Gen Z bày tỏ quan điểm định hướng tương lai

Đại diện Gen Z sẽ chia sẻ những vấn đề đang gặp phải trong cuộc sống, học tập… tại tọa đàm SACE Journey tập 2, ngày 29/3, đồng thời đây cũng chính là lúc Gen Z bày tỏ quan điểm định hướng tương lai cho chính mình.

Tập 2 của chuỗi tọa đàm The SACE Journey – Mở khóa Gen Z với chủ đề “Gen Z vượt sướng – khổ như thế nào?”, đại diện Gen Z (sinh năm 1997-2012) sẽ chia sẻ quan điểm của các em về cha mẹ và những vấn đề các em đang gặp phải, qua đó giúp phụ huynh thấu hiểu, ủng hộ và đồng hành với những quyết định cho tương lai.

Chương trình có sự tham gia của Đỗ Hồng Hoàng My, Thạc sĩ Giáo dục, Đại học Pennsylvania; nghiên cứu sinh Đại học Harvard, Mỹ và Võ Phương Dung, học sinh lớp 12 Trường Quốc tế Renaissance, TP HCM. Võ Phương Dung từng vào Top 10 cuộc thi G-College Singapore Travel Award 2021.

Nữ sinh đồng sáng lập dự án emPower, thành viên ban PR của Go Green Together. Người điều phối tọa đàm là Tiến sĩ Nguyễn Trần Phi Yến, giảng viên Đại học RMIT, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn công nghệ Beowulf Blockchain.​​​​​​​

Phần đầu tọa đàm các khách mời sẽ chia sẻ quan điểm về “vượt sướng”, “vượt khó”. Theo nhiều chuyên gia, vượt sướng là dám bước ra khỏi những điều kiện thuận lợi, tốt đẹp, an nhàn; bước ra khỏi vùng an toàn để đón nhận và đương đầu với những thử thách mới. Nếu như hành trình vượt khó – vượt qua nghịch cảnh, khó khăn có thể quật ngã bất cứ ai không có ý chí kiên cường thì vượt sướng còn gian nan gấp nhiều lần.

Với nhiều gen Z, được cha mẹ định hướng là một điều may mắn, song cũng đè nặng lên các bạn những áp lực, kỳ vọng từ phía phụ huynh. Đơn cử, nhiều bạn trẻ ở thành phố cho biết được bố mẹ chu cấp đầy đủ, hoạch định sẵn tương lai, nghề nghiệp dẫn tới những bất đồng vì bản thân không có tiếng nói, không được lựa chọn theo sở thích riêng. Hai khách mời là Hoàng My và Phương Dung sẽ chia sẻ những quan điểm cá nhân để tránh những trận tranh luận với bố mẹ, đồng thời có thể tự đưa ra những quyết định cho tương lai…

Bên cạnh đó, hai bạn trẻ sẽ cùng thảo luận về những ngành nghề mới như Youtuber, gamer, tiktoker, vlogger – những nghề không còn quá xa lạ với các bạn Gen Z nhưng trong mắt cha mẹ thì nó chưa được công nhận là một nghề.

Phần tiếp theo của tọa đàm sẽ là cuộc đối thoại giữa hai khách mời đại diện cho Gen Z đời đầu và Gen Z đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học với nhiều băn khoăn về định hướng ngành nghề cho tương lai. Cụ thể, Hoàng My – nghiên cứu sinh ĐH Harvard sẽ nhắn nhủ tới Ngọc Dung và các gen Z khóa 2004 bí quyết chọn ngành và lượng sức mình hợp với môi trường giáo dục nào? Hay quan điểm của Hoàng My về gap year…

Cuối chương trình là những lời nhắn nhủ của Gen Z dành cho các bậc phụ huynh với mong muốn cha mẹ sẽ ủng hộ và đồng hành với những quyết định của con.

Chuỗi tọa đàm “The SACE Journey – Mở khóa Gen Z” do VnExpress phối hợp với Trường Scotch AGS Scotch AGS phát trên VnExpress và fanpage. Tuần trước, tại tập 1, độc giả đã có một bức tranh chân dung về cha mẹ của Gen Z – những phụ huynh thuộc thế hệ 7x-8x. Hai thế hệ phụ huynh này có những đặc điểm riêng do bối cảnh trưởng thành của họ khác nhau như sự thay đổi của thế giới, sự ra đời và đột phá của công nghệ.

Nhận diện chung cha mẹ thế hệ 7X và 8x đa số là người tri thức, quen thuộc với công nghệ, thức thời và hiểu biết nhất định về nghề làm cha mẹ qua việc tự học và tự hoàn thiện.

Xem ngay: Tấm gương gen Z tự tìm cơ hội nghiên cứu sinh tại đại học hàng đầu Mỹ

Nguồn: VNExpress