Blog

Lòng trắc ẩn là gì? Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ bằng lòng trắc ẩn ra sao?

Giáo dục lòng trắc ẩn cho học sinh từ sớm

Lòng trắc ẩn đang là một phẩm chất được nhiều trường phổ thông Việt Nam và quốc tế chú trọng bồi đắp cho học sinh. Vậy lòng trắc ẩn là gì?

Lòng trắc ẩn là gì?

Có lẽ không phải phụ huynh hay học sinh nào cũng hiểu rõ lòng trắc ẩn là gì? Theo các chuyên gia tâm lý, lòng trắc ẩn (compassion) là đề cập đến khả năng cảm nhận và quan tâm của một người đến nỗi khổ, sự đau đớn của người khác. Một người có lòng trắc ẩn thường biết cách thấu hiểu, sẻ chia và có hành động nhằm giảm bớt khổ đau cho người khác.

“Lòng trắc ẩn là nhìn bằng mắt của người khác, lắng nghe bằng tai của người khác và cảm nhận bằng trái tim của người khác”, bác sĩ tâm lý học nổi tiếng Alfred Adler (Áo) từng nói.

Không chỉ dừng lại ở mối quan hệ giữa người với người, lòng trắc ẩn còn mở rộng tới cách chúng ta ứng xử với động vật, môi trường và thế giới xung quanh. Trong hầu hết nền văn hóa và tôn giáo, lòng trắc ẩn được coi là một giá trị đạo đức cao quý, khuyến khích mỗi cá nhân thực hành đức tính này trong cuộc sống hàng ngày.

Lòng trắc ẩn là gì? Lợi ích của một nhân cách có lòng trắc ẩn.
Lòng trắc ẩn là một đức tính cần có trên hành trình xây dựng nhân cách cho trẻ nhỏ.

Trường học dạy lòng trắc ẩn cho học sinh ra sao?

Trong trường học, lòng trắc ẩn thường được đề cao và chú trọng vun đắp cho từng học sinh. Một ngôi trường lý tưởng để phát triển lòng trắc ẩn là nơi học sinh được học tập an toàn, được chấp nhận và cảm thông.

Học sinh được khuyến khích mở lòng và thể hiện sự quan tâm đến bạn bè. Có thể thông qua các hoạt động nhóm và dự án cộng đồng, khuyến khích học sinh làm việc cùng nhau và phát triển khả năng thấu hiểu cũng như quan tâm đến người khác.

Ở những lứa tuổi nhỏ, việc cho các em tiếp xúc với các câu chuyện về lòng trắc ẩn, từ sách, phim, sẽ tạo ra công cụ mạnh mẽ để dạy bài học về sự quan tâm. Ở những lứa tuổi lớn hơn, giáo viên có thể tổ chức các buổi thảo luận, nơi học sinh có thể chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình, cũng như suy ngẫm về một hiện tượng, sự kiện liên quan đến lòng trắc ẩn. Họ cũng học cách áp dụng bài học vào đời sống hàng ngày.

Lòng trắc ẩn là chìa khóa của yêu thương.
Lòng trắc ẩn không chỉ được áp dụng trong học tập mà còn trong các hoạt động ngoại khóa bên ngoài lớp học.

Một cách hiệu quả để dạy lòng trắc ẩn là qua hành động. Các trường phổ thông, đặc biệt là các trường quốc tế ngày càng tổ chức nhiều dự án phục vụ cộng đồng, từ việc giúp đỡ tại các trung tâm xã hội đến việc tham gia vào các chương trình bảo vệ môi trường.

Học sinh có thể trải nghiệm trực tiếp việc lòng trắc ẩn của mình đã tạo được những thay đổi tích cực ra sao, và không chỉ học được giá trị của việc giúp đỡ người khác mà còn cảm nhận được sự thỏa mãn và hạnh phúc khi làm việc tốt. Giống như Nelson Mandela từng nói: “Nếu bạn nói chuyện với một người bằng ngôn ngữ mà anh ta hiểu, điều đó sẽ đến đầu anh ta. Nếu bạn nói chuyện với anh ta bằng ngôn ngữ của trái tim, điều đó sẽ đến trái tim anh ta”.

Đặc biệt, lòng trắc ẩn không nên được xem như một chủ đề riêng biệt mà cần được tích hợp vào các môn học khác nhau. Những môn học từ văn học đến khoa học, từ lịch sử đến nghệ thuật đều có thể được tích hợp khéo léo những nội dung về lòng trắc ẩn. Học sinh sẽ nhận thức được rằng lòng trắc ẩn là một phần không thể tách rời của mọi khía cạnh trong cuộc sống và xã hội.

Cũng phải nhớ rằng việc dạy lòng trắc ẩn cũng đòi hỏi phải có thời gian để học sinh suy ngẫm về bản thân và cách hành động. Các hoạt động như viết nhật ký, tạo bản đồ tư duy về lòng trắc ẩn, hoặc thậm chí là thiền định, có thể giúp học sinh phản tư và nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của việc quan tâm đến người khác.

Đã hiểu được lòng trắc ẩn là gì, cha mẹ dạy con thế nào?

Khi dạy con, có lẽ không có gì hiệu quả bằng cách làm gương. Trẻ em luôn học hỏi từ những gì chúng quan sát hàng ngày. Khi cha mẹ thể hiện lòng trắc ẩn trong các mối quan hệ hằng ngày của mình, con cái sẽ học được giá trị của việc quan tâm và thấu hiểu. Có thể đó chỉ là những hành động cực kỳ đơn giản, như việc giúp đỡ hàng xóm, thể hiện lòng biết ơn hay thậm chí là cách chúng ta xử lý tình huống tham gia giao thông một cách lịch thiệp.

Trẻ cùng giúp đỡ nhau trong gia đình.
Lòng trắc ẩn được giáo dục qua những điều đơn giản như giúp đỡ người thân, bạn bè, chia sẻ cảm xúc, quan tâm đến mọi người xung quanh.

Hãy khuyến khích con đọc sách. Hiện đang có rất nhiều sách được viết với mục đích giáo dục lòng trắc ẩn cho trẻ. Qua các câu chuyện và nhân vật này, trẻ không chỉ học được về thế giới xung quanh mà còn được khuyến khích suy nghĩ về cảm xúc và hành động của bản thân và người khác. Và tất nhiên con sẽ phải thực hành, càng nhiều càng tốt. Hãy khuyến khích con bắt đầu từ những việc nhỏ như làm những việc tốt để giúp đỡ người xung quanh hằng ngày từ những người trong nhà đến bạn bè trong lớp.

Nếu có điều kiện hơn, hãy cho con tham gia các dự án phục vụ cộng đồng hoặc các hoạt động nhóm, các tổ chức xã hội. Tham gia vào các hoạt động này cùng con không chỉ giúp trẻ học hỏi mà còn củng cố mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, đồng thời giúp trẻ có thêm sự tự tin.

Chia sẻ

Có thể bạn quan tâm