Ca sĩ Nam Khánh – cựu thành viên AC&M hướng nghiệp dần cho con bằng cách chia sẻ các khái niệm về nghề nghiệp, thay vì áp đặt phải chọn lựa.
Tọa đàm The SACE Journey số 5, chủ đề “Chọn trường cho con” phát sóng trên VnExpress, ngày 19/4, Nam Khánh là một trong hai diễn giả. Hoạt động trong môi trường nghệ thuật, anh cũng mong muốn con có sở trường và đam mê nghệ thuật, song nam ca sĩ chỉ dừng lại ở kỳ vọng chứ không bắt ép con theo nghề bởi anh tôn trọng sở thích cá nhân của 2 bé.
Thay vì chỉ định…..
“Có thời gian tôi thử cho bé lớn học đàn piano để khi stress hay mệt mỏi, con có thể dùng âm nhạc để xoa dịu tâm hồn, nhưng không hiệu quả. Bé thích thể thao hơn”, anh nói. Lúc đó, anh hiểu rằng, bố mẹ sinh ra con nhưng không thể áp buộc suy nghĩ cũng như sự sĩ diện của mình lên con để bắt con phải làm theo ý mình, hay trở thành ông này, bà kia…
Chia sẻ về quan điểm phải làm sao khi con thích làm những nghề không theo xu hướng số đông, nam ca sĩ cho rằng, sở thích của con có thể sẽ phù hợp với những nghề không thời thượng, nhưng bố mẹ đừng vội tạo áp lực vì đôi khi trẻ chưa định hình được nghề nghiệp một cách rõ ràng. Lúc này, phụ huynh có nhiều cách để khơi gợi, dần định hướng sở thích cho con.
Anh lấy ví dụ từ bản thân, khi bé lớn bảo muốn làm game thủ, youtuber hay người tạo game, anh nói “nếu con chơi game tối ngày thì sẽ rất mệt, nhưng nếu viết game thì có thể kiếm tiền được”. Khi con lớn hơn, hai bố con sẽ thủ thỉ “dịch Covid-19 thế này mà nhà có bác sĩ thì hay quá con nhỉ”.
Hãy cho con khái niệm về nghề
Hay những lúc con nói chuyện về nghề nghiệp, thay vì chỉ nói khơi khơi con nên chọn nghề này, suy nghĩ về nghề kia… anh chọn cách phân tích cụ thể vào bản chất nghề, kết nối với tính cách, sở thích của con, như “khi lớn lên con muốn cuộc sống như thế nào, nếu thích nhẹ nhàng thì có thể chọn học đàn, muốn làm giàu thì cân nhắc các nghề về kinh doanh, đầu tư…
Nam ca sĩ cho rằng những câu chuyện đời thường nhưng có sự định hướng một cách “đầy dụng ý” của cha mẹ sẽ khiến con trẻ dễ tiếp nhận hơn – hãy gieo vào đầu con những khái niệm về nghề, như nghề đó là gì, tính chất công việc ra sao, phù hợp với những người có tính cách thế nào…
“Thực tế nhiều khi trẻ nói thích nghề này, nghề kia nhưng chưa có sự tìm hiểu nghiêm túc về bản chất của nghề hay khái niệm về nghề. Nên với vai trò là bố mẹ, tôi cho rằng việc định hình các khái niệm về nghề cho con rất quan trọng”, anh nhấn mạnh.
Trong quá trình trò chuyện với con, bố mẹ cũng có thể đan xen câu chuyện của chính mình để con thấy những ví dụ thực tế, dễ hình dung hơn. “Tôi nghĩ cách đó khơi gợi được sở thích và tính trách nhiệm của con”, ca sĩ Nam Khánh chia sẻ.
Đồng quan điểm với ca sĩ Nam Khánh, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng khoa Văn hóa học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP HCM cho rằng cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Phụ huynh chỉ có thể định hướng chứ không sống cuộc đời của con được. Hơn nữa, phụ huynh cần lắng nghe các con nhiều hơn để hiểu con thực sự muốn gì, từ đó có những định hướng đúng đắn để con phát huy.
Trước đó, tại tọa đàm The SACE Journey số đầu tiêu, Tiến sĩ Đào Minh Hồng, Phó trưởng khoa Quan hệ Quốc tế Đại học Kinh tế Tài chính (UEF) cho biết, phụ huynh khi định hướng khái niệm về nghề cho con cần sự tinh tế, đặc biệt không nên có thái độ ép buộc, bởi trẻ thường thích làm ngược lại những gì cha mẹ nói.
Đặc biệt, những phụ huynh muốn con theo nghiệp của mình cần khéo léo, thay vì chỉ định con theo ngành học, thì nên tìm cách tạo môi trường để con trẻ làm quen, sau đó sẽ ra quyết định một cách tự nguyện.
Bà cũng không đồng tình với quan điểm chọn ngành nghề “hot”, nghề thời thượng. Theo Tiến sĩ, khi tư vấn cho các ban trẻ hướng đến những giá trị phân biệt đẳng cấp, phân biệt giá trị, có nghĩa các bạn đang không nghiêm túc trong từng lựa chọn, quyết định của mình.
Nguồn: VNExpess