Blog

STEAM là gì? Ứng dụng của STEAM trong giảng dạy

STEAM là gì

Giáo dục STEAM phát triển rầm rộ thời gian gần đây với rất nhiều đơn vị quảng cáo chương trình, khóa học STEAM ở các thành phố lớn. Dẫu vậy, dường như không ít phụ huynh, học sinh vẫn chưa thật sự hiểu rõ STEAM là gì?

STEAM là gì?

STEAM là một từ được tạo thành bằng các chữ viết tắt Science (Khoa học) – Technology (Công nghệ) – Engineering (Kỹ thuật) – Arts (Nghệ thuật) – Mathematics (Toán). STEAM là phương pháp giáo dục tích hợp các kiến thức và kỹ năng liên ngành vào một chương trình học thống nhất.

Các thành tố S – T – E – A – M luôn có sự tương tác lẫn nhau trong các chương trình học để đảm bảo sự toàn diện cho học sinh. Qua sự kết hợp của 5 yếu tố trên, học sinh được phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, nuôi dưỡng sự sáng tạo và được chuẩn bị để bước vào thị trường lao động chứa đựng nhiều biến động trong tương lai.

Nhìn ở một góc độ khác, công thức của STEAM là “STEAM = STEM + Arts”. Khái niệm STEM ra đời trước, đề xuất cách kết hợp của Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán trong chương trình và hoạt động giảng dạy.

Để hiểu STEAM là gì, học sinh sẽ được học kết hợp 5 môn (Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật – Nghệ thuật – Toán) trong từng bài học.

Với STEAM, mô hình được nâng cấp trọn vẹn hơn khi có yếu tố Nghệ thuật. Nghệ thuật ở đây không chỉ là những lĩnh vực truyền thống như hội họa, âm nhạc mà còn bao gồm nhiều lĩnh vực sáng tạo khác như thiết kế đồ họa, kiến trúc và cả viết lách.

Thành tố Arts đã và đang mở rộng cách tiếp cận giáo dục. Nếu như STEM tập trung vào các chủ đề khá thô cứng thì STEAM tạo sự cân bằng khi có thêm sự mềm mại của Nghệ thuật.

Người học sẽ được gì khi học với phương pháp giáo dục STEAM?

Một trong những “tuyên ngôn” của giáo dục STEAM là khuyến khích học sinh không chỉ học thuộc lòng mà hỗ trợ các em suy nghĩ một cách sáng tạo, tăng tính phản biện.

Học sinh sẽ biết cách phối hợp các hiểu biết trong Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật – Nghệ thuật – Toán để giải quyết mọi vấn đề phát sinh một cách độc lập và linh hoạt. Góc nhìn của học sinh về thế giới xung quanh luôn được mở rộng và đa chiều.

Trong các tiết học STEAM, giáo viên thường truyền đạt kiến thức thông qua các dự án và yêu cầu học sinh thực hành càng nhiều càng tốt. Nhờ đó, các em có thể áp dụng kiến thức vào các tình huống thực tế, gia tăng kỹ năng ứng dụng, làm việc nhóm và giao tiếp.

Học sinh học chương trình kết hợp STEAM
Học sinh học phương pháp giáo dục STEAM được bồi dưỡng nhiều kỹ năng, từ khoa học tư duy đến nghệ thuật,

Thực tiễn áp dụng STEAM ở nhiều quốc gia phát triển cho thấy, học sinh luôn thể hiện được khả năng kết nối và cộng tác vượt trội so với những bạn đồng trang lứa theo học các chương trình khác. Trong thế giới phẳng, năng lực hợp tác là then chốt để học sinh thành công trong tương lai.

Đưa các môn STEAM vào nhà trường ra sao?

Theo các giáo sư giáo dục học tại Đại học Stanford (Mỹ), yếu tố tiên quyết để đưa giáo dục STEAM vào trường học là việc các giáo viên có thể phát triển được hay không các dự án và hoạt động học tập đa dạng, ở đó học sinh có thể áp dụng kiến thức và kỹ năng ở nhiều môn học khác nhau để giải quyết vấn đề.

Chẳng hạn, một dự án dạy học của giáo viên có thể ra đầu bài kết hợp toán học (phân tích dữ liệu), khoa học (quy trình thực nghiệm), kỹ thuật (thiết kế và xây dựng mô hình), nghệ thuật (thiết kế thẩm mỹ) và công nghệ (sử dụng phần mềm hoặc công cụ kỹ thuật số).

Việc chọn chủ đề học tập, giảng dạy sẽ buộc phải rộng, ít nhất đủ không gian cho học sinh vận dụng hết tất cả các thành tố của STEAM. Các chủ đề cũng cần mang tính thời đại để học sinh biết gắn những vấn đề đang học với thực tế cuộc sống.

Chẳng hạn chủ đề “Biến đổi khí hậu”, học sinh có thể kết hợp các yếu tố từ khoa học (hiểu biết về khí hậu), công nghệ (cách công nghệ giúp giảm thiểu vấn đề), kỹ thuật (phát triển giải pháp bền vững), nghệ thuật (truyền thông và biểu đạt về vấn đề) và toán học (phân tích dữ liệu và mô hình).

Đội ngũ giáo viên giảng dạy STEAM tại Nam Úc Scotch AGS
Để ứng dụng STEAM vào giảng dạy, vai trò thiết yếu nằm ở đội ngũ giáo viên.

Một trường học muốn dạy STEAM thành công cần bắt nguồn từ gốc rễ là giáo viên. Dĩ nhiên, giáo viên cần được đào tạo đặc biệt để dạy các môn học STEAM một cách tích hợp và sáng tạo. Họ cần được sự hỗ trợ liên tục về tài nguyên giảng dạy, được nhà trường cho dư giả ít nhiều về thời gian để lập kế hoạch và đầu tư chất xám cho chương trình học.

Ngoài ra cũng cần khuyến khích đội ngũ chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với đồng nghiệp, để chính họ tạo động lực cho nhau về cả tinh thần lẫn chất lượng chuyên môn.

Cuối cùng, các trường học cần có cơ sở vật chất và tài nguyên phù hợp để dạy STEAM. Điều này đòi hỏi chi phí đáng kể cho cơ sở vật chất, bao gồm phòng lab khoa học, phòng máy tính, thiết bị công nghệ cũng như nguyên vật liệu cho các dự án sáng tạo.

Chia sẻ