“Đứa trẻ hạnh phúc là một đứa trẻ có trạng thái well-being tốt nhất”.
Khi có được trạng thái này, trẻ sẽ học tập hiệu quả và phát huy được hết tiềm năng của mình. Đây chính là lý do vì sao well-being ngày càng được các trường học và các hệ thống giáo dục quốc tế đẩy mạnh trong đào tạo học sinh ở tất cả các cấp lớp. Vậy well-being là gì? Ý nghĩa của well-being trong học tập và đời sống tinh thần của học sinh.
Nội dung
Well-being là gì?
Well-being là trạng thái đạt đến sự hoàn thiện về sức khỏe lẫn tinh thần, không chỉ bao gồm sự hạnh phúc, hài lòng mà còn là khả năng đối mặt với những điều tiêu cực cũng như những thách thức trong cuộc sống. Những người có well-being được xem là những người khỏe mạnh, sống có mục đích, họ biết cách duy trì sự kết nối với cộng đồng và biết cách cân bằng cảm xúc xã hội.
Vậy, thế nào là một đứa trẻ có trạng thái well-being tốt nhất? Đó là khi các em được sống trong một môi trường đề cao tình yêu thương, sự tôn trọng và công bằng, được tiếp cận với một nền giáo dục tích cực giúp các em phát triển những kỹ năng xã hội và các sở thích cá nhân, đồng thời các em có khả năng sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức và tận hưởng mọi khoảnh khắc trong cuộc sống.
Well-being mang đến những lợi ích gì cho trẻ?
- Phát triển cơ thể khỏe mạnh
Well-being giúp duy trì và cải thiện sức khỏe của trẻ, bao gồm cả sức khỏe thể chất và tâm trạng hằng ngày. Trẻ em có well-being tốt thường ít mắc bệnh, phục hồi nhanh chóng khi bị ốm đau. Một cơ thể khỏe mạnh cùng tinh thần tràn đầy sức sống giúp các em tham gia vào các hoạt động học tập và giải trí một cách tích cực và hiệu quả.
- Tăng cường khả năng học tập
Khi đạt được trạng thái well-being, trẻ thường có khả năng tập trung cao, khả năng giải quyết vấn đề và khả năng tiếp thu tốt hơn trong học tập. Các em tò mò, chủ động khám phá và ham muốn học hỏi. Đặc biệt, khao khát được cống hiến và công nhận tạo cho các em động lực chinh phục những kiến thức mới, những thành tựu mới, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình mỗi ngày. Nhờ vậy, việc xây dựng những kỹ năng mới cũng trở nên dễ dàng và nhanh chóng.
- Xây dựng sự tự tin
Trẻ có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt biết cách xây dựng niềm tin từ chính bản thân mình. Các em hiểu mình muốn gì, biết mình có gì và biết cách bình tĩnh đón nhận những khó khăn, thách thức. Sự tự tin hình thành nên những đứa trẻ biết nắm bắt cơ hội để phát triển, chấp nhận học hỏi kinh nghiệm mới từ những sai lầm, xây dựng lối tư duy tích cực ở mọi hoàn cảnh.
- Biết cách cân bằng cảm xúc
Một đứa trẻ hạnh phúc thường sẽ thu hút những năng lượng “tốt”. Nhờ đó, các em có khả năng xây dựng và duy trì mối quan hệ xã hội tích cực cũng như sẵn sàng tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ khi gặp những vấn đề trong cuộc sống.
Trẻ luôn cảm thấy an toàn bởi chính mình và có niềm tin vào thế giới xung quanh. Khi gặp khó khăn, thay vì buồn phiền, các em sẽ chủ động tìm ra giải pháp đối phó và cân bằng cảm xúc hiệu quả.
Vai trò của gia đình trong việc thúc đẩy well-being cho trẻ
Không chỉ nhà trường, gia đình đóng vai trò mật thiết trong hành trình xây dựng sự phát triển sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Dưới đây là 3 cách mà gia đình có thể áp dụng để thúc đẩy trạng thái well-being dành cho con:
- Thường xuyên thể hiện tình yêu thương
Chúng ta thường ví von mỗi đứa trẻ như một hạt mầm sự sống. Cây muốn sống phải được chăm sóc, tưới tiêu, cũng giống như trẻ muốn hạnh phúc phải được yêu thương đúng cách. Ngôn ngữ yêu thương chính là cầu nối gắn kết con cái và cha mẹ. Hãy dành sự quan tâm và yêu thương với con cái. Đặc biệt, đừng tiếc lời khen ngợi con. Khi cảm thấy được công nhận, các em sẽ có niềm tin vào năng lực bản thân. Đây chính là nguồn động lực giúp trẻ đứng lên sau những khó khăn và thử thách.
- Dạy con bằng phương pháp mang tính xây dựng
Hãy chỉ cho con biết lỗi sai của mình theo cách con dễ tiếp nhận, không giáo điều, kiểm soát hay trừng phạt. Các bậc cha mẹ có thể áp dụng phương pháp 20/80 với 20 phần răn đe, 80 phần thấu hiểu và khen ngợi. Hãy lắng nghe và tương tác với con một cách chân thành. Lời nói gay gắt sẽ không thể giải quyết vấn đề, chỉ có thái độ mềm mỏng mới có thể đưa lời nói đi sâu vào trái tim con trẻ.
- Tạo ra những khoảng thời gian chất lượng khi bên con
Trẻ thường có cảm giác an toàn và tin tưởng nhiều hơn vào gia đình khi được chia sẻ, lắng nghe từ người thân. Trong bất kỳ hoạt động nào, hãy thực sự có mặt trọn vẹn cùng với con, chơi cùng con, trò chuyện cùng con, học cùng con hay cùng nhau thưởng thức các bữa ăn gia đình. Đó sẽ là sự gắn kết giúp có được niềm vui và hạnh phúc, vun đắp trạng thái well-being tốt nhất trong con.
- Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động học tập và cộng đồng
Khi được học tập và đóng góp cho cộng đồng bằng kiến thức và sự lao động của mình, trẻ cảm thấy được công nhận và có giá trị ảnh hưởng. Điều này giúp nuôi dưỡng, tính tự lập, hoài bão và ước mơ của trẻ một cách bền bỉ. Bên cạnh đó, các hoạt động này không chỉ giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội mà còn góp phần tạo nên những mối quan hệ tích cực với mọi người xung quanh.
Làm thế nào để tạo nên môi trường học đường chú trọng vào well-being cho trẻ?
Một nghiên cứu của Journal of Educational Psychology (Tạp chí Tâm lý Học Giáo dục) đã chỉ ra rằng học sinh tham gia vào các hoạt động well-being tại trường thường có mức độ tự tin và sự hài lòng về cuộc sống cao hơn.
Đó là lý do vì sao well-being rất được quan tâm trong đời sống học đường hiện nay, nhất là giai đoạn dạy con tuổi mầm non. Sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh cần được vun đắp và nuôi dưỡng mỗi ngày bởi nó sẽ là những nhân tố tác động đến việc hình thành nên chính nhân cách của các em. Một môi trường giáo dục đề cao well-being giúp tạo ra những học sinh tự tin, tích cực và có khả năng thích ứng tốt với môi trường xã hội sau này.
Hiện nay, hệ thống trường học, đặc biệt là các trường quốc tế thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động giáo dục tăng cường well-being cho học sinh. Các chương trình về kỹ năng sống, yoga, thiền, hoạt động thể chất, và các buổi tư vấn tâm lý là những ví dụ điển hình. Những hoạt động này không chỉ giúp học sinh giải tỏa căng thẳng sau những giờ học mà còn giúp các em phát triển kỹ năng tự quản lý cảm xúc.
Thực chất, well-being không chỉ được thể hiện bởi các lớp học chuyên đề mà nó còn được khắc họa rõ nét thông qua những hoạt động học tập ở hầu hết các môn học. Minh chứng điển hình cho điều này là khi trẻ chủ động tham gia giải một bài tập, hay cảm thấy vui thích khi được làm việc nhóm hoặc tự tin thuyết trình trước đám đông.
Để có được kết quả này, vai trò của giáo viên dẫn dắt chính là điểm then chốt, bởi chỉ khi có được trạng thái well-being tốt, họ mới có thể truyền đạt năng lượng tương tự đến với học sinh.
Môi trường học tập tích cực – nền tảng cho những đứa trẻ hạnh phúc
Là một trong những ngôi trường tiên phong theo phương pháp đào tạo và chương trình chuẩn Úc, trường Nam Úc Scotch AGS đặc biệt chú trọng vào những yếu tố giúp xây dựng nên môi trường học tập tích cực. Trong đó, chương trình phát triển nhân cách 8 phẩm chất RADI – RAHI (kiên trì, thành tựu, kỷ luật, học hỏi, tôn trọng, biết ơn, hữu ích, chính trực) đang là cốt lõi đào tạo về khía cạnh well-being, giúp học sinh trở thành những người có giá trị, nuôi dưỡng tâm hồn và những giá trị tốt đẹp trong mỗi các em.
Ngoài ra, nhà trường đặc biệt quan tâm đến đội ngũ giáo viên, cán bộ công nhân viên khi thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn chuyên đề về chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần hay những giờ sinh hoạt mang tính kết nối cộng đồng, giúp các thầy cô cùng chia sẻ và thấu hiểu chính mình, đồng nghiệp và học sinh. Đây chính là những nỗ lực mà Nam Úc Scotch AGS vun đắp well-being cho học sinh cũng như góp phần tạo nên môi trường học tập tích cực.
Tổng kết, việc tạo ra một môi trường well-being tốt, khỏe mạnh về thể chất tinh thần giúp trẻ học tốt hơn, sống hạnh phúc hơn và có nhiều khả năng nhận ra tiềm năng của bản thân mình. Well-being của học sinh hiện đang là một phần quan trọng của hệ thống giáo dục, trong đó cần sự phối hợp giữa cả vai trò của nhà trường và từ trong gia đình học sinh.
Những tác động tích cực từ well-being sẽ hỗ trợ từng cá nhân và rộng lớn hơn là cộng đồng học sinh có thêm nhiều lợi ích trên hành trình phát triển học tập, sự nghiệp và cuộc sống khi các con dần bước vào tuổi trưởng thành.