Blog

Chọn trường cho con như thế nào là đúng?

Chọn trường cho con - Khi những ông bố "vào cuộc"
Chọn trường cho con thế nào là đúng?

Ca sĩ Nam Khánh và PGS. TS Nguyễn Ngọc Thơ cho biết, thời gian sinh sống tại Mỹ tác động đến cách chọn trường cho con, tại Tọa đàm The SACE Journey số thứ 5.

Với chủ đề “Chọn trường cho con”, phần đầu tọa đàm, hai khách mời có những chia sẻ thực tế về những trải nghiệm của gia đình khi cho con theo học tại xứ sở cờ hoa.

Chọn trường cho con dựa trên nguồn lực tài chính

Từng có hai con độ tuổi tiểu học và THCS học tại Mỹ từ 2017-2021, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ cho biết: “Với phương pháp giáo dục khai phóng, chuyên biệt hóa từng cá nhân, kết hợp sự nhanh nhạy của con trẻ, các con của tôi đã nhanh chóng thích nghi và hòa nhập với môi trường mới”.

Là nhà giáo nên Tiến sĩ Thơ đặc biệt quan tâm cách giáo dục của Mỹ. Theo ông, tại các trường học của Mỹ, giáo viên thường chỉ cung cấp tư liệu, chất liệu, vật liệu cũng như phương hướng để học sinh tự hình thành kế hoạch nghiên cứu, sau đó kết nối với bạn bè để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ vậy, các con của ông kết nối nhanh với bạn bè địa phương,

Trường học cũng chú trọng việc liên lạc giữa nhà trường với phụ huynh về vấn đề học tập, tâm sinh lý của con. Ngoài ra, việc bắt buộc học sinh theo học một loại hình nghệ thuật mang tính cộng đồng gắn kết, được vị phụ huynh này đánh giá là tạo điều kiện phát huy năng lực cảm thụ nghệ thuật cho mỗi cá nhân. “Các phương pháp này vừa giúp con phát triển năng lực cá nhân, lại có thể nhận ra sức mạnh tổng thể của sự đồng điệu, gắn kết”, vị tiến sĩ nói thêm.

Trong khi đó ca sĩ Nam Khánh ấn tượng với cơ sở vật chất hiện đại và chuỗi tiện ích phát triển thể chất cho con trẻ tại Mỹ. Nam ca sĩ cho biết, các con không bắt buộc phải học trong lớp. “Cứ đến giờ nghỉ trưa là thầy cô sẽ “lùa” học sinh ra khỏi lớp để chơi đùa, tắm nắng, các con cũng không phải xếp hàng theo khuôn khổ nên luôn cảm thấy mỗi ngày đến lớp là một ngày vui”, anh kể lại.

4 yếu tố chọn trường cho con của ca sĩ Nam Khánh
Ca sĩ Nam Khánh, khách mời trong tập phát sóng thứ 5 – The SACE Journey chia sẻ về cách chọn trường cho con thế nào là đúng.

Cựu thành viên AC&M cũng đồng tình với quan điểm của thầy Ngọc Thơ về việc cho các bé được học các môn nghệ thuật từ sớm, điều này giúp phát triển tâm hồn nghệ thuật của bé từ nhỏ để tính nhân văn được phát triển nhiều hơn chứ không đơn thuần là học những con số khô khan. Giữa gia đình và nhà trường cũng có nhiều cuộc trao đổi với mục đích xây dựng tạo điều kiện tốt nhất cho đứa trẻ phát triển theo tiềm năng của nó.

Khi trở về Việt Nam, để tránh đứt gãy môi trường học của con, ca sĩ Nam Khánh ưu tiên các trường quốc tế, bởi có phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất… tương đồng với các trường bên Mỹ.

Từ kinh nghiệm bản thân, anh lưu ý một số điểm với những phụ huynh muốn chọn trường cho con theo mô hình quốc tế. Đầu tiên là khả năng tài chính phải làm sao đảm bảo quá trình học dài hạn cho con. Tiếp theo là cơ sở vật chất của trường, trình độ giáo viên rồi đến sở thích của con. Từ sở thích của con, phụ huynh nên kiểm tra ngược xem các trường mình chọn có đáp ứng nhu cầu mong muốn của con không để điều chỉnh phù hợp.

Trong khi đó, thầy Ngọc Thơ nhắn nhủ tới các phụ huynh rằng dù có điều kiện vật chất đầy đủ cũng đừng tạo cho con cảm giác có mọi thứ, như thế dễ làm hư con và dễ khiến con nhụt chí vì vô tình hình thành tâm lý có bố mẹ lo hết.

“Từng theo dõi các thế hệ sinh viên năm nhất, tôi thấy nhiều em đã trải qua quãng thời gian cấp ba học trường quốc tế đều có chung quan điểm: ’em không có động lực để sống và phấn đầu vì gia đình em có đầy đủ hết rồi”, thầy Ngọc Thơ chia sẻ.

Thực tế, trường tốt nhất cho con là trường phù hợp với gia đình và mục tiêu phát triển của con. Nếu sự lựa chọn bị “quá tay” tạo áp lực tài chính thì vô hình chung, các thành viên trong gia đình sẽ khó thoải mái để cùng thư giãn trò chuyện với nhau. Hoặc nếu bố mẹ dồn hết tiền bạc, tâm huyết lên con, cũng vô tình khiến đứa trẻ cảm thấy áp lực sợ thất bại, dần dần tạo khoảng cách giữa các thế hệ…

Chọn trường cho con cũng là định hướng tương lai

Không chỉ chọn trường cho con mà trong nội dung định hướng nghề nghiệp tương lai, hai diễn giả chương trình cũng có nhiều chia sẻ từ kinh nghiệm bản thân. Với Nam Khánh, dù là ca sĩ thành danh anh cho biết không ép buộc con theo nghề của bố. “Phụ huynh đừng áp đặt suy nghĩ của mình hay sự sĩ diện của bản thân lên con. Thay vì thế hãy lắng nghe nhu cầu của con và cùng con đồng hành, tìm hướng đi thích hợp”, anh nói.

Cũng theo nam ca sĩ, sở thích của con đôi khi sẽ phù hợp với những nghề có thể không thời thượng, thậm chí tưởng chừng không kiếm ra nhiều tiền, nhưng phụ huynh đừng vội tạo áp lực, hay ép con không được chọn ngành nghề đó.

Thay vì vậy, hãy dần gieo vào đầu con những khái niệm về ngành nghề, như bác sĩ là nghề như thế nào, hãy kỹ sư sẽ làm những công việc gì, ở môi trường ra sao… để con dần hiểu về nghề nghiệp, từ đó có định hình rõ ràng cho nghề nghiệp tương lai.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ cũng cho rằng, cha mẹ sinh con trời sinh tính, mình có chuyên môn khoa học xã hội không có nghĩa con cũng có. Đơn cử, hai bé nhà ông đều thích khoa học tự nhiên hơn.

“Bố mẹ chỉ nên định hướng chứ không sống cuộc đời của con được. Ngay khi đam mê và sở thích của con có thể thay đổi nhưng việc học sẽ không thay đổi nhiều. Thông thường con thích Toán học thì sẽ thích mãi, chứ không phải nay thích Toán, mai thích Văn. Bởi vậy hãy định hướng nghề nghiệp cho con theo sở thích, năng lực của con”, thầy nói và nhắn nhủ phụ huynh không nên so sánh con mình với con người khác. “Phụ huynh mong con mình thành rồng là chính đáng, nhưng hãy nhìn lại mình đã thành rồng chưa?”.

Nguồn: VNExpress

Chia sẻ