Những góc nhìn mới xoay quanh đầu tư giáo dục của con sẽ được các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm The SACE Journey số 7, ngày 10/5.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ huynh quan tâm cao tới tương lai giáo dục của con. Với nhiều người có tầm nhìn, đầu tư cho con học được xem là cách đầu tư cho tương lai. Song không phải ông bố, bà mẹ nào cũng thông thái trong việc lên kế hoạch tài chính khoa học; cũng không phải gia đình nào cũng có mức thu nhập dư dả để trang trải học phí cho con. Đặc biệt, sau những tổn thất kinh tế do Covid-19, việc đầu tư cho học tập của con cái cũng được các gia đình cân nhắc kỹ hơn.
Áp lực của bậc cha mẹ thế nào khi vừa muốn cho con học trong môi trường giáo dục tốt nhất, vừa phải cân đối dòng tiền cho các hoạt động chi tiêu khác của gia đình? Sự đầu tư như thế nào là khoa học và mang lại hiệu quả tốt cho tương lai của con trẻ? Những băn khoăn này sẽ được giải đáp trong trong tập 7 của The SACE Journey – Mở khóa Gen Z, chủ đề “Đầu tư giáo dục cho con – Động lực hay áp lực?”.
Hai khách mời của chương trình là Tiến sĩ Nguyễn Thu Hương – Tổng giám đốc Nam Huong Group; Tiến sĩ Phạm Anh Khôi – Giảng viên Đại học Western Sydney, Australia; CEO và Đồng sáng lập FINA.
Phần đầu tọa đàm với nội dung “Chuẩn bị tài chính cho việc học của con như thế nào là khôn ngoan?”, các diễn giả sẽ đưa ra quan điểm về việc đầu tư giáo dục cho con như thế nào là khoa học và khôn ngoan; hay mức độ tài chính mà bố mẹ đầu tư giáo dục cho con, chi trả liệu có quyết định đến chất lượng giáo dục và kết quả học tập của con hay không?
Với những gia đình khá giả, có khả năng thu nhập cao, việc đầu tư giáo dục, đặc biệt là việc học của con không có gì đáng bàn. Nhưng với những gia đình mà khả năng chi trả còn eo hẹp, việc cố gắng xoay xở, gồng gánh các loại chi phí đắt đỏ để con theo học trong những môi trường giáo dục hiện đại, chất lượng như trường tư, trường hệ chất lượng cao, thậm chí cho con đi du học liệu có nên hay không?
Sự đầu tư “quá sức” ấy liệu có trở thành áp lực hay gánh nặng không chỉ với bậc phụ huynh mà còn với con trẻ? Những vấn đề này cũng sẽ được các diễn giả đưa ra thảo luận, và chia sẻ kinh nghiệm của bản thân.
Phần hai của tọa đàm là “Kỳ vọng kiếm lời từ việc đầu tư giáo dục cho con”. Thực tế cho thấy, giáo dục là một trong số lĩnh vực nhận được sự quan tâm đầu tư của mỗi cá nhân, đơn vị trong xã hội, tùy điều kiện và mức độ. Đã gọi là đầu tư, ắt muốn sinh lời. Vậy lợi nhuận mà các bậc phụ huynh ngày nay vẫn kỳ vọng khi dốc nguồn lực tài chính để đầu tư cho con học tập là gì? Tiến sĩ Nguyễn Thu Hương sẽ đưa ra góc nhìn thú vị về vấn đề này.
Bên cạnh đó Tiến sĩ Phạm Anh Khôi đề cập đến một số phương thức đầu tư gián tiếp trong lĩnh vực này. Một số ông bố, bà mẹ thay vì chi trả mức phí không hề nhỏ để con theo học những môi trường giáo dục hiện đại, đắt đỏ, họ đem số tiền đó đầu tư vào các lĩnh vực khác như bất động sản, chứng khoán… và lấy đó làm vốn cho con sau này.
Thực tế, sự đầu tư cho việc học của con thường xuất phát từ tình yêu thương của các bậc làm cha, làm mẹ. Họ sẵn sàng dốc hết nguồn lực tài chính, thậm chí cố gắng chắt góp để con được học tập trong môi trường tốt nhất với hy vọng tương lai con thêm vững vàng và nhiều triển vọng. Tuy nhiên, để các con hiểu tường tận những mong mỏi của cha mẹ, nhận thức đúng đắn về sự đầu tư của gia đình chưa bao giờ dễ dàng.
Những câu chuyện đáng buồn vẫn xảy ra khi con trẻ có suy nghĩ lệch lạc về sự quan tâm, sự đầu tư mà cha mẹ dành cho việc học tập của các em. Đây cũng là nội dung chính của phần ba tọa đàm – “Giải pháp để con thấu hiểu và đồng hành cùng cha mẹ trong cuộc đầu tư cho giáo dục”.
Từ kinh nghiệm bản thân, Tiến sĩ Nguyễn Thu Hương sẽ “bật mí” cách bà chia sẻ với các con về tài chính gia đình. Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Anh Khôi đưa ra lưu ý với phụ huynh về việc tùy tính cách của con để có cách chia sẻ về tài chính gia đình sao cho phù hợp, tránh việc trẻ trở nên tự ti vì sợ gây áp lực cho bố mẹ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương từng tốt nghiệp Tiến sĩ tại trường ĐH Thể dục Thể thao TP HCM. Bà đảm nhận các vị trí khác nhau như Phó chủ nhiệm Hội Nữ doanh nhân – Hội Doanh nghiệp trẻ TP HCM, nhà sáng lập và điều hành Mạng lưới Nữ lãnh đạo quốc tế (WLIN); nhà sáng lập và điều hành Mạng lưới Phụ nữ Khởi nghiệp (WSUN), Chủ tịch Học viện Hình tượng chuyên nghiệp (Proimage).
Bà cũng từng đạt nhiều giải thưởng như Nữ lãnh đạo tiêu biểu châu Á Thái Bình Dương – Philippine 2017; danh hiệu Nữ lãnh đạo toả sáng – Malaysia 2017; danh hiệu Nữ lãnh đạo sáng tạo – Singapore 2018.
Tiến sĩ Phạm Anh Khôi là CEO & Đồng sáng lập FINA – nền tảng công nghệ về giải pháp tài chính cho người dùng tại Việt Nam. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ và tham gia giảng dạy tại Đại học Western Sydney, Australia. Với gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản và tài chính, ông là tác giả của nhiều nghiên cứu học thuật được công bố trên các tờ báo và sách quốc tế uy tín.
Nguồn: VNExpress