Đỗ Hồng Hoàng My, tấm gương gen Z 26 tuổi nhận học bổng nghiên cứu sinh tại ĐH Harvard nhờ chủ động thiết lập các mối quan hệ học thuật với các giáo sư.
Đỗ Hồng Hoàng My sắp kết thúc chương trình Thạc sĩ Giáo dục, Đại học Pennsylvania và chuẩn bị trở thành nghiên cứu sinh giáo dục Đại học Harvard, Mỹ. Chia sẻ tại tập 2 của chuỗi tọa đàm The SACE Journey với chủ đề “Gen Z vượt sướng – khổ như thế nào?”, Tấm gương Gen Z – Hoàng My cho biết “chặng đường không phải lúc nào cũng màu hồng để đến được ngưỡng cửa mong muốn”.
Những năm cuối cấp ba, Hoàng My nộp hồ sơ vào 15 trường đại học ở Mỹ, trong đó có 5 trường thuộc Ivy League. Mục tiêu lúc đó không phải để trúng tuyển vì cô biết bản thân còn thiếu nhiều hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, Hoàng My vẫn nộp hồ sơ ứng tuyển vì tò mò các trường này tuyển sinh như thế nào? “Khi được phỏng vấn, họ đã hỏi những câu rất hay mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Đó thực sự là một trải nghiệm thú vị, dù kết quả tôi rớt hết các trường top”, Hoàng My nhớ lại.
Năm 2017, sau khi tốt nghiệp Đại học California San Diego (trường xếp hạng 34 của Mỹ) với chuyên ngành Khoa học Phát triển con người, Hoàng My vẫn chưa biết mình sẽ học lên như thế nào, ngành gì? Do vậy cô quyết định đi làm theo hình thức thực tập 2 năm trong môi trường giáo dục ở Việt Nam.
Khi đi trợ giảng ở bậc đại học, Hoàng My nhận thấy sinh viên đa số chưa có kỹ năng học, chưa biết vào học đại học để làm gì? Trong khi đó đi làm tư vấn chương trình phát triển kỹ năng viết cho học sinh ở một trường phổ thông, Hoàng My lại nhận thấy các bạn rất có khát vọng, thông minh nhưng lại phải học theo tư duy rập khuôn, không có được sự tư vấn đúng nghĩa để phát triển bản thân…
Thực tế đó đã giúp Hoàng My xác định mình sẽ gắn bó với giáo dục, mong muốn duy nhất là giúp ích được điều gì đó cho các bạn tuổi vị thành niên. Đó cũng chính là động lực để cô làm hồ sơ học lên trình độ thạc sĩ giáo dục.
“Tôi thấy mình may mắn hơn lần trước vì đã có trải nghiệm trong nghề, cũng như hiểu rõ bản thân muốn gì. Các trường thuộc top về giáo dục của nước Mỹ chắc cũng đã nhìn thấy điều đó ở tôi. Kết quả, tôi được nhận vào chương trình Thạc sĩ Giáo dục, chuyên ngành Khoa học Phát triển con người (Interdisciplinary Studies in Human Development). Đại học Pennsylvania”, Hoàng My chia sẻ thêm.
Quãng thời gian học tập tại Pennsylvania khiến Hoàng My nhận thức rõ vì sao các trường đó được gọi là Ivy League. Không chỉ là bề dày lịch sử, bề dày thương hiệu, đội ngũ giáo sư đầu ngành hay cơ sở vật chất… Gía trị lớn nhất mà các trường này đem lại là nguồn hỗ trợ tận tình cho người học từ các giáo sư, đến nhân viên hành chính, từ các sinh viên khóa trên đến các bạn đồng môn.
Cách thức tổ chức các môn học, các buổi lên lớp, đến cách thức tổ chức các hoạt động nghiên cứu và ngoại khoá đều được cá nhân hoá cho học viên. Mỗi cá nhân luôn được khuyến khích để có thể tiến hành những dự án nghiên cứu riêng của mình.
Những điều kiện ưu tú đó không chỉ giúp Hoàng My thay đổi về tầm nhìn, kỹ năng nghiên cứu mà còn mở mang và mạnh dạn hướng đến những mục tiêu cao hơn. Đặc biệt nhất là kỹ năng thiết lập mối quan hệ trong học thuật – điều mà những nghiên cứu người Việt thường yếu.
“Tôi nghĩ vào đây rồi mình sẽ cố gắng vì không còn gì để mất. Tôi đã tận dụng tất cả những gì có thể để tạo dựng mối liên hệ với các giáo sư, các anh chị năm trên, các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Tôi luôn chủ động tìm đến họ để nói chuyện, gõ cửa phòng làm việc của họ để nói về những vấn đề giáo dục tôi quan tâm, trao đổi với họ về những đối sánh trong giáo dục Mỹ và Việt Nam. Tôi đã làm được điều đó”, Hoàng My chia sẻ.
Kết quả của việc tạo dựng các mối liên hệ trong học thuật đã khiến hầu hết giáo sư trong chuyên ngành của Hoàng My biết cô là ai, biết cô mong muốn gì, thậm chí đã nhìn thấy khả năng của cô. Và chính họ đã giúp đỡ hiệu quả trong quá trình Hoàng My làm hồ sơ và nộp tiếp lên chương trình tiến sĩ.
Năm 2021, Hoàng My đã nộp hồ sơ vào 10 trường top trong lĩnh vực giáo dục ở Mỹ. Kết quả cô được 4 trường nhận là University of Pennsylvania, Harvard University, Tufts Universry, Boston University.
“Chỉ khi bạn biết rõ mình thực sự muốn gì và có thể thoải mái trò chuyện về những vấn đề bạn đang quan tâm, bạn sẽ trở thành một ứng viên tiềm năng vào các trường top trên thế giới”, Hoàng My nhận định.
Tại tọa đàm, với tâm thế là một tấm gương gen Z đời đầu, nghiên cứu sinh đại học Harvard cũng nhắn nhủ tới Gen Z đời sau, đặc biệt là những bạn đang chuẩn bị kết thúc chương trình phổ thông bí quyết làm sao để đưa ra được quyết định đúng về lựa chọn hướng đi trong tương lai.
“Các bạn hãy bản lĩnh tự chủ trước các thông tin, cố gắng tìm hiểu mình muốn gì. Khi đã quan tâm đến điều gì thì hãy khám phá và hành động nhiều hơn. Quan trọng nhất phải biết thiết lập các mối quan hệ để đi đến mục tiêu một cách hiệu quả”, Hoàng My cho hay.
Khám phá: Gen Z bày tỏ quan điểm định hướng tương lai
Nguồn: VNExpress