Blog

Cách cho con tự do trong khuôn khổ

Cách cho con tư do trong khuôn khổ

Cho con tự do trong khuôn khổ – Chuyên gia Nguyễn Phạm Khánh Vân kiểm soát con dựa trên sự quan tâm, chia sẻ mỗi ngày, khéo léo uốn nắn để con lắng nghe một cách tự nguyện.

Chuyên gia Nguyễn Phạm Khánh Vân là khách mời của tọa đàm The SACE Journey – Mở khóa Gen Z tập 3, phát sóng trên VnExpress ngày 5/4. Với chủ đề “Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ – Con dạy tôi điều gì”, khách mời đã chia sẻ những giải pháp để cha mẹ và con cái có thể thấu hiểu, đối thoại và đồng hành cùng nhau, đặc biệt là cách cho con tự do trong khuôn khổ.

Trong cuộc sống hiện đại, không ít phụ huynh đặt câu hỏi “Nếu cho trẻ quá ít tự do, kìm kẹp trẻ quá mức liệu có cản trở sự phát triển của các con sau này. Ngược lại, cho trẻ nhiều tự do, khả năng sẽ tạo ra những đứa trẻ vô kỷ luật, ngỗ ngược, vô ơn”. Vậy cho trẻ tự do bao nhiêu là đủ?

Theo Thạc sĩ Khánh Vân, bà chọn cách cân bằng như chơi bập bên, bên lên cao bên phải xuống thấp, nên tìm cách “win – win” cho cả hai bên. Bà cũng phối hợp cả kiến thức phương Đông và phương Tây trong cách dạy con. Ví dụ con học cấp 3 có bạn gái, tôi đồng ý con có quyền đi chơi nhưng tôi muốn biết con đi đâu, giờ nào, khi nào về, tuyệt đối không đi qua đêm.

“Chúng ta có thể kiểm soát con dựa trên nền tảng của sự quan tâm, nói chuyện với con thật nhiều để con dần mở lòng, xem bố mẹ như những người bạn. Từ đó, phụ huynh có thể can thiệp vào cuộc đời của con một cách khéo léo trong khi con vẫn cảm nhận được sự tự do, thoải mái”, diễn giả cho hay.

Một ví dụ khác, chuyên gia cho biết mỗi khi đứng trước một băn khoăn, chia sẻ của con, bà sẽ phân tích để làm sao con đưa ra quyết định cuối cùng đúng hoặc gần đúng theo ý cha mẹ, thay vì chỉ trích, áp đặt giáo điều.

“Hiện con trai lớn của tôi 20 tuổi, đang du học Canada thường xuyên nhắn tin, gọi điện chia sẻ, trao đổi những chuyện đời sống thường nhật, con trai thứ hai 15 tuổi ăn xong sẽ lo việc dọn dẹp bát đũa, dù có người giúp việc con vẫn phải làm, vì đó là kỹ năng sống, con cần biết nấu ăn, dọn dẹp, ít nhất để tự phục vụ bản thân. Tôi hài lòng vì điều đó”, bà chia sẻ.

Tại tọa đàm The SACE số đầu tiên, Tiến sĩ Đào Minh Hồng – Phó trưởng khoa Quan hệ Quốc tế Đại học Kinh tế Tài chính (UEF) cũng cho biết, phụ huynh hãy để con được tự do bộc lộ cảm xúc, khi con giận dữ cho con được hét lên… để xả stress. “Đừng bảo con phải kiềm chế. Việc thoải mái thể hiện bản thân sẽ tự giúp các con tự giải tỏa. Hơn hết, hãy để con là bản nguyên vẹn của chính mình với tất cả những gì con chưa hoàn thiện”, Tiến sĩ nói

Thay vì giáo dục theo lối độc đoán, áp đặt, quá tự do; thiếu trách nhiệm hoặc nuông chiều; không giới hạn và thiếu hướng dẫn, bà cho rằng phụ huynh hãy tự học hỏi, cập nhật kiến thức, kỹ năng để giáo dục theo cách phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng cá nhân con học sinh. Việc này đòi hỏi phụ huynh dành thời gian bởi đây là điều không tự nhiên có được.

Đồng tình với quan điểm của các chuyên gia, Tiến sĩ Nguyễn Trần Phi Yến, người điều phối chương trình cho rằng: “Nuôi con là hành trình vun đắp mà bản thân bố mẹ cần cố gắng mỗi ngày. Không chỉ con kể cho bố mẹ mà bố mẹ cũng cần chia sẻ với con để con hiểu, uốn con từ từ theo triết lý giáo dục của gia đình. Đặc biệt, hãy để con tìm thấy niềm vui trong những việc con làm”.

Theo Tiến sĩ Phi Yến, không phải chỉ số thông minh IQ, không phải điểm trung bình trên lớp, không phải kết quả những bài kiểm tra mà là khả năng tự kiểm soát (self-control). Khả năng tự kiểm soát là một đức tính cần rèn luyện trong suốt quá trình lớn lên, và chỉ có bố mẹ, cùng rất nhiều kiên nhẫn, kỷ luật và yêu thương, mới giúp con rèn luyện được đức tính này.

Nguồn: VNExpress

Chia sẻ