Blog

Nuôi dưỡng tình yêu thương con cái bằng cách mở rộng dung lượng trái tim

Cha mẹ cũng cần trưởng thành - cha mẹ tỉnh thức

“Dung lượng trái tim của cha mẹ nhất định phải to lớn hơn con cái, chỉ có như thế chúng ta mới trở thành người thuyền trưởng, lãnh đạo tinh thần của con”.

Đó là chia sẻ của Thiền sư Minh Niệm trong series Cha mẹ tỉnh thức tập 3 với chủ đề: Cha mẹ cũng cần trưởng thành.

“Cha mẹ tỉnh thức” là chuỗi series dài tập được phối hợp sản xuất giữa Vietsucess và Nam Úc Scotch AGS – trường Úc 100 năm. Nội dung các tập phá sóng xoay quanh về những chia sẻ, trải nghiệm, kiến thức chuyên môn cũng như những góc nhìn thực tế từ các chuyên gia về hành trình làm cha mẹ tỉnh thức đúng nghĩa.

Những áp lực trên hành trình làm cha mẹ

Khi bước vào hành trình tiếp nhận thiên chức, cha mẹ mang trên mình rất nhiều áp lực. Áp lực của sự nghiệp, áp lực phải thành công, và quan trọng hơn hết chính là áp lực trở thành những bậc cha mẹ tốt. Vì thế mà đôi lúc, cha mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi trong việc nuôi dạy con. Vậy tại sao nhiều bậc cha mẹ không dám nghỉ ngơi trên hành trình này?

Cha mẹ cũng cần trưởng thành
Trên hành trình làm cha mẹ, đôi lúc cha mẹ cần dừng lại, nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng trước khi quay trở về vai trò của mình.

Càng trưởng thành, áp lực từ cuộc sống xã hội và gia đình khiến cho cha mẹ không dám dừng lại nghỉ ngơi. Hay nói cách khác, cha mẹ sợ rằng nếu dừng lại sẽ khó mà bắt kịp những người đang thành công rực rỡ. Tuy nhiên, Thiền sư Minh Niệm cho biết khi các bậc phụ huynh biết mình đang mệt mỏi nhưng không chịu dừng lại và quay về với chính mình, việc nuôi dạy con sẽ càng thêm khó. Khi đang bất ổn, cha mẹ thường có xu hướng thể hiện những mặt tiêu cực với con, hay phán xét, uy quyền, đòi hỏi. Và điều này làm sợi dây liên kết giữa con cái và cha mẹ ngày càng yếu ớt.

“Nếu chúng ta không có sự thực tập hay rèn luyện bản thân, cơ thể của chúng ta rất dễ xuống cấp, tâm hồn cũng không phải ngoại lệ.”

Tâm của ta giống như một khu vườn, cần được chăm sóc, tưới tiêu. Khi cha mẹ đã “làm mát” khu vườn tâm hồn của mình, cha mẹ sẽ có cái nhìn sáng suốt và vị tha để trở về với vai trò làm cha mẹ. Vì thế, cha mẹ cần phải giữ vững phong độ của mình với nguồn năng lượng tích cực, là điểm tựa tinh thần vững vàng cho con. Đồng thời cha mẹ phải tiếp tục quan sát, nâng cấp và phát triển bản thân để phát huy tốt nhất cái nghề làm cha mẹ.

Sự trưởng thành của cha mẹ được thể hiện như thế nào?

“Đôi khi mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái mắc kẹt là do cha mẹ vẫn chưa chịu trưởng thành, mà con cái thì lại trưởng thành trước cha mẹ.”

Khái niệm trưởng thành trong mỗi bậc làm cha làm mẹ đôi khi không giống nhau. Theo góc nhìn của Thiền sư Minh Niệm, trưởng thành của cha mẹ có thể gói gọn trong hai phương diện, đó là trưởng thành trong chính bản thân và trưởng thành trong mối liên hệ với con cái.

Khi cha mẹ nhận ra mình đang có những vấn đề bất ổn hay những cảm xúc tiêu cực, điều cần làm ngay lúc này là cha mẹ nên tìm lại sự trưởng thành trong chính cá nhân cha mẹ. Chúng ta không thể giáo dục con cái khi đang có những tổn thương hay với một tâm hồn không lành lặn. Vì thế, một vài bài tập mà Thiền sư đưa ra có thể là giải pháp hữu ích trong hành trình quay lại sự trưởng thành. Khi năng lượng dần cạn kiệt, cha mẹ hãy dừng lại một chút, yêu thương và chấp nhận bản thân, sống chan hòa với người khác, ngồi thiền nhiều hơn, đọc sách, uống trà, luyện tập thể thao để làm tươi mát khu vườn tâm hồn của mình.

Mở rộng dung lượng trái tim là cách cha mẹ kết nối với con cái.
Quá trình trưởng thành của cha mẹ được thể hiện ở cả tri thức lẫn trong tâm thức.

Sau khi đã trở về với sự trưởng thành vốn có, cha mẹ sẽ tiếp tục hành trình trưởng thành trong sợi dây liên kết giữa các con và cha mẹ. Các bậc cha mẹ cần là chỗ dựa tinh thần để cho các con có điểm tựa mỗi lúc khó khăn. Chúng ta không cần phải luôn có mặt bên con, nhưng hãy để những lúc gần con là những khoảng thời gian chất lượng nhất.

“Cha mẹ đừng quá phán xét, giáo điều và nguyên tắc một cách cứng nhắc. Đôi khi hãy để con tự mình trải nghiệm cuộc sống và trưởng theo cách của con. Đó là khi cha mẹ đã trưởng thành trong cả tri thức lẫn tâm thức.” – Thiền sư Minh Niệm chia sẻ.

Của cho không bằng cách cho, tình yêu thương cũng thế

Sự dạy dỗ, giáo dục của cha mẹ chỉ nên được truyền đạt đến con khi cha mẹ ở trạng thái tỉnh thức. Không nên nhân danh tình thương để can thiệp mọi lúc vào vấn đề của con khi chúng ta không thực sự ổn.

Các bậc cha mẹ ngày nay có rất nhiều nỗi sợ. Để xoa dịu nỗi sợ đó, cha mẹ vội vàng, hấp tấp, bắt con tiếp thu những giáo điều, phán xét. Thiền sư Minh Niệm giải thích cho dù ta có nói hay, nói đúng, nhưng khi lời nói xuất phát từ một cá thể có năng lượng không ổn, người nhận cũng sẽ dễ tự ái, khó chịu và tổn thương.

Cách trao đi tình yêu thương thể hiện dung lượng trái tim của cha mẹ.
Hãy nên trao tình yêu thương cho con với một thái độ tích cực để con tiếp nhận nó một cách trọn vẹn nhất.

Vì thế mà người xưa có câu: “Của cho không bằng cách cho”. Cách giáo dục, tri thức hay vật chất mà cha mẹ trao truyền cho con cái, nếu được trao đến con với thái độ tiêu cực, yêu sách, thiếu tôn trọng thì chúng sẽ từ chối tiếp thu và không muốn nhận tình yêu thương của cha mẹ.

Trong xã hội hiện đại, giới trẻ học hỏi rất nhanh kiến thức mới từ thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc cha mẹ và những thế hệ trước đang dần bị bỏ lại phía sau. Vì thế, chúng ta nên nâng cấp bản thân thay vì giữ những quan niệm cũ kỹ rằng con cái lúc nào cũng sai và cha mẹ thì luôn luôn đúng. Khi con cái có thái độ, phản ứng với cha mẹ, đó là lúc cha mẹ nên hiểu rằng mình đang thực sự có vấn đề, và mình cần thay đổi.

Các bậc cha mẹ khi chưa đủ trưởng thành sẽ chỉ quanh quẩn trong vùng an toàn của mình, không muốn tiếp thu cái mới. Thậm chí với cái tôi quá cao, cha mẹ thường có xu hướng muốn lấn át con và chứng minh uy quyền “luôn đúng” của mình. Chia sẻ lời khuyên về vấn để này, Thiền sư Minh Niệm cho biết dung lượng trái tim của cha mẹ nhất định phải to lớn hơn con.

“Nếu thực sự muốn thấu hiểu con, cha mẹ nên lùi lại. Lùi lại không có nghĩa là mình thua thiệt trước con, mà lùi lại chính là rộng lớn”.

Là những bậc cha mẹ, chúng ta phải bao dung hơn con, vị tha hơn con. Chúng ta phải là chỗ dựa tinh thần cho con, để mỗi khi con tổn thương, mệt mỏi, con sẽ muốn quay về. Khi đó, cha mẹ mới có thể che chở và yêu thương con đúng nghĩa cũng như trở thành thuyền trưởng, lãnh đạo tinh thần của con mình.

Chia sẻ