“Cha mẹ có trách nhiệm chăm sóc cho bản thân trước khi có thể chăm sóc cho con”.
Một trong những chia sẻ nổi bật của Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, trong Chương trình Workshop Đặc Biệt “Cha mẹ tỉnh thức” dành cho cộng đồng phụ huynh trường Nam Úc Scotch AGS.
Stress là gì?
Stress hay còn được gọi là căng thẳng là một trong những thách thức thức lớn của nhiều bậc cha mẹ khi dạy dỗ và tương tác với con cái.
Stress thường được biết đến là phản ứng tâm sinh lý tự nhiên của cơ thể khi đối diện với áp lực hay các tác nhân nhân gây áp lực. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nặng nề đến cảm xúc, thể chất và hành vi.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm: “Stress còn được hiểu là tình trạng áp lực nhiều hơn nội lực. Vì vậy khi muốn thoát khỏi tình trạng stress thì chúng ta cần tập luyện để đẩy nội lực lên cao hơn áp lực. Việc này cần phải kiên trì thực hành mỗi ngày và được xem như là bài tập thể dục cho tâm trí nhằm tăng sự kiên cường, bền bỉ”.
Dựa trên các nghiên cứu khoa học, mỗi ngày chúng ta chỉ cần vài phút ngồi bình tâm hít thở là não bộ được tái tạo một phần và nạp lại rất nhiều năng lượng. Thế nên việc ngồi tĩnh lặng lắng nghe hơi thở vào buổi sáng và tối là cách vô cùng hiệu quả để chiến thắng áp lực trong cuộc sống.
Các triệu chứng của stress
Stress có thể biểu hiện qua nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm thể chất, cảm xúc và hành vi:
- Về thể chất: stress thường gây ra đau đầu, mệt mỏi, khó ngủ, tiêu hóa kém, tim đập nhanh, và đau cơ.
- Về cảm xúc: người bị stress có thể cảm thấy lo âu, buồn bã, cáu gắt, tự ti và khó tập trung.
- Về hành vi: stress có thể dẫn đến thay đổi trong ăn uống, tăng cường sử dụng chất kích thích, tránh né trách nhiệm, thu mình và hành vi thái quá.
Những triệu chứng này ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, vì vậy việc nhận diện và quản lý stress là rất quan trọng để duy trì sức khỏe tinh thần và thể chất.
Đôi khi stress rất nguy hiểm và được xem là những “khúc cua” trong cuộc đời. Nhưng nếu chúng ta học được cách tỉnh thức thì sẽ dễ dàng quan sát thấu đáo được sự việc, thấy được chính mình. Điều này không chỉ giúp đưa ra những giải pháp khôn ngoan và cư xử một cách đúng đắn mà còn tránh làm tổn thương bản thân mình và người khác.
Bên cạnh đó, khi bị stress thay vì không dám đối mặt với căng thẳng thì chúng ta nên tỉnh thức để quan sát sự thay đổi trong cảm xúc, cơ thể của mình và phải học cách yêu thương bản thân mình nhất. Vì khi bản thân mình ổn thì sẽ không gây muộn phiền, lo lắng cho người khác.
Các tác nhân gây stress
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm chia sẻ có 2 loại tác nhân gây stress: yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài. Các yếu tố bên ngoài bao gồm áp lực công việc, vấn đề tài chính, mâu thuẫn trong mối quan hệ, thay đổi lớn trong cuộc sống, trách nhiệm gia đình và môi trường sống.
Trong khi đó, yếu tố bên trong chỉ là cách suy nghĩ và thái độ phản ứng trước những yếu tố bên ngoài nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cách suy nghĩ, diễn giải sự việc là vấn đề then chốt vì có những người khi đối mặt với chuyện rất lớn có thể bình tĩnh vượt qua, nhưng có nhưng người lại dễ dàng nổi giận với chuyện nhỏ nhặt hàng ngày.
Yếu tố bên trong có thể kiểm soát được nhưng yếu tố bên ngoài thì không. Vì vậy, việc tập luyện tỉnh thức để thay đổi góc nhìn, nhận thức là một việc thiết yếu. Khi stress chúng ta nên bình tĩnh quan sát để xem đây là loại stress tích cực hay tiêu cực, là yếu tố bên trong hay bên ngoài và do những tác nhân nào gây ra.
Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng cha mẹ hạnh phúc thì mới có thể tạo ra những đứa con bình an và hạnh phúc. Do đó, các bậc phụ huynh nên học cách yêu thương và từ bi với chính bản thân mình trước khi đảm nhận trách nhiệm chăm sóc sự an lành cho con cái của mình.
Sự căng thẳng khi làm cha mẹ là điều không thể tránh khỏi, nhưng bằng cách nhận diện và quản lý nó một cách hiệu quả, các bậc phụ huynh có thể tạo ra một môi trường gia đình hạnh phúc và lành mạnh.
Qua Workshop Cha mẹ tỉnh thức, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm mong rằng các bậc cha mẹ có thể hiểu rõ hơn về những nguyên nhân gây căng thẳng và biết ứng dụng tỉnh thức để cùng nhau xây dựng một môi trường gia đình ấm áp, nơi mà cả cha mẹ và con cái đều có thể phát triển một cách tốt nhất.