“Cha mẹ thường nhân danh tình yêu thương con để làm mọi thứ theo ý mình”.
Đó là chia sẻ của Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, khách mời đặc biệt trong số phát sóng thứ 2, chuỗi series “Cha mẹ tỉnh thức” với chủ đề: Thấu hiểu tâm lý con theo từng lứa tuổi, series được sự hợp tác tổ chức giữa Vietsuccess và Nam Úc Scotch AGS – trường Úc 100 năm.
Cách dạy con theo chế độ độc tài
Đa số cha mẹ người Việt thời xưa thường dạy con theo kiểu độc tài. Cha mẹ luôn áp đặt, khống chế hay có những luật lệ cứng nhắc dành cho con mà không có bất kỳ lý lẽ hay sự giải thích nào. Điều này làm cho các con cảm thấy bị dồn nén, tứ đó con có sự chống đối, phản kháng một cách tiêu cực.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm, điều gây nên tổn thương sâu sắc trong mỗi đứa trẻ chính là sự chỉ trích, đánh giá và so sánh con mình với con nhà người ta. Các bậc phụ huynh nghĩ rằng khi con cảm thấy xấu hổ, con sẽ tự giác thay đổi và có động lực phấn đấu hơn, nhưng đó là quan niệm sai lầm. Chỉ trích hay so sánh chỉ làm con tự ti và nhút nhát bởi con không có niềm tin vào chính bản thân mình.
Những đứa trẻ “hấp thụ” chế độ dạy con độc tài của cha mẹ khi lớn lên sẽ không thể hình thành năng lực giải quyết vấn đề. Nguyên do là vì tất cả quyền quyết định thuộc về cha mẹ, con không được phép can thiệp hay nói lên chính kiến của mình. Vì thế, con trở nên sống khép kín, thụ động, thiếu tự tin cũng như sợ đối mặt với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Thế nên, nếu cha mẹ học được cách nuôi dạy con tỉnh thức, cha mẹ sẽ đồng thời xây dựng cho con chỉ số thông minh cảm xúc cho con và cả cho mình.
Nuông chiều không phải lúc nào cũng tốt
Nhiều phụ huynh không áp đặt hay dùng những biện pháp độc tài với con, song họ lại nuông chiều con quá mức. Khi cuộc sống ngày càng phát triển, cha mẹ luôn muốn dành cho con những điều tốt nhất. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc cha mẹ phải đáp ứng mọi nhu cầu của con. Bởi nếu những nhu cầu đó vượt quá khả năng của cha mẹ, chúng sẽ trở thành áp lực nặng nề cho sự kết nối giữa cha mẹ và con cái. Các con dễ trở nên dựa dẫm, hạch sách và đòi hỏi. Hệ quả sẽ tạo ra những đứa trẻ ích kỷ, nhẫn tâm chỉ biết nghĩ cho bản thân mình.
Không những thế, khi con đã quen với sự nuông chiều, con sẽ không thể giữ kỷ luật và dần mất đi tinh thần trách nhiệm vì sự “muốn gì được nấy. Đặc biệt, con khó xây dựng được những mối quan hệ xã hội chất lượng vì “xã hội” không giống như gia đình, không thể nuông chiều con như con mong muốn.
Thế nên, việc áp đặt, thể hiện uy quyền với con bằng biện pháp độc tài hay bao bọc, nuông chiều con quá mức đều không tốt cho con. Chính vì vậy, trong quá trình dạy con, cha mẹ phải đảm bảo rằng mọi lời nói hay mọi hành động cha mẹ làm đều phải được truyền đạt đến con một cách chính xác nhất để con không tự mình diễn dịch sai ý muốn của cha mẹ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm cho biết người lớn thường có thói quen đưa ra mệnh lệnh mà không cần con hiểu, chỉ cần con phải làm theo. Điều này tạo cho con thói quen gia trưởng khi lớn lên và thích áp đặt người khác. Cha mẹ đặt ra luật lệ gì, thông điệp gì thì cần phải giải thích để con hiểu ý của mình.
Tự nhận thức và tự điều chỉnh
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm, một trong những cái khó của việc nuôi dạy con là cha mẹ phải có năng lực tự quản chính mình. Nếu nói theo khái niệm tỉnh thức, cha mẹ phải biết tự nhận thức và tự điều chỉnh, đặc biệt là học cách quản lý cảm xúc trong mọi việc. Để có được điều này, cha mẹ phải rất kiên trì nhẫn nại bởi đây là một quá trình rèn luyện không của riêng ai.
“Khi cha mẹ chấp nhận theo trường phái tỉnh thức, giai đoạn đầu sẽ khá vất vả vì chúng ta phải nhẫn nại chỉ bảo, phải giải thích với con từng chút một. Nếu con chưa hiểu, mình phải biết dừng lại để phân tích đúng sai với con thay vì la mắng hay sử dụng những biện pháp bạo lực.” – Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm cho biết.
Quản lý cảm xúc là điều rất quan trọng. Một người cha, người mẹ tỉnh thức sẽ là người cần có “cái đầu lạnh” cũng như một chỉ số thông minh cảm xúc đủ cao để biết cách hành xử sao cho phù hợp với con theo từng độ tuổi. Đến khi hiểu được sự tỉnh thức, cha mẹ sẽ nhận ra rằng chúng ta nên nuôi dạy con một cách dân chủ, mà cái chính yếu nhất chính là phải có sự tôn trọng dành cho con.
Cha mẹ có thể gắn kết hơn với con mỗi ngày bằng cách lắng nghe ý kiến của con, chân thành chia sẻ cùng con, đàm phán với con khi cần thiết cũng như tôn trọng ước muốn, giấc mơ của con. Nếu cha mẹ có những bất ổn về tâm lý hay bị chi phối bởi quá nhiều thứ xung quanh, hãy dừng lại, trở về với chính mình và giải quyết vấn đề của mình trước khi quay trở lại vai trò làm cha mẹ.
Khi được đối xử một cách dân chủ dân chủ, con bước ra ngoài xã hội, con cũng biết cách đối nhân xử thế với người khác, được mọi người yêu quý và tôn trọng. Điều này góp phần tạo nên một đứa trẻ tự tin và hạnh phúc.
“Cha mẹ không nên nhân danh tình yêu thương mà làm mọi thứ theo ý mình. Bất kỳ mối quan hệ nào cũng đều cần sự yêu thương chân thành và thấu hiểu thực sự. Hạnh phúc của một người làm cha mẹ là nhìn thấy con có thành nhân và thành công hay không. Vì thế, cha mẹ hãy là những người dẫn đường, những người đồng hành có hiểu biết để giúp con được là chính con và thành công trên con đường của mình chính.” – Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Tâm nhấn mạnh.