“Con cái nuôi dưỡng những tinh hoa, năng lượng và giá trị tốt đẹp của cha mẹ bên trong hình hài mình. Vì thế, cha mẹ phải vận dụng được bi – trí – dũng trong nuôi dạy con để con được thừa hưởng những điều tốt đẹp nhất từ cha mẹ”.
Đó là chia sẻ của Thiền sư Minh Niệm, khách mời trong tập 5 chuỗi series “Cha mẹ tỉnh thức” với chủ đề: Trao lại chủ quyền cho con.
“Cha mẹ tỉnh thức” là chuỗi series dài tập được phối hợp sản xuất giữa Vietsuccess và Nam Úc Scotch AGS – trường Úc 100 năm. Nội dung các tập phát sóng xoay quanh về những chia sẻ, trải nghiệm, kiến thức chuyên môn cũng như những góc nhìn thực tế từ các chuyên gia về hành trình làm cha mẹ tỉnh thức đúng nghĩa.
Hình ảnh cha mẹ như cung tên và con cái như mũi tên đã được sử dụng để minh họa một cách sâu sắc về vai trò của cha mẹ trong việc trao lại chủ quyền cho con khi cần thiết. Để có thể trở thành những chiếc cung vững chãi, giúp những cây cung lao đi nhanh và xa hơn, cha mẹ phải là người tạo đà và có tầm nhìn tốt. Đó là lý do vì sao cha mẹ cần áp dụng ba yếu tố bi – trí – dũng trên hành trình nuôi con đầy thử thách này.
Nuôi con liệu chỉ là sự cho đi?
Vào vai cha mẹ là một đặc ân, song hầu hết các cha mẹ đều xem trách nhiệm đó là quyền lực. Vì đã đầu tư quá nhiều cho thiên chức này nên chúng ta thường mặc định rằng con mình chỉ nhận từ mình và mình luôn là người cho đi.
“Đây là cái nhìn có phần nông cạn, bởi khi sinh con ra, cha mẹ đã được nhận lại rất nhiều. Con làm cho cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa và khiến chúng ta trở thành những người có giá trị” – Thiền sư Minh Niệm chia sẻ.
Nuôi dạy con cái là một quá trình giúp cha mẹ trưởng thành và hoàn thiện bản thân. Qua việc chăm sóc và giáo dục con, cha mẹ học được sự kiên nhẫn, lòng từ bi và khả năng đối mặt với những thử thách, từ đó tạo cơ hội để cha mẹ trau dồi thêm rất nhiều kỹ năng khác như giao tiếp, quản lý thời gian và giải quyết vấn đề.
Con cái là nguồn cảm hứng và niềm vui vô tận của cha mẹ. Tình yêu thương đơn thuần, trong sáng mà con dành cho cha mẹ là động lực giúp cha mẹ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Những khoảnh khắc vui đùa, những nụ cười và cử chỉ yêu thương từ con cái giúp cha mẹ cảm thấy hạnh phúc và ý nghĩa. Thế cho nên, nhờ có con cái mà cha mẹ mới thật sự trưởng thành. Vì vậy, đừng chỉ xem chúng là người chịu ơn hay trông chờ vào việc con phụng sự để báo đáp công ơn của mình.
Để nhận lại, cha mẹ hãy trả cho con chủ quyền
Khi trong giai đoạn con dần trưởng thành và cần bước ra khỏi vòng tay che chở của các bậc phụ huynh, cha mẹ đôi khi sẽ có những suy nghĩ rằng con cái đang “vô ơn” và hành xử như thể bất cần cha mẹ. Tuy nhiên, đây chỉ là những phản ứng thái quá của chúng khi bị kiểm soát và áp đặt, bởi đến một độ tuổi nhất định, con cần phải sống cho lý tưởng và mục tiêu của cuộc đời mình. Và dĩ nhiên, cha mẹ cũng thế.
Vì sao lại nói như vậy?
Sự mất tự do của cha mẹ bị trói buộc trong hai từ trách nhiệm. Khi có quá nhiều nỗi lo toan, sống trong những định kiến từ xã hội, cha mẹ không thể “thương mình” đúng nghĩa vì bị áp đặt vào quá nhiều vai trò. Cho đến lúc cảm thấy sự bất ổn, cha mẹ sẽ nhận ra rằng, là do mình đã bị “giam cầm” quá lâu. Thế cho nên, cách duy nhất cha mẹ cần làm chính là làm chủ nỗi sợ, đi tìm sự tự do mà mình đã bỏ quên trên con cái.
“Khi cha mẹ đã trải qua những khủng hoảng hiện sinh, thấu hiểu nhân sinh, cha mẹ cũng sẽ muốn “thương mình trước”. Để làm được điều đó, điều tất yếu là cha mẹ phải trao trả lại quyền tự do cho con, để con được sống và quyết định cuộc đời của chúng.” – Thiền sư Minh Niệm nhấn mạnh.
“Đừng nên phụ thuộc mọi thứ vào con và cũng đừng nghĩ con cần phụ thuộc mọi thứ vào mình. Vì sự trưởng thành của những đứa trẻ là không giống nhau, cha mẹ cần biết cách quan sát để trao lại chủ quyền cho con một cách kịp thời.” – Thiền sư giải thích thêm.
Có những đứa trẻ “trưởng thành” rất sớm, nhưng cũng có đứa trẻ dù trưởng thành nhưng vẫn muốn dựa dẫm. Để con có thể đứng vững trên đôi chân của mình, hãy thực hiện việc trao trả chủ quyền cho con một cách từ tốn và chậm rãi.
Cho con tự do không đồng nghĩa với quên yêu thương con
Ngược lại với sự bảo bọc, lo lắng quá mức, nhiều bậc phụ huynh có xu hướng trao trả cho con chủ quyền quá sớm, không đủ quan tâm đến con. Họ cho rằng rời xa vòng tay cha mẹ mới thực sự giúp con trưởng thành nhanh chóng. Tuy nhiên, một công thức không thể áp dụng cho tất cả các trường hợp.
Chia sẻ về vấn đề này, Thiền sư Minh Niệm cho biết ta cần phải tìm ra cách giải quyết phù hợp nhất cho từng vấn đề. Lời khuyên từ thiền sư là cha mẹ hãy biết điều tiết sự yêu thương và mong muốn được tự do của con. Làm thế nào để con vẫn cảm thấy có không gian và sự tự do để phát triển, đồng thời vẫn cảm nhận được sự yêu thương vô điều kiện mà cha mẹ luôn dành cho mình. Trái lại, với những đứa trẻ cần quá nhiều tình thương, cha mẹ phải thật sự sáng suốt để không bị mắc vào “bẫy yêu thương” không đúng cách, làm cho con không chịu lớn và mãi dựa dẫm như những đứa trẻ.
“Để vào vai cha mẹ một cách trọn vẹn, sự cân bằng là rất quan trọng, đặc biệt cha mẹ phải cân bằng được 3 yếu tố bi – trí – dũng trên hành trình nuôi dạy con.” – Thiền sư Minh Niệm đưa ra lời khuyên.
Lòng từ bi trong triết lý đạo Phật không chỉ là tình yêu thương vô điều kiện mà còn là sự đồng cảm, lòng bao dung và sự chia sẻ, sẵn sàng hy sinh và bảo vệ con khỏi những tổn thương. Trí, nghĩa là trí tuệ, sự thông minh, khả năng nhận thức và hiểu biết sâu rộng nhằm phán đoán để giải quyết vấn đề và đưa ra những quyết định đúng đắn. Dũng, nghĩa là bản lĩnh, dám nghĩ, dám đối mặt với khó khăn và thử thách. Nó không chỉ là sự kiên trì, quyết tâm mà còn là sự can đảm để cha mẹ có thể làm được những điều phi thường.
Trong quá trình nuôi dạy con, các bậc làm cha mẹ cần biết mở rộng lòng từ bi và dung lượng trái tim để trở nên rộng lớn hơn con, thương con vô điều kiện nhưng tình thương đó phải dựa trên sự hiểu biết, và cuối cùng chính là dám và quyết tâm làm những điều giúp con tốt hơn dù chúng ngược lại với mong muốn chủ quan của cha mẹ. Chỉ khi kết hợp được 3 yếu tố này, cha mẹ sẽ cảm thấy con trưởng thành trong sự biết ơn. Dù có tự do ở chân trời nào, con vẫn luôn hướng về cha mẹ, và cha mẹ cũng thế.
Cảm nhận sự hiện diện của con và cha mẹ trong vô tướng
Trong triết lý đạo Phật, khái niệm “vô tướng” là một trong những tư tưởng sâu sắc và quan trọng, đặc biệt khi nói đến mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái. Vô tướng có nghĩa là không có hình tướng cố định, không có bản ngã bất biến. Khi áp dụng vào mối quan hệ này, việc “nhìn thấy con trong vô tướng” mang ý nghĩa sự hiểu biết và tình thương vô điều kiện, vượt ra khỏi những ràng buộc và kỳ vọng thông thường.
Sự trưởng thành của con cái song hành với việc gặp gỡ giữa con và cha mẹ cũng ngày một ít đi. Tuy nhiên, cha mẹ không nhất thiết phải luôn quan sát hay ở trong cự ly gần với con, bởi:
“Khi cha mẹ đủ tỉnh thức, bước lên một tầm nhận thức mới, cha mẹ sẽ luôn nhìn thấy con trong vô tướng” – Thiền sư Minh Niệm nói.
Điều này nghĩa rằng dù con không có mặt bên cha mẹ nhưng cha mẹ vẫn có thể nhìn thấy, hay cảm thấy sự hiện diện của con bởi chúng ta đã có sự kết nối sâu sắc với con trước đó. Việc nhìn thấy con trong vô tướng giúp cha mẹ tôn trọng sự tự do và khả năng tự phát triển của con, không bị ràng buộc bởi những định kiến hay mong đợi cá nhân. Đây chính là cơ hội cho con phát triển tự nhiên, tự do khám phá bản thân và thế giới xung quanh một cách chân thật.
Ngược lại con cái là sản phẩm của cha mẹ, vì thế chúng nuôi hình bóng, tinh hoa và những giá trị, năng lượng của cha mẹ bên trong hình hài của mình. Cha mẹ rồi cũng sẽ già cỗi, nhưng những giá trị mà cha mẹ trao truyền cho con sẽ luôn ở đó. Vì thế, khi con thành nhân hay thành công cũng đều có sự tồn tại của cha mẹ. Cho nên, con cái mang cha mẹ bên mình một cách vô tướng, kế thừa những giá trị tốt đẹp của cha mẹ và hướng về tương lai.
Con cái khi hiểu và áp dụng được triết lý này sẽ có khả năng phát triển một mối quan hệ gia đình dựa trên sự thông cảm, tôn trọng và tình thương vô điều kiện. Ngược lại, cha mẹ cần biết cách cân bằng và áp dụng ba yếu tố bi, trí, dũng vào nuôi dạy con. Kết hợp cả hai điều này không chỉ làm tăng cường sự gắn kết gia đình mà còn giúp mỗi cá nhân đạt được sự bình an trong tâm hồn, hướng đến giá trị thực của sự tỉnh thức.