Theo Tiến sĩ Phạm Anh Khôi, sự phù hợp trong cách đào tạo giáo dục sẽ mang đến thành quả lâu dài thay vì chọn trường theo giá hoặc sự hào nhoáng bề ngoài.
Tiến sĩ Phạm Anh Khôi – Giảng viên Đại học Western Sydney, CEO, đồng sáng lập FINA là một trong các diễn giả của tọa đàm “The SACE Journey – Mở khóa Gen Z” số 7, phát sóng trên VnExpress ngày 10/5.
Cách đầu tư giáo dục sao cho phù hợp
Với chủ đề “Đầu tư giáo dục cho con – Động lực hay áp lực?”, Tiến sĩ Anh Khôi cho rằng, giáo dục quan trọng nhất là sự phù hợp. Vì vậy, thay vì đầu tư cho con học những ngôi trường đắt tiền, nên chú trọng triết lý giáo dục của ngôi trường đó có phù hợp với con và gia đình hay không.
Việt Nam có nhiều môi trường giáo dục tốt, bản thân Tiến sĩ Anh Khôi cũng trải qua 12 năm học ở Việt Nam, đại học ở nước ngoài. “Trải qua nhiều môi trường giáo dục khác nhau, tôi thấy thích triết lý giáo dục lấy người học làm trọng tâm”, ông nói.
Theo vị tiến sĩ, khi đề cao con người trong đào tạo tất cả lý thuyết, bài học của giảng viên đều phải xây trên nên tảng đó và giá trị của giáo dục đem lại không phải kết quả cuối cùng của người học sinh khi họ tốt nghiệp điểm cao mà là sự chênh lệch giữa lúc bắt đầu và kết thúc khóa học. Tức giá trị gia tăng về kiến thức, đạo đức, kỹ năng mềm đem lại cho học sinh như thế nào cũng đồng nghĩa thành quả giáo dục càng lớn.
“Vì vậy, sự phù hợp rất quan trọng với người con, với gia đình cả về đạo đức, tài chính, thay vì chọn trường theo giá cả hay sự hào nhoáng bên ngoài”, ông nhấn mạnh.
Cách đầu tư giáo dục khoa học
Bàn về nội dung đầu tư giáo dục cho con, CEO – đồng sáng lập FINA cho biết có nhiều công thức khác nhau để phụ huynh tự cân đối sao cho phù hợp với điều kiện tài chính từng gia đình. Nhưng có một số lưu ý quan trọng, đó là nên đầu tư sớm. Nếu đợi sắp vào đại học mới đầu tư thì thường đã muộn.
Phụ huynh nên tập thói quen tích luỹ 5-10% tổng thu nhập hàng tháng để khi cần đầu tư việc học. cho con cái, tránh rơi vào những áp lực tài chính trong đầu tư giáo dục. “Tỷ lệ này có thể giữ nguyên hoặc tăng dần theo thời gian tới 30-40%, tuỳ mục đích của gia đình và nguồn thu nhập thì tùy thuộc tài chính, miễn sao không để ảnh hưởng tới mức sống của cả nhà”, ông chia sẻ kinh nghiệm về cách đầu tư giáo dục.
Ngoài cách đầu tư giáo dục đã đề cập, phụ huynh cũng có thể tham khảo các gói đầu tư giáo dục. Trong vai trò là nhà đầu tư tài chính lâu năm, Tiến sĩ Anh Khôi đánh giá cao một số chương trình đầu tư giáo dục tại Việt Nam, đơn cử chương trình hoàn 100% học phí khi tốt nghiệp…
Một lưu ý nữa khi đầu tư là không bao giờ bỏ hết trứng vào một giỏ, cho dù là chứng khoán, trái phiếu hay giáo dục. “Có nhiều cha mẹ chỉ đầu tư vào giáo dục cho con mà không có sự bảo vệ – khoản tiền để dành lo những lúc bất trắc, hoặc chỉ đầu tư bất động sản mà bỏ qua con cái…”, ông nói thêm.
Thực tế, sự đầu tư cho việc học của con xuất phát từ tình yêu thương của các bậc làm cha, làm mẹ. Họ sẵn sàng dốc nguồn lực tài chính để con được học tập trong môi trường tốt nhất với hy vọng tương lai con thêm vững vàng và nhiều triển vọng. Tuy nhiên, để các con hiểu tường tận những mong mỏi của cha mẹ, nhận thức đúng đắn về cách đầu tư giáo dục của gia đình chưa bao giờ dễ dàng.
Ông Khôi cho biết ở nước ngoài, việc dạy về tài chính trong trường học diễn ra rất sớm, thậm chí từ cấp một, hai, ba đã có các lớp học về kinh tế, tài chính. Ngoài vấn đề tài chính, ông nhắn nhủ phụ huynh cũng nên chú trọng niềm vui của con, như cho con học thể thao, đàn, hát, không nhất thiết mọi thứ trong cuộc sống đều xoay quanh tài chính.
Ngoài ra, phụ huynh cần biết tính cách của con để chia sẻ phù hợp. Một số bạn có thể chịu áp lực, sẽ thấy đó là động lực phát triển tốt hơn nhưng một số bạn lại thấy tự ti, không dám cố gắng nhiều hơn nữa vì sợ cha mẹ vất vả, tốn kém.
Nguồn: VNExpress