Blog

Cách thúc đẩy khả năng tự chủ học tập cho Gen Z

Gen Z Việt với tự chủ trong học tập

Tiến sĩ Giản Tư Trung cho rằng, bạn trẻ nào cũng có thể hình thành khả năng tự chủ học tập, vấn đề là cần có môi trường để nuôi dưỡng và phát huy.

Thông tin được Tiến sĩ Giản Tư Trung – Nhà giáo hoạt động giáo dục, Viện trưởng Viện Giáo Dục IRED và Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE chia sẻ tại tọa đàm The SACE Journey – Mở khóa cùng Gen Z số 8, phát sóng trên VnExpress ngày 17/5.

Mở đầu tọa đàm, diễn giả cho rằng, không phải học sinh Việt không có khả năng tự chủ trong học tập, mà là đa số chưa có tự chủ cao, và để nâng cao sự tự chủ của học sinh thì cần thêm nhiều yếu tố. Ông Giản Tư Trung đưa ra ít nhất 6 yếu tố liên quan tới tự chủ học tập của một bạn trẻ, đó là nhà trường, gia đình, xã hội, bạn bè, internet và tự thân của bạn trẻ đấy.

Thời điểm nên bắt đầu nhận thức về khả năng tự chủ học tập là từ khi sinh ra, càng sớm càng giá trị, ý nghĩa với bản thân, với sự học của chính người đó.

“Khả năng tự chủ học tập nên được bắt đầu hình thành lúc trẻ còn nhỏ, vì vậy nơi giúp các em hình thành khả năng tự chủ học tập đầu tiên là gia đình, cụ thể là cha mẹ, tiếp đến khi đi học có thầy cô, bạn bè cũng như xã hội…”, Tiến sĩ Giản Tư Trung cho hay. “Trong trường hợp học sinh ở độ tuổi trưởng thành hơn, cấp hai, cấp ba thậm chí đại học mà chưa tự chủ học tập thì cũng không phải e ngại, bởi tự chủ học tập và thực học không bao giờ là quá trễ”.

Về câu hỏi “Áp lực chương trình nhiều môn học với lượng kiến thức phải trả bài mỗi ngày liệu có đang triệt tiêu khả năng tự chủ trong học tập của mỗi học sinh?”, ông Giản Tư Trung cho rằng có nhiều lý thuyết và phương pháp giáo dục khác nhau trong lịch sử giáo dục, ông tạm chia làm hai nhóm là phương pháp truyền thống và phương pháp hiện đại.

Trong giáo dục truyền thống, người thầy là trọng tâm và công việc chính của người thầy là trao truyền kiến thức cho học trò, còn học trò sẽ thụ động học từ những gì mà người thầy trao truyền.

Trong khi đó, với giáo dục hiện đại, giáo dục khai phóng thì người học và sự học của người học mới là trọng tâm, còn “dạy chính là giúp người khác học”, giúp người học “tự lực khai phóng” – tự lực khai minh và giải phóng chính mình, tự lực khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của mình, từ đó xây dựng khả năng tự chủ học tập.

Nguyên lý này theo diễn giả, nghe qua thì có vẻ đơn giản, nhưng để hiểu sâu và thực hành thì không dễ. Và thực tế hiện nay là giáo dục truyền thống vẫn đang phổ biến hơn giáo dục hiện đại. Ông cũng cho rằng: “Nếu người thầy và nhà trường vẫn giữ sứ mệnh trao truyền kiến thức cho học trò thì dần dà sẽ không có lý do để tồn tại, do vậy, cần định nghĩa lại giáo dục, định nghĩa lại nhà trường, người thầy và người học trong thời đại mới”.

Tại tọa đàm, diễn giả cũng bàn luận chương trình chương trình Giáo dục Phổ thông mới đối với khối lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Riêng với chương trình giáo dục phổ thông mới cho lớp 10, học sinh được lựa chọn các môn học theo nguyện vọng, năng khiếu của bản thân dựa trên 3 nhóm môn học là Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên và Công nghệ & Nghệ thuật.

 

Gen Z Việt với tự chủ trong học tập
Tiến sĩ Giản Tư Trung chia sẻ về cách xây dựng khả năng tự chủ học tập của Gen Z Việt.

Với mục tiêu của chương trình giáo dục mới, lên cấp ba định hướng chính của giáo dục có nhiều mục đích, trong đó, quan trọng nhất là gắn với hướng nghiệp, nên việc tự chọn môn học là để gần với hướng nghiệp hơn.

Tuy nhiên, Ông Trung cho rằng: “Chủ trương ‘tự chủ lựa chọn môn học gắn với hướng nghiệp’ ở cấp THPT chỉ thực sự có ý nghĩa khi cấp tiểu học và THCS đã giúp học sinh tìm ra chính mình, tìm ra con người văn hóa và con người nghề nghiệp của mình, tức là đã hướng nghiệp xong. Bởi nếu hết THCS mà chưa hướng nghiệp xong thì khi lên THPT học sinh khó có thể tự chủ lựa chọn môn học theo hướng nghiệp của mình”.

Giá trị của sự tự chủ trong học tập

Các dấu hiệu con tự chủ học tập, theo diễn giả là con trẻ tự động hoàn tất bài vở ở trường mà không cần sự thúc ép và con trẻ học theo đam mê dù không ai yêu cầu…

Tiến sĩ Giản Tư Trung cho biết, nếu không có tự chủ học tập sẽ không có thực học; không có thực học thì không có thực lực, không có thực lực thì không có thực làm, không có thực làm thì không thể tạo ra giá trị thực; khi không có giá trị thực thì muốn sống thực cũng không được; mà không sống thực thì khó có thể có hạnh phúc đích thực.

Đi sâu vào khái niệm “thực học”, Ông Giản Tư Trung cho biết từ trái nghĩa của thực học là hư học. Hư học là học chỉ vì bằng cấp và điểm số, không quan tâm những thứ khác, miễn có điểm số, bằng cấp, trong khi thực học thì sẽ quan tâm nhiều tới nhiều thứ khác.

Một lăng kính khác về thực học là hướng đến 3 năng lực, đó là năng lực văn hóa (để làm người), năng lực công dân (để làm dân) và năng lực chuyên môn (để làm nghề). “Ở phổ thông, thực học là học để hình thành ‘nhân tính, quốc tính và cá tính’, học để ‘làm người, làm dân và làm mình’ nhằm trở thành một con người rất nhân loại, rất dân tộc và cũng rất là chính mình”, diễn giả nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhà hoạt động giáo dục cũng đưa ra những quan điểm khác về thực học, như sự học nhằm phát triển cả 4 khía cạnh của một con người tổng thể, đó là Thân – Tâm – Trí – Thần (thân thể, tâm hồn, trí tuệ và tinh thần). Hay thực học theo quan điểm của UNESCO, đó là học để biết, học để làm, học để chung sống và học để sửa mình (để tạo ra một phiên bản tốt hơn của chính mình).

Phụ huynh trong việc giúp con có khả năng tự chủ học tập

Trong phần ba của tọa đàm: “Vai trò của cha mẹ trong việc tạo dựng năng lực và khả năng tự chủ học tập cho con”, TS Giản Tư Trung chia sẻ một số sai lầm thường gặp của phụ huynh khi nuôi dạy con như: cha mẹ muốn trở thành người hoàn mỹ trước mặt con, lúc nào cha mẹ cũng nghĩ mình uyên bác hơn con, cha mẹ xem con như là công cụ, là tài sản, thậm chí là “trang sức” của gia đình.

Ông cho rằng, “con người” thì lớn hơn “con mình”, và khi cha mẹ xem con như một “con người” (chứ không chỉ là “con mình”) thì mới có thể giúp con thành người.

Bên cạnh đó, ông cũng tổng hợp 3 cách dạy con phổ biến gồm: áp đặt; khuyên bảo; và giúp con tự nhận thức (giúp con khai mở tâm trí, hiểu ra vấn đề và tự thay đổi). Song song đó, có 4 cách tiếp cận khi dạy con, gồm: nói cho con nghe những gì mình nghĩ con nên biết; trả lời những câu hỏi của con; hỏi để con trả lời; và không dạy gì hết.

Trong đó ông đánh giá cách đầu tiên có tính hiệu quả thấp nhất và có thể gây mệt cả cha mẹ lẫn con cái. Cách thứ hai có mức độ thẩm thấu cao hơn. Cách thứ ba thì dạy con bằng cách làm học trò của con, vì “dạy là cách học tốt nhất”. Với cách thứ tư thì cách sống của cha mẹ, cách làm người của cha mẹ là bài học vĩ đại nhất dành cho con.

“Cách sống và đời sống của cha mẹ sẽ hình thành gia đạo của gia đình, và cái gia đạo này sẽ thấm rất sâu vào con trẻ, đi vào tâm thức của con một cách tự nhiên, từ đó sẽ góp phần hình thành nên cách sống và cách làm người của con sau này”, ông Trung chia sẻ.

Tập 8 – chủ đề “Gen Z Việt với tự chủ trong học tập” cùng sự tham gia của Tiến sĩ Giản Tư Trung đã khép lại chuỗi tọa đàm của The SACE Journey – Mở khóa Gen Z do VnExpress và Scotch AGS thực hiện. Qua 8 tập, với các chủ đề và các góc tiếp cận khác nhau, chuỗi tọa đàm đều mang tinh thần chung là sự chân thành và thẳng thắn từ phía cha mẹ, nhà trường, học sinh thể hiện GenZ, nhằm thu hẹp khoảng cách về tâm tư giữa cha mẹ và Gen Z.

Nguồn: Khả năng tự chủ học tập Gen Z – VNExpress

 

Chia sẻ