Phương pháp giáo dục STEAM đang trở thành một xu hướng nổi bật trong lĩnh vực giáo dục hiện nay, kết hợp 5 lĩnh vực Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering), Nghệ thuật (Arts) và Toán học (Mathematics).
Ngày càng có nhiều trường học, trung tâm tại Việt Nam áp dụng phương pháp giáo dục STEAM vào giảng dạy. Vì sao phương pháp này lại được đánh giá cao trong việc phát triển kỹ năng toàn diện cho học sinh?
Phương pháp giáo dục STEAM là gì?
Phương pháp giáo dục STEAM kết hợp 5 lĩnh vực khác nhau vào một chương trình học duy nhất với mục tiêu để học sinh nắm vững lý thuyết và phát triển khả năng tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm.
Điều đặc biệt ở STEAM là sự kết hợp thêm nghệ thuật (Arts). Các em sẽ không chỉ phát triển kỹ năng kỹ thuật mà còn nuôi dưỡng khả năng sáng tạo và tư duy thẩm mỹ.
Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ là ba nước dẫn đầu về số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành STEAM. Chẳng hạn tại Mỹ, STEAM đã được tích hợp vào hệ thống giáo dục từ cấp tiểu học đến đại học với các chương trình nhấn mạnh vào học tập qua thực hành.
Các kết quả cho thấy học sinh tham gia các chương trình STEAM có thành tích học tập tốt hơn và phát triển kỹ năng mềm như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Lợi ích của phương pháp giáo dục STEAM
Giáo dục STEAM hướng tới trang bị cho người học nhiều kỹ năng thiết yếu hơn là chỉ kiến thức đơn thuần.
Điển hình vào năm 2009, Hàn Quốc đã phổ cập giáo dục STEAM trên toàn quốc. Kết quả là tỷ lệ học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi khoa học và toán học tăng khoảng 10% sau 3 năm triển khai. Học sinh cũng cho thấy sự hứng thú hơn đối với các môn học tích hợp này, góp phần tăng tỷ lệ tham gia và hoàn thành các dự án học tập.
Nhìn chung, học sinh được khuyến khích tìm ra các giải pháp mới mẻ, kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật, nâng cao khả năng sáng tạo. Với các bài tập thực hành liên quan đến kỹ thuật và công nghệ, học sinh sẽ học được cách tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau.
Bên cạnh đó, các hoạt động STEAM sẽ bổ trợ cho học sinh phát triển kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm. STEAM ngoài trang bị kiến thức nền tảng còn giúp học sinh sẵn sàng thích nghi với những tiến bộ công nghệ mới trong tương lai.
Làm sao đưa phương pháp giáo dục STEAM vào chương trình?
STEAM có thể được áp dụng ở nhiều cấp độ giáo dục từ mầm non đến đại học. Ở trường tiểu học, các bài học STEAM thường được thiết kế dưới dạng các hoạt động vui chơi, tạo sự hứng thú cho trẻ.
Ở cấp trung học, các bài tập thường có tính chất phức tạp hơn, yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức từ nhiều môn học để giải quyết vấn đề thực tế.
Trên tầm vi mô – quy mô lớp học, các giáo viên có thể tạo ra những dự án tích hợp giữa các môn học như khoa học, nghệ thuật và công nghệ. Một số công cụ học tập như robot, phần mềm lập trình, và các ứng dụng AR/VR có thể giúp tăng cường tính tương tác của STEAM.
Trên tầm vĩ mô – quy mô quốc gia, theo các chuyên gia, để giáo dục STEAM thực sự phát huy hiệu quả, giáo viên cần được đào tạo về cách giảng dạy và đánh giá học sinh trong môi trường học STEAM.
Bởi cần xác định rằng phương pháp giáo dục STEAM hơn cả một xu hướng tạm thời. Đó nên là một phần không thể thiếu trong giáo dục hiện đại.
Việc áp dụng STEAM sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện và sẵn sàng đối mặt với thách thức của thế kỷ 21. Với những lợi ích rõ ràng và ứng dụng đa dạng, STEAM chắc chắn sẽ là phương pháp giáo dục quan trọng trong tương lai.