Khủng hoảng bản sắc cá nhân gây ra nhiều trăn trở, băn khoăn khi Gen Z đi tìm bản ngã của chính mình sẽ được các em giải đáp tại tọa đàm The SACE Journey tập 4, ngày 12/4.
Gen Z hiện đối diện với nhiều thách thức khi phải trải qua các cuộc khủng hoảng chung của nhân loại (môi trường, chiến tranh, giàu nghèo..) và khủng hoảng riêng của thế hệ. Nhiều Gen Z thường băn khoăn “Tôi là ai?” hay “Tôi tồn tại để làm gì?”
Đây là những câu hỏi định hướng nhân sinh quan cho mỗi cá nhân được trích dẫn trong triết học phương Tây và phương Đông từ lâu đời. Nhưng việc xác định được câu trả lời cho các câu hỏi trên, dù rất cơ bản lại là chuyện không dễ, dẫn tới họ loay hoay đi tìm bản sắc cá nhân (Identity Crisis).
Liệu Gen Z có thật sự bế tắc khi tìm bản ngã? Họ sẽ rút ra những bài học gì để đối diện với các khủng hoảng đó qua việc đối thoại với thế hệ từng trải? Tập 4 của The SACE Journey với chủ đề “Khủng hoảng bản sắc cá nhân” sẽ đem tới những câu chuyện thực tiễn từ khách mời về vấn đề này.
Khách mời của chương trình là chị Lê Ngọc Thảo Nguyên, nghiên cứu sinh ngành Ngoại giao Công chúng, Đại học Nottingham, Anh; Nguyễn Huỳnh Nhật Tiến, sinh viên song ngành Truyền thông và Khoa học máy tính, Đại học DePauw, Mỹ; Phạm Thùy Dương, sinh viên song ngành Kỹ sư Hoá và Khoa học, Đại học Adelaide, Australia. Người điều phối xuyên suốt tọa đàm là Tiến sĩ Nguyễn Trần Phi Yến, giảng viên Đại học RMIT, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Công nghệ Beowulf.
Phần đầu tọa đàm xoay quanh nội dung “Khủng hoảng bản sắc cá nhân là gì?”. Khủng hoảng bản sắc, hay còn gọi là khủng hoảng căn tính là một trạng thái khi ta không hiểu rõ bản thân – điểm mạnh, điểm yếu, tính cách – tất cả những gì tạo nên chính ta. Khủng hoảng bản sắc có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời.
Tuy nhiên, trạng thái này thường gặp nhất ở độ tuổi dậy thì cho đến khi bước vào giai đoạn trưởng thành của những năm 20, 30 tuổi. Đây là lứa tuổi chuyển giao giữa trẻ con và người lớn, khi bản thân trải qua những thay đổi liên tục về cơ thể, hormones, cảm xúc và khả năng nhận thức. Lần đầu tiên trong đời, Gen Z suy tư về sự nghiệp, vai trò của mình trong xã hội, và đôi khi là cả bản sắc giới, theo nhà tâm lý học phát triển Erik Erikson.
Để làm rõ điều này, các diễn giả sẽ chia sẻ những câu chuyện và trải nghiệm thực tế trong quá trình trưởng thành. Đó có thể là câu chuyện về phong cách thời trang, quyết định về học tập hay nghề nghiệp, hay xu hướng tính dục…
Đặc biệt, chương trình sẽ có phần trắc nghiệm giải mã tính cách giúp khách mời và độc giả có thêm khám phá mới về bản thân.
Phần tiếp theo của tọa đàm là “Đối diện với khủng hoảng bản sắc cá nhân”. Thực tế, mỗi người được dạy, cung cấp kiến thức để khám phá thế giới rộng lớn bên ngoài nhưng gần như không được dạy cách tìm hiểu chính mình. Đây cũng là lý do nhiều bạn trẻ gặp khủng hoảng bản sắc cá nhân khi đối mặt với sự trưởng thành.
Khủng hoảng bản sắc cá nhân nếu nhìn ở mặt tích cực, đó là một khoá rèn luyện tinh thần để hiểu rõ hơn về chính mình, từ đó có thể tự tin, nhiệt thành, thoải mái theo đuổi những mục tiêu khác trong cuộc sống. Tuy nhiên việc đắm chìm trong suy nghĩ và áp lực tìm kiếm bản sắc của mình cũng sẽ đem đến gánh nặng lên tâm lý, dày vò tâm trí bởi vòng xoáy không tên về bản sắc, giá trị của bản thân với chính mình và xã hội.
Các khách mời sẽ chia sẻ những câu chuyện cách họ đối diện và giải quyết khủng hoảng cá nhân, nhất là khi họ đều đã hoặc đang du học nước ngoài – dễ xảy ra những sự cố như sốc văn hóa, dẫn tới khủng hoảng bản sắc.
Chị Lê Ngọc Thảo Nguyên là Nghiên cứu sinh về Ngoại giao công chúng tại Đại học Nottingham. Trước đó, chị là Thạc sĩ Chính trị toàn cầu tại Trường Đại học Aberystwyth, Xứ Wales. Năm 2014, Thảo Nguyên đạt giải thưởng Nottingham Advantage về Sáng tạo của Trường Đại học Nottingham, Anh Quốc.
Phạm Thùy Dương, sinh viên song ngành Kỹ sư Hoá và Khoa học, Đại học Adelaide, Australia từng tốt nghiệp Tú tài chứng chỉ SACE tại Scotch College Adelaide, Australia. Dương đạt điểm xếp hạng Tuyển sinh Đại học Australia với 98,15%, nằm trong top 2% học sinh đạt kết quả tốt nghiệp cao nhất trên toàn Australia năm 2021. Ngoài ra, Dương còn nhận giải thưởng Trưởng nhóm xuất sắc Student Action Team, chuyên về mảng Quốc tế, trường Scotch College Adelaide, Australia.
Nguyễn Huỳnh Nhật Tiến, sinh viên song ngành Truyền thông và Khoa học máy tính, Đại học DePauw, Mỹ và hiện là sinh viên trao đổi tại Đại học Oxford, Anh. Tiến liên tục giành được nhiều học bổng tại Đại học DePauw và đạt GPA 3.84/4.0 (thuộc top 5% của trường). Chàng trai Việt Nam cũng từng đạt giải Quán quân cuộc thi NanoGiants Hackathon quốc tế, Á quân cuộc thi Tiger Global Case Competition, đồng thời là diễn giả khách mời của nhiều tổ chức như AIESEC, The Youth, Summer Leadership Challenge…
Mục tiêu của talk lần này là góp phần giúp Gen Z tìm cách vượt qua khủng hoảng, phụ huynh thấu hiểu con hơn và có phương pháp để đồng hành cùng con khám phá hành trình trưởng thành.
Xem thêm: Tự chủ trong học tập của Gen Z
Nguồn: VNExpress