Blog

Gen Z muốn cha mẹ thấu hiểu thế hệ mình hơn

Gen Z muốn cha mẹ thấu hiểu thế hệ mình hơn

Phụ huynh thay vì so sánh, hãy khích lệ và dành nhiều thời gian bên Gen Z bởi Gen Z muốn cha mẹ thấu hiểu thế hệ mình hơn, chia sẻ của hai khách mời tại toạ đàm The SACE Journey số 2.

Tại toạ đàm The SACE Journey số 2, chủ đề “Gen Z vượt sướng, vượt khổ như thế nào?”, hai khách mời của chương trình là Đỗ Hồng Hoàng My, nghiên cứu sinh Đại học Harvard và Võ Phương Dung, học sinh lớp 12 Trường Quốc tế Renaissance đã có những chia sẻ thú vị về thế hệ mình và gửi gắm tâm tư tới các bậc phụ huynh.

Võ Phương Dung (sinh năm 2004) từng vào Top 10 cuộc thi G-College Singapore Travel Award 2021. Nữ sinh đồng sáng lập dự án emPower, thành viên ban PR của Go Green Together. Dành nhiều thời gian cho các hoạt động xã hội và được nghe chia sẻ của nhiều bạn đồng trang lứa,

Phương Dung cho biết, em thấy nhiều phụ huynh của các bạn hay so sánh con mình với con nhà người khác, hoặc so sánh với bố mẹ ngày xưa thế nào, các con bây giờ phải ra sao… mà không biết những điều đó lặp lại nhiều lần sẽ tạo áp lực lên con, thậm chí khiến con không thể hiện được bản thân, trở nên e dè, nhút nhát.

Cũng theo Gen Z 2004, phụ huynh nên dành nhiều thời gian cho con, nhẹ nhàng khơi gợi giúp con mở lòng chia sẻ những tâm tư, khúc mắc tuổi mới lớn. Mặt khác, nhiều phụ huynh Việt Nam thích so sánh mà thiếu sự khen ngợi, động viên, khích lệ con. “Việc so sánh khiến chúng em thấy mình có nhiều thiết sót, cần nỗ lực hơn. Nhưng đã nỗ lực rồi mà vẫn không có sự công nhận sẽ làm giảm ý chí phấn đấu”, Phương Dung bộc bạch.

Là Gen Z đời đầu, Đỗ Hồng Hoàng My, nghiên cứu sinh Đại học Harvard cho biết, cô may mắn khi có mẹ là người nắm bắt xu hướng rất nhanh nhạy. “Mẹ luôn thấu hiểu những gì tôi mong muốn nên khi có chuyện gì, chỉ cần trao đổi với mẹ, mẹ sẽ đưa ra những gợi ý rất thức thời, khách quan”, Hoàng My nói.

Nghiên cứu sinh Đại học Harvard gửi lời nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh hãy nhìn Gen Z theo hướng tích cực, đừng nghĩ Gen Z chỉ biết ăn không ngồi rồi, quá sướng nên không lớn được. “Gen Z không hề trẻ con, suy nghĩ của chúng em nhiều màu sắc. Chỉ cần bố mẹ thể hiện niềm tin vào con cái thì đó là sức mạnh để chúng em tiếp tục bước theo con đường của mình. Bố mẹ chỉ cần đứng sau theo dõi, đừng đứng trước chặn lại những gì các con mong muốn”, Hoàng My nhắn nhủ.

Cũng theo Hoàng My, khi con đã mở lòng chia sẻ quan điểm mà hiện tại thấy có vẻ hoang đường, thậm chí có thể vô nghĩa, nhưng đó chỉ là suy nghĩ của bố mẹ. Phụ huynh đâu biết thế giới nhiệm màu này một ngày nào đó, những suy nghĩ hoang đường này có thể đưa con mình đến một thành công nhất định.

Vậy, nên bố mẹ đừng bác bỏ ngay lập tức những đề xuất của con cái mà hãy tạm chấp nhận, thậm chí không cần hiểu, chỉ cần theo dõi xem con đã chuẩn bị như thế nào để thực hiện được ý tưởng đó. Bố mẹ chỉ cần nói với con nếu có vấp ngã, có bố mẹ ở đây, như vậy thôi là vai trò của bố mẹ quá đủ rồi.

Tiến sĩ Nguyễn Trần Phi Yến, người điều phối chương trình cho rằng, các bạn Gen Z tưởng là phụ thuộc vào cha mẹ vì đang được chăm bẵm quá mức, nhưng hóa ra rất mạnh mẽ và suy nghĩ độc lập. Trong khi đó, sự quan tâm thái quá của cha mẹ lại là lực cản, là những nỗi khổ mà Gen Z phải tìm cách “vượt sướng”.

“Các bạn Gen Z rất muốn được trao đổi với cha mẹ và muốn thu hẹp khoảng cách trong giao tiếp.Thông qua buổi tọa đàm này có thể thấy không phải con cái muốn đẩy bố mẹ ra xa mà muốn cùng bố mẹ cùng đồng hành với mình, thay vì đối đầu”, Tiến sĩ Phi Yến nói.

Về phía phụ huynh, Tiến sĩ cho rằng phụ huynh không nên xem nhẹ những quan điểm, sở thích của học sinh. Từ những điều nhỏ nhất cũng có thể xây dựng nên những thứ lớn hơn. Đơn cử, các bạn quan tâm đến chó mèo cũng có thể liên quan đến sự nghiệp sau này như bác sĩ thú ý, những nhà từ thiện cứu động vật nuôi…

“Không có nghề nào trong xã hội là thấp kém và vô lý. Hãy để con được tự do khám phá mọi ngành nghề con muốn”, Tiến sĩ Phi Yến nói.

Thực tế, nhiều nghiên cứu chỉ ra xã hội càng hiện đại, công nghệ càng phát triển, thông tin càng nhiều, vật chất đủ đầy, thế hệ Gen Z lại có những nỗi khổ riêng. Nếu như nỗi khổ của thế hệ phụ huynh là thiếu thốn vật chất, thì nỗi khổ của Gen Z là sự thừa thãi, sự bội thực và những sự thay đổi đến chóng mặt của xã hội hiện đại. Cuối cùng chính họ lại phải tự mình vượt khổ bằng những bản lĩnh mà thế hệ phụ huynh chúng ta chưa từng gặp.

“Mặc dù vẫn còn khoảng cách giữa cha mẹ và học sinh, nhưng với những phụ huynh chịu thay đổi cách nhìn, với những học sinh dám thể hiện bản lĩnh và độc lập với cuộc đời mình, tôi tin thế hệ Gen Z sẽ còn mang lại nhiều điều bất ngờ hơn và sẽ là một thế hệ thành công”, Tiến sĩ Phi Yến nhận định.

Nguồn: VNExpress

Chia sẻ