“Trước đây, việc thể hiện tình yêu thương một cách công khai hầu như rất hiếm thấy trong văn hóa người Việt. Đó là lý do vì sao cha mẹ thế hệ trước thường không thể hiện tình yêu thương trực tiếp với con.”
Một chia sẻ thẳng thắn nhưng rất thực tế từ Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm – khách mời trong tập 2 của seires Cha mẹ tỉnh thức với chủ đề: Thấu hiểu tâm lý con theo từng lứa tuổi.
“Cha mẹ tỉnh thức – Mindful Parenting” là chuỗi seires dài tập được phối hợp sản xuất giữa Vietsuccess và Nam Úc Scotch AGS – trường Úc 100 năm. Nội dung các tập phát sóng xoay quanh về những chia sẻ, trải nghiệm, kiến thức chuyên môn cũng như những góc nhìn thực tế từ các chuyên gia về hành trình làm cha mẹ tỉnh thức đúng nghĩa.
Chữa lành những tổn thương trong con bằng tình yêu thương
Theo góc nhìn phân tâm học, sáu năm đầu đời là cực kỳ quan trọng đối với một đứa trẻ. Ở giai đoạn này, trẻ hoàn toàn có thể nhận thức và hình thành những thói quen về thể chất cũng như tâm lý tinh thần, đặc biệt là cách đối xử, giáo dục từ ba mẹ sẽ là yếu tố ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách sau này của trẻ.
Nếu trẻ được nuôi dạy trong sự bao dung và tình yêu thương rộng mở, càng lớn trẻ sẽ trở nên điềm tĩnh, nhẹ nhàng. Ngược lại, sự giáo dục đến từ áp đặt, bạo lực ngôn từ và hành vi, trẻ sẽ càng thiên hướng tự ti, mất kiểm soát cảm xúc và không biết cách thể hiện tình yêu thương đến những người xung quanh.
“Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình đổ vỡ sẽ dễ lặp lại sự đổ vỡ đó trong gia đình tương lai của mình do con có xu hướng bị ảnh hưởng bởi những điều tiêu cực trong sự kết nối với gia đình trước đó.” – Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm cho biết.
Thực tế là vậy, tuy nhiên, nếu như cha mẹ nhận ra mình đã từng làm tổn thương con hay đã bỏ lỡ những giai đoạn cần sự chú tâm vào sự phát triển của con thì chưa bao giờ là muộn để thay đổi. Theo trường phái nhận thức hành vi, con người hoàn toàn có khả năng thay đổi bản thân mình. Vì thế, cha mẹ hoàn toàn có thể thay đổi để bù đắp cho con, đặc biệt là giai đoạn tuổi teen, vì đây là lúc con cần cha mẹ thấu hiểu nhất.
5 ngôn ngữ yêu thương và cách ứng dụng
Năm Ngôn ngữ yêu thương là cuốn sách được biên dịch từ tác phẩm nổi tiếng The Five Love Languages của Chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Gary Chapman – cuốn sách luôn nằm trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất thế giới và đã được dịch ra 40 ngôn ngữ trên toàn cầu.
Đề cập đến đầu sách này, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm nhấn mạnh 5 ngôn ngữ yêu thương cần được hiểu và ứng dụng trong tất cả các mối quan hệ có ý nghĩa xung quanh ta, đặc biệt là trong mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái.
Vậy 5 ngôn ngữ yêu thương đó là gì?
- Lời khen ngợi: Không chỉ người lớn mới cần sự khen ngợi, động viên mà con trẻ cũng cần được sự công nhận hơn bao giờ hết. Những lời khen sẽ là nguồn động lực, sự khích lệ to lớn để con để giúp con trở nên tự tin, độc lập khi bước ra khỏi vòng tay cha mẹ. Từ đó, con càng có niềm tin vào bản thân, giá trị và năng lực của mình.
- Sự tận tụy: Khi cha mẹ thể hiện được điều này, con sẽ cảm nhận được yêu thương và cảm thấy mình có giá trị to lớn đối với cha mẹ. Được yêu thương chính là một trong nhưng nhu cầu cảm xúc quan trọng nhất của con người. Sự tận tụy trong yêu thương được thể hiện qua những hành động quan tâm như cha mẹ tận tình chăm sóc con mỗi khi con ốm, cha mẹ nấu cho con những món ăn ngon, ghi nhớ những sở thích mà con kể. Khi con cảm nhận được sự tận tụy của cha mẹ, trong con sẽ hình thành lòng biết ơn sâu sắc với bậc sinh thành cũng như có lòng trắc ẩn với những người xung quanh.
- Thời gian chia sẻ: Một số bậc cha mẹ là doanh nhân chia sẻ khi con cái của họ bước vào độ tuổi teen, họ giảm bớt thời gian thậm chí chấp nhận giảm công việc, giảm doanh thu để dành thời gian cho con nhiều hơn. Tuổi teen được xem là độ tuổi vàng, giai đoạn mà con cần cha mẹ nhất. Vì thế, lời khuyên từ chuyên gia là cha mẹ phải tận dụng giai đoạn này để phát huy vai trò làm cha mẹ, dành thời gian bên con nhiều hơn để có thể lắng nghe, thấu hiểu con những lúc con cần.
- Quà tặng: Từ xưa, sự quan tâm của ông bà cha mẹ thường được thể hiện qua những món quà bánh từ phương xa gửi về hay biếu nhau những món quà quê dân giã như túi khoai, trái bắp. Trong văn hóa ứng xử với gia đình, trao nhau quà tặng cũng là cách thể hiện tình yêu thương. Khi ba mẹ tặng quà cho con vì con ngoan hay có những thành tích học tập tốt, con sẽ có động lực để con phấn đấu nhiều hơn. Thế nên, nếu chưa thể nói được những lời yêu thương một cách toàn mỹ, cha mẹ hoàn toàn có thể sử dụng phương pháp này.
- Cử chỉ âu yếm: Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm nhận định rằng việc thể hiện tình yêu thương công khai nơi công cộng hầu như không có trong văn hóa người Việt. Cha mẹ thế hệ trước vẫn còn nghèo nàn trong cách bộc lộ cảm xúc với người khác, đặc biệt là với con trẻ. Vì thế, chuyên gia khách mời khuyên các bậc cha mẹ hãy thể hiện tình yêu thương với con nhiều hơn thông qua những cử chỉ âu yếm. Cha mẹ chỉ cần trao cho con những cái ôm khích lệ, động viên, đó cũng là hành động lan tỏa năng lượng yêu thương một cách mạnh mẽ.
Vậy, liệu cha mẹ có cần thể hiện cả năm ngôn ngữ này với con? Câu trả lời là có. Trên thực tế, ngôn ngữ yêu thương của con chịu ảnh hưởng trực tiếp từ ngôn ngữ yêu thương của cha mẹ. Nếu cha mẹ có sự chia sẻ thời gian hay nói lời khen tặng trong gia đình, con cũng sẽ có xu hướng tương tự.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm, cha mẹ nên tìm hiểu và trao cho con ngôn ngữ yêu thương mà con cần. Tuy nhiên, dưới góc độ của một nhà tâm lý học, bà khuyên các bậc cha mẹ tỉnh thức, nếu có thể, hãy thể hiện với con cả năm ngôn ngữ yêu thương này vì chúng là chất xúc tác để sợi dây kết nối các thành viên trong gia đình ngày càng bền chặt.
Tổng kết, không bao giờ là quá muộn nếu cha mẹ muốn thay đổi một cách tích cực để thể hiện tình yêu thương dành cho con cái. Điều quan trọng nhất là cha mẹ cần có khả năng phản tư lại chính mình, tự nhận thức để tự điều chỉnh để có những ứng xử phù hợp với con. Việc thực hành 5 ngôn ngữ yêu thương sẽ là chìa khóa giúp nuôi dưỡng sự liên kết bền chặt của con và chính cha mẹ.