Blog

3 lưu ý để giành học bổng cao

3 lưu ý để giành học bổng cao

Ứng viên cần hiểu rõ mình là ai; biết mình muốn gì và có khả năng kể được câu chuyện để thuyết phục nhà tuyển sinh tin tưởng để giành học bổng. Vậy 3 lưu ý để giành học bổng cao là gì?

Thông tin được Thạc sĩ Lê Đình Hiếu – CEO của MAX Education chia sẻ tại tọa đàm The SACE Journey – Mở khóa Gen Z số 6, chủ đề “Học bổng du học và những câu chuyện chưa kể”, phát sóng trên VnExpress, ngày 26/4.

Kinh nghiệm giành học bổng từ CEO MAX Education

Theo anh Đình Hiếu, ứng viên phải biết xuất phát điểm của mình ở đâu, năng lực cốt lõi của bản thân là gì. “Khi nộp đơn vào trường, bạn cần làm rõ nếu được học bổng thì đầu ra của bạn là gì, bạn sẽ cống hiến gì cho xã hội, hay tác động đến ngành nghề liên quan thế nào. Nói cách khác, bạn cần hiểu rõ điểm bắt đầu và đích đến, mới có cơ hội giành học bổng cao”, anh nói.

CEO của MAX Education chia sẻ thêm, Gen Z nên bắt đầu tìm hiểu thông tin về trường, học bổng từ lớp 10, 11 để con đường suôn sẻ hơn, thay vì để đến lớp 12, việc chuẩn bị sẽ gấp gáp.

Cũng là diễn giả tại tọa đàm, nhà báo Đỗ Thiện Trưởng ban Truyền hình – Đa nền tảng báo Pháp luật TP HCM lấy ví dụ từ kinh nghiệm bản thân, để làm rõ yếu tố “mình là ai, năng lực cốt lõi là gì”.

Anh nhớ lại buổi phỏng vấn với hội đồng tuyển sinh Viện Konrad Adenauer Stiftung tại Việt Nam để xin học bổng thạc sĩ. Do ứng tuyển ngành Báo chí – Truyền thông, anh tự nhận đã xây dựng câu chuyện để du học khá vĩ mô. Anh học quan hệ quốc tế, năm hai bắt đầu viết cộng tác với một số tờ báo về các vấn đề chính trị-xã hội. Ngày phỏng vấn, anh đã cầm theo một số bài báo tiếng Việt và tóm tắt tiếng Anh, nhấn mạnh vào đam mê viết về biển đông và các vấn đề chính trị quốc tế, ngoại giao.

“Những câu chuyện tôi đề cập đã gây khó ngược lại tôi vì không ngờ ban giám khảo đều là những chuyên gia trong lĩnh vực mà tôi đang làm việc. Tôi nhớ khi đó đã bị ‘tấn công’ liên tục với nhiều câu hỏi rất hay nhưng cũng có độ khó cao với tôi”, anh nhớ lại.

Anh cũng tiết lộ đã nhận được các câu hỏi như “nếu là thủ tướng Đức, anh sẽ quyết định thế nào về vấn đề nhập cư Đức (là vấn đề rất nóng giai đoạn năm 2015)?”, hay “tôi thấy anh trả lời các vấn đề về quan hệ quốc tế khá tốt, anh cũng đã hoàn thành việc học cử nhân và đang học gần xong cao học ngành Quan hệ Quốc tế ở Việt Nam, tại sao anh muốn học tiếp cao học ngành báo chí”; “vì sao anh không học tiếp nghiên cứu sinh ngành Quan hệ Quốc tế”.

Thậm chí, có thành viên ban giám khảo còn gợi ý sẽ xem xét cho anh đổi nguyện vọng, thay vì nộp cao học Báo chí – truyền thông thì chuyển sang nộp nghiên cứu sinh ngành Quan hệ Quốc tế. Nếu trúng tuyển thì mức học bổng cao hơn.

3 Lưu ý khi viết hồ sơ săn học bổng
Các chuyên gia khách mời chia sẻ những lưu ý để giành học bổng cao trong tập 6 The SACE Journey

Trong trường hợp này, theo anh Đỗ Thiện, nếu ứng viên không vững tâm và không hiểu rõ về năng lực, đích đến của mình cũng như đam mê thì sẽ rất khó để qua vòng phỏng vấn. Xác định tinh thần và mục tiêu từ sớm nên anh đã trả lời một cách rõ ràng, và đó có thể là lý do thuyết phục hội đồng tuyển sinh.

Đến giờ anh vẫn nhớ câu trả lời đó khi đó của mình, đại khái “Đúng là tôi tốt nghiệp ngành Quan hệ Quốc tế và học cao học ngành này ở Việt Nam cũng gần xong, nhưng quá trình đó tôi dùng kiến thức tôi học được phục vụ cho công việc làm báo.

Tôi muốn trở thành một nhà báo viết về mảng chính trị quốc tế, nhưng thấy bản thân không phù hợp và cũng không đủ năng lực nếu theo đuổi vị trí một chuyên gia hay một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực quan hệ quốc tế. Vì vậy, tôi xin phép được theo đuổi việc học ngành báo chí – truyền thông, cũng là chuyên môn mà tôi đang còn thiếu trong vị trí làm việc hiện nay và lâu dài về sau”.

Sau vòng phỏng vấn, một giám khảo đã nói lại với anh: “Nếu anh chọn việc đổi nguyện vọng theo gợi ý của một thành viên ban giám khảo là ứng tuyển học bổng nghiên cứu sinh thì anh sẽ bị rớt ngay. Việc kiên định một cách hợp lý với ước mơ và kế hoạch của mình trong trường hợp này là cần thiết”.

Bên cạnh yếu tố hiểu rõ mình là ai và con đường mình chuẩn bị đi, thì mỗi cá nhân biết mình mong muốn gì trong tương lai cũng rất quan trọng, đặc biệt là việc bạn sẽ cống hiến được gì cho xã hội, hay tác động gì đến ngành nghề liên quan. Về vấn đề này, Thạc sĩ Trần Thanh Vân – Nhà Sáng lập Saigon Improv House cho biết, trong hồ sơ ứng tuyển học bổng Fulbright Thạc sĩ Truyền thông tại Mỹ (2019), chị đã chia sẻ về những dự định, ước mơ được đóng góp cho xã hội một cách rõ ràng.

Chị nhớ lại, những năm 2016, 2017, trào lưu youtube nổi lên với nhiều sản phẩm giúp các bạn trẻ mở mang kiến thức; bên cạnh đó cũng có sản phẩm chỉ xem để giải trí rồi quên luôn. Về phần mình, chị đã kể về ước mơ tạo ra những sản phẩm truyền thông truyền cảm hứng, mang ý nghĩa tích cực cho cuộc sống. “Tôi muốn tạo nên những sản phẩm có thể góp phần truyền cảm hứng cho giới trẻ, giống như những người đã truyền cảm hứng trước đó cho tôi”, chị viết trong hồ sơ ứng tuyển học bổng.

Cuối cùng là kỹ năng kể câu chuyện, thuyết phục nhà tuyển sinh tin vào câu chuyện của mình.

Anh Đình Hiếu lấy ví dụ từ bản thân, khi viết bài luận bậc cử nhân anh đã kể câu chuyện về người mẹ của mình – bước sang tuổi ngoài 30, bà đã trở thành người khiếm thính như thế nào và cách bà đối mặt với cuộc sống ra sao. Lớn hơn một chút khi xin vào chương trình học bổng Doanh nghiệp xã hội hay học bổng tiến sĩ, anh đều tập trung kể về một cô bé học trò mà nhờ cô bé đó anh đã dám nghỉ việc tại công ty tư vấn và chuyển thành người thầy như thế nào.

“Tôi thấy cuộc đời mình may mắn khi gặp được những người tạo cho tôi cảm hứng lớn – những người đóng vai trò là điểm thắt thay đổi cuộc đời tôi”, anh Hiếu nói.

Thạc sĩ Đình Hiếu từng 3 lần du học từ cử nhân, doanh nhân và thạc sĩ. Thời điểm ứng tuyển khóa học thạc sĩ, anh Hiếu khẳng định đã xác định rõ bản thân muốn gì, đó là mô hình giáo dục vì cộng đồng, chứ không phải thương mại – làm sao phục vụ cộng đồng nhưng vẫn chất lượng.

Anh đã viết thư cho hội đồng xét tuyển kể về hành trình xây dựng công ty như thế nào và nói về ước mơ muốn tạo ra một mô hình giáo dục và muốn dùng giáo dục thay đổi cộng đồng. Khi đó anh đã có hai năm làm chương trình dạy tiếng Anh tin học và kỹ năng sống cho trẻ em câm điếc. Kết quả, sau hai tháng anh nhận được thư mời nhập học.

“Tôi nghĩ xếp trong nhóm giỏi thì mình không giỏi, xếp trong nhóm nghèo thì chắc mình cũng không nghèo nhưng đã chinh phục được cơ hội đi học bởi câu chuyện thú vị và có khả năng kiến tạo những thay đổi và nhận được suất học bổng tốt”, anh Hiếu cho biết thêm.

Nguồn: 3 lưu ý để giành học bổng cao – VNExpress

Chia sẻ