỵ của việc cha mẹ không tôn trọng con cái. Thay vì con cố gắng tìm cách giải quyết khi gặp những bất công, khó khăn trong cuộc sống, thì con trở nên tự ti, chỉ biết than thở, trách móc và toả ra nhiều năng lượng tiêu cực.
Học cách tôn trọng con
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm, cha mẹ cần học cách lắng nghe, tỉnh thức và thấu cảm để nuôi dạy con tốt nhất có thể. Không có gì tuyệt vời hơn khi con được cha mẹ chân thành lắng nghe một cách trọn vẹn. Mỗi ngày phụ huynh nên dành một khoảng thời gian để trò chuyện, tâm sự cùng con.
Khen ngợi con đúng lúc cũng là cách giúp con tự tin và cảm thấy luôn được công nhận. Bên cạnh đó, cha mẹ nên cho con cái được quyền tự do quyết định và tôn trọng quyền riêng tư của con. Cha mẹ có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ như: gõ cửa khi vào phòng con, không tự ý xem điện thoại của con và luôn quan tâm đến ý kiến của con.
Mỗi người luôn có những điều khác biệt và cha mẹ cần tôn trọng những khác biệt của con. Ví dụ, trong gia đình sẽ có những đứa trẻ hướng ngoại, nhưng cũng có đứa hướng nội. Thay vì luôn chê trách đứa trẻ hướng nội sống khép kín, thiếu hòa đồng, thì cha mẹ nên học cách thấu hiểu và yêu thương con.
Làm cha mẹ đôi khi rất khó và gặp nhiều trở ngại vì không phải ai cũng được học cách làm cha làm mẹ sao cho đúng. Thế nên, mỗi chúng ta cần phải học cách bao dung, từ bi đối với bản thân và đối với con. Khi gặp những điều chưa hài lòng, cha mẹ cần bình tĩnh tìm hiểu gốc rễ của vấn đề và giải quyết. Nếu phụ huynh chỉ trích con thì chỉ càng làm con thêm tổn thương và thiếu hợp tác.
Qua buổi workshop trong chuỗi Chương Trình Workshop “Cha Mẹ Tỉnh Thức”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm mong muốn rằng cha mẹ nên chú ý hơn đến nhu cầu được tôn trọng của con. Điều này không chỉ giúp con cảm thấy bản thân là một người có giá trị mà còn giúp con biết tự bảo vệ bản thân và luôn tự tin trong cuộc sống.