Chuyên gia truyền thông Nguyễn Phạm Khánh Vân vận dụng kiến thức phương Tây lẫn truyền thống phương Đông giúp ba con biết sống mở lòng với mọi người và quan trọng là dạy con không bạo lực.
Tại toạ đàm The SACE Journey – Mở khóa Gen Z số 3, chủ đề “Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ – Con dạy tôi điều gì?”, phát sóng trên VnExpress ngày 5/4, khách mời là Thạc sĩ truyền thông Nguyễn Phạm Khánh Vân đã có những chia sẻ thực tế về “nghề” làm cha mẹ.
Thạc sĩ Marketing tại ESCP Europe, Pháp – Nguyễn Phạm Khánh Vân có 3 con trai đều trong độ tuổi Gen Z, con trai lớn hiện du học Canada. Với kinh nghiệm 20 năm “làm nghề” cha mẹ, bà chọn cách kết hợp cả Đông phương và Tây phương. “Tôi không chọn cách rập khuôn, áp đặt như chỉ đi theo cách nuôi dạy con của người Do Thái, hay mẹ hổ, mẹ cọp mà sẽ thường xuyên đọc sách, tích luỹ kinh nghiệm và tìm ra phương pháp riêng cho mình và con”, bà nói.
Đặc biệt, bà không bao giờ dùng bạo lực với con mà chọn cách ủng hộ, đồng hành. “Hiện ba đứa con của tôi đã 20 tuổi, 15 tuổi và 10 tuổi. May mắn là các cháu đều chăm ngoan, chịu khó học hỏi và rất yêu thương nhau”, bà nói.
Từng có thời gian du học và sinh sống ở nhiều quốc gia trên thế giới, như Pháp, Mỹ… thạc sĩ Khánh Vân thấy rằng, phụ huynh các nước phát triển dành nhiều thời gian cho gia đình. Trẻ học đến 15h sẽ trở về nhà, cha mẹ dành thời gian chăm sóc, chia sẻ công việc nhà, nuôi dạy con, và chơi thể thao với con mỗi ngày. Trẻ cũng được khuyến khích tham gia nhiều môn thể thao rèn luyện sức khoẻ. “Tôi đã tích luỹ và học hỏi được rất nhiều điều tích cực trong cách nuôi dạy con của phụ huynh phương Tây”, bà chia sẻ.
Cũng theo bà, sinh con ra, bố mẹ phải phải chịu trách nhiệm với con, chứ không phải nhà trường, pháp luật, hay họ hàng, xóm làng. “Một đứa con thành công theo tôi không phải kiếm được nhiều tiền, sự nghiệp rạng rỡ, điểm cao, mà là đứa trẻ hạnh phúc, biết sống, yêu thương, mở lòng với mọi người, biết nghe điều hay ý đẹp của cha mẹ, biết tự tin có tư duy phản biện, sáng tạo”, bà nói.
Để làm được điều này, phụ huynh nên tích cực trò chuyện, chia sẻ với con, kích thích con sáng tạo. Lấy dẫn chứng từ kinh nghiệm bản thân, bà Khánh Vân cho biết, hai con nhỏ của bà, có đứa muốn trở thành youtuber. Thay vì phản đối, bà chọn cách ủng hộ, thậm chí còn đưa con ra siêu thị, để con quay video giới thiệu các mặt hàng ở siêu thị, như táo, tôm, cua cá, nếu con thích thì đăng tải video, không thì thôi.
Đứa nhỏ 10 tuổi gấp giấy làm ví tiền, mang lên lớp bán được 2.000 đồng, bà cho biết vui và ủng hộ con, không bao giờ cười cợt ước mơ của con. Hay đứa lớn từng muốn nấu ăn ngon, theo nghề bếp, bà cho con vào bếp nấu nhiều món ăn, nếu vẫn thích thì sẽ đi học và đầu tư chuyên nghiệp, không thì từ bỏ, đó là lựa chọn của con.
“Trong gia đình, tôi rất nghiêm khắc nhưng cũng luôn ủng hộ con. Con có quyền phát triển, có những ý kiến, tự do trong khuôn khổ mẹ đặt ra”, nữ thạc sĩ chia sẻ.
Chia sẻ thêm về một trường hợp phụ huynh và Gen Z tranh cãi về việc dạy con trẻ bằng đòn roi, vị chuyên gia tỏ ra bức xúc. “Không ai lắng nghe đứa trẻ 2000, tôi thấy quá bất công. Nếu đứa trẻ đó là con mình, tôi sẽ thấy đó là sự sụp đổ của nghề làm mẹ, sự thất bại để con phải nói lên mạng”, bà bày tỏ.
Cũng theo diễn giả đứa bé đã dạy cha mẹ một bài học nhưng cha mẹ, các bậc phụ huynh đã chối bỏ không chấp nhận.
Đồng quan điểm với diễn giả, Tiến sĩ Nguyễn Trần Phi Yến, giảng viên ĐH RMIT cho rằng, cách dạy con hiện nay của nhiều phụ huynh Việt đang làm cho trẻ ngại thử thách, ngại cái mới. Vậy nên việc của bố mẹ phải đồng hành và vượt lên trên cả những gì trường học đã làm cho con. Đó là nuôi dưỡng nhân cách của con, không nuôi ảo tưởng con sẽ trở thành người tài giỏi nhất, xuất sắc nhất. Điều quan trọng hơn là để con tìm thấy niềm vui trong những việc con làm.
Nguồn: VNExpress