Blog

Nghệ thuật nuôi con gói gọn trong việc “không làm gì cả”

Nghệ thuật nuôi con từ Thiền sư Minh Niệm

“Doing nothing is doing something
Không làm mà như làm, đó mới là nghệ thuật nuôi con.”

Một trong những chia sẻ nổi bật của Thiền sư Minh Niệm dành cho các bậc phụ huynh khi nói về cách nuôi dạy con hiệu quả trong trong series Cha mẹ tỉnh thức tập 3 với chủ đề: Cha mẹ cũng cần trưởng thành.

“Cha mẹ tỉnh thức” là chuỗi series dài tập được phối hợp sản xuất giữa Vietsuccess và Nam Úc Scotch AGS – trường Úc 100 năm. Nội dung các tập phá sóng xoay quanh về những chia sẻ, trải nghiệm, kiến thức chuyên môn cũng như những góc nhìn thực tế từ các chuyên gia về hành trình làm cha mẹ tỉnh thức đúng nghĩa.

Sự chủ quan của cha mẹ đến từ những lần vô thức

Nhiều bậc phụ huynh tự tin rằng vì mình là người sinh ra con nên mình rất hiểu con, chỉ cần thoáng nhìn qua cũng biết con nghĩ gì, con muốn làm gì. Điều này rất phiến diện. Ta có thể ở với con đủ lâu để hiểu phần nào về tính cách và con người của con. Thế nhưng, để hiểu hoàn toàn tâm tư, tình cảm của con tuyệt nhiên là điều không thể. Cách duy nhất để cha mẹ làm được điều đó chỉ có thể là ngồi xuống và lắng nghe con.

Cha mẹ có những vấn đề của riêng mình, con cái cũng vậy. Rất nhiều cha mẹ than phiền rằng sao con có thể có vấn đề trong khi cha mẹ đã cho con tất cả mọi thứ. Đây chính là sự chủ quan của cha mẹ. Điều này tạo ra bức tường vô hình ngăn cách sự kết nối giữa cha mẹ và con cái. Bọn trẻ không thể mở lòng chia sẻ khi biết sẽ nhận lại sự phán xét, chỉ trích và giáo điều của đấng sinh thành. Thế nên, để hành trình nuôi dạy con dễ dàng, cha mẹ phải là nơi thực sự an toàn để con gửi gắm những tâm tư.

Nghệ thuật nuôi con là lắng nghe
Lắng nghe con cũng là một nghệ thuật, cha mẹ phải biết lắng nghe thật sâu, thật thấu đáo.

“Muốn thương đúng thì phải hiểu đúng, muốn hiểu đúng thì phải lắng nghe sâu. Cha mẹ không cần cố làm những điều quá lớn lao, đôi khi điều con cần chỉ là cha mẹ thật tâm, chân thành lắng nghe mọi điều con nói.” – Thiền sư Minh Niệm chia sẻ.

Mở rộng thêm về vấn đề này, Thiền sư Minh Niệm đã có những lời khuyên chân tình đến các bậc cha mẹ. Nếu như trước đây, ta không thể cùng con ngồi nói chuyện cùng con, thì hãy thực hành ngay điều đó. Nếu như trước đây, ta chỉ giao tiếp với con vài ba câu thì hôm nay hãy dành thời gian để lắng nghe câu chuyện của con nhiều hơn. Hãy lắng nghe một cách thành khẩn và thật tâm, con sẽ dần dần trở thành “đồng minh” của chính cha mẹ.

“Doing nothing is doing something”

Khi không thể tiếp cận con theo ý mình muốn, cha mẹ thường có xu hướng tìm hết cách này đến cách khác để kiểm soát con. Dù xuất phát từ tình thương nhưng nếu yêu thương không đúng cách sẽ tiềm ẩn những mối nguy hại, ảnh hưởng đến tâm lý con sau này. Vậy làm thế nào để cha mẹ có thể bước vào thế giới của con? Làm thế nào để cha mẹ được con chào đón?

Nuôi dạy con là một nghệ thuật. Trên hành trình này, để biến áp lực thành động lực, cha mẹ phải biết tận hưởng thiên chức của mình. Thay vì chú trọng vào việc phải giáo dục con, phải dạy bảo con thì cha mẹ hãy cho bản thân thời gian, dừng lại và đừng làm gì cả. Hãy chỉ nhẹ nhàng ở cạnh con, chuyện trò, thậm chí là lặng thinh quan sát. Đôi lúc, cha mẹ cần hóa thân vào nhiều vai trò ở những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của con. Khi con muốn vui đùa, cha mẹ sẽ là bạn cùng chơi, hay khi con cần cần lời khuyên, cha mẹ sẽ là nhà tư vấn.

Doing nothing as doing something
Không phải áp đặt, phán xét, hay giáo điều, mà đừng làm gì cả đôi khi chính là cách giáo dục con hiệu quả nhất.

“Mặt khác, để thành công trên hành trình nuôi dạy con, cha mẹ nên bỏ xuống cái tôi uy quyền, hoặc là tạm thời ẩn nó vào trong, không đòi hỏi, cũng đừng phán xét. Nếu cha mẹ ổn thì tâm trí phải vững vàng hơn con. Nếu cái tôi lớn thì trái tim đóng lại, cái tôi bé thì trái tim mở ra.”

Đây cũng là là lý do vì sao sự thực hành vô cùng quan trọng. Cha mẹ phải luyện tập mỗi ngày. Bởi sự tỉnh thức là một quá trình luôn tiếp diễn và thay đổi bản thân từ những lần ta sai lầm trong vô thức. Cha mẹ cần nhớ rằng nếu cái tôi lớn thì trái tim đóng lại, cái tôi bé thì trái tim mở ra. Mà trái tim của cha mẹ nhất định phải rộng lớn hơn những đứa con của mình.

Không làm gì cả không có nghĩa là trốn tránh vấn đề

“Doing nothing” khác với việc cha mẹ chạy trốn những nỗi sợ hãi hay những vấn đề của mình, vì đấy không phải là cách nuôi dạy con.

Mỗi cá nhân đều được vũ trụ ban cho khả năng tự khai phóng. Nếu mối quan hệ giữa mình và con cái đang bất thường, một trong hai phía nên thay đổi. Đặc biệt, người lớn sẽ là người phải làm gương để khai phóng những cách thức cũ, những nhận thức lỗi thời để trở thành phiên bản tốt hơn trước mặt con trẻ.

“Cha mẹ phải biết khai phóng bản thân, thoát khỏi sự mông muội, nhìn ra được những yếu kém, khuyết điểm của mình để từ bóng tối bước ra ánh sáng. Đó là khi cha mẹ thoát ra khỏi những giới hạn tầm thường để bước lên những vị trí phi thường hơn.” Thiền sư Minh Niệm nhấn mạnh.

Ngày nay, muốn nuôi dạy con tốt, các bậc phụ huynh phải trở thành những nhà tâm lý giỏi. Cha mẹ phải học tập và nâng cấp để trở thành người của thời đại mới, dùng những kiến thức mới để đối xử với con. Đồng thời cha mẹ cũng phải hiểu bản thân mình có những khúc mắc hay bảo thủ điều gì.

Sau cùng, “Lạt mềm mà buộc chặt”. Các bậc phụ huynh hãy biết tận hưởng vai trò làm cha mẹ, học nghệ thuật nuôi dạy con linh động và uyển chuyển. Khi cha mẹ đã hóa thân được đa dạng nhân vật và được bước vào trong thế giới của con, cha mẹ sẽ thấy các con đã dạy ta rất nhiều thứ, con giúp ta hoàn thiện bản thân, và con là một món quà tuyệt vời.

Chia sẻ