“Một số bậc cha mẹ nghĩ rằng làm cha mẹ không khó vì ngày nay có rất nhiều những khóa học làm cha mẹ.”
Đó là chia sẻ của Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm Nhàn, khách mời trong tập 4 chuỗi series “Cha mẹ tỉnh thức” với chủ đề: Quản trị áp lực làm cha mẹ.
“Cha mẹ tỉnh thức” là chuỗi series dài tập được phối hợp sản xuất giữa Vietsucess và Nam Úc Scotch AGS – trường Úc 100 năm. Nội dung các tập phát sóng xoay quanh về những chia sẻ, trải nghiệm, kiến thức chuyên môn cũng như những góc nhìn thực tế từ các chuyên gia về hành trình làm cha mẹ tỉnh thức đúng nghĩa.
Khi cha và mẹ “không cùng chí hướng”
Tính cách của cha mẹ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ gia đình gốc. Vì thế, khi trưởng thành và có con, cách nuôi dạy con của cha mẹ sẽ phản ánh sự tương đồng từ cách nuôi dạy của gia đình mà mình được sinh ra và lớn lên. Nếu cha mẹ có sự đối lập trong cách nuôi dạy con, điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý của đứa trẻ.
Trước hết, sự thiếu nhất quán trong phương pháp giáo dục giữa cha và mẹ dễ tạo nên không khí căng thẳng trong gia đình, điều này làm cho trẻ bất an và lo lắng. Chúng sẽ thường xuyên cảm thấy mình có nguy cơ bị lôi kéo vào các cuộc tranh cãi của cha mẹ, dẫn đến việc chúng phải chịu đựng và không dám thể hiện tình yêu thương “công bằng” dành cho cả hai bên. Thậm chí, trẻ còn có thể học cách thao túng cha mẹ để đạt được điều mình muốn.
Đơn cử trường hợp gia đình có một phụ huynh rất nghiêm khắc trong khi người kia lại quá nuông chiều. Cụ thể, người cha luôn khuyến khích con khám phá, trải nghiệm những điều mới, cho con thoải mái với môi trường bên ngoài trong khi người mẹ lại muốn kiểm soát con, không muốn con được tự do ngoài phạm vi quan sát. Vì thế, khi đứa trẻ muốn được ra ngoài, chúng sẽ nương theo cách nuôi của bố, ngược lại nếu muốn ở nhà, chúng sẽ “bám” vào sự nghiêm khắc của mẹ. Từ đó, con dễ hình thành tâm lý “thao túng” lý lẽ để đạt được điều mình muốn, dẫn đến những đứa trẻ không có nguyên tắc sống, tùy hứng, tùy tiện theo bản năng.
Không chỉ vậy, sự đối lập trong cách nuôi dạy giữa cha và mẹ cũng có thể dẫn đến những nhầm lẫn trong tâm lý trẻ nhỏ. Khi các nguyên tắc và kỷ luật của cha mẹ không nhất quán, trẻ sẽ khó biết phải tuân theo quy tắc nào, dẫn đến hành vi bất ổn hoặc phản kháng. Sự nhận thức của một đứa trẻ cần môi trường lành mạnh để các con cảm thấy an toàn và phát triển. Vì thế, nếu cha mẹ không thống nhất được quy tắc trong gia đình, con trẻ dễ cảm thấy mơ hồ và lo âu khi đối diện với cha mẹ. Vậy cha mẹ cần làm gì?
Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm Nhàn, quá trình nuôi dạy con thực sự không dễ dàng và không thể không tránh khỏi việc phát sinh mâu thuẫn. Để giải quyết vấn đề này, cha và mẹ cần hiểu rõ tính cách và mong muốn của cả hai bên để đi đến một phương pháp giáo dục con duy nhất:
“Các bậc cha mẹ cần cùng nhau ngồi xuống, bày tỏ nguyện vọng của nhau, trò chuyện và đối thoại cùng nhau để đi đến một phương pháp chung. Chỉ có như thế, con mới có phát triển tốt theo một cách giáo dục đã thống nhất từ cha và mẹ.” – Thạc sĩ Tâm Nhàn chia sẻ.
Những khóa học làm cha mẹ là giải pháp hiệu quả?
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, các bậc cha mẹ có thể dễ dàng tiếp cận hàng loạt các khóa học dạy làm cha mẹ trực tuyến. Chúng được thiết kế bởi các chuyên gia với nội dung phong phú, từ bài giảng video, tài liệu đọc, đến các bài tập thực hành. Vì thế, nhiều bậc cha mẹ tin rằng việc tham gia các khóa học này có thể giúp họ trở thành những người cha mẹ tốt. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào các khóa học mà không có sự trải nghiệm thực tế hay luyện tập vẫn dẫn đến những hạn chế trong việc nuôi dạy con.
Đề cập đến vấn đề này, Thạc sĩ Tâm Nhàn cho biết những khóa học giúp chúng ta có thêm kiến thức, thông tin và nhiều phương pháp nuôi dạy con hữu ích. Chúng đóng vai trò như một buổi học lý thuyết. Tuy nhiên, sau khi học, cha mẹ phải là người tự thực hành, tự phát huy vai trò của mình dựa trên những kiến thức đó:
“Nếu chỉ là học để biết, để “cưỡi ngựa xem hoa” thì các khóa học thực chất không thực sự có hiệu quả. Yếu tố tiên quyết là phụ huynh phải có sự trải nghiệm và thực hành từ thực tế để áp dụng chúng vào quá trình nuôi dạy con.” Thạc sĩ Tâm Nhàn chia sẻ.
Đây chính là khi cha mẹ cần biết tự vấn bản thân, nhìn nhận ra những ưu và khuyết điểm của mình để biết cách điều chỉnh sao cho phù hợp. Đặc biệt, cha mẹ cần hiểu rằng mỗi đứa trẻ đều có tính cách, sở thích và nhu cầu khác nhau. Không có một khóa học, công thức nuôi dạy quy chuẩn nào áp dụng được cho tất cả những đứa trẻ.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần biết cách thể hiện tình yêu thương phù hợp để tình yêu thương đó không trở thành những đòi hỏi vô lý cũng như những áp lực cho con. Chúng ta luôn tin rằng cha mẹ nào cũng yêu thương con, nhưng điều quan trọng cha mẹ phải tự hỏi con đã cảm nhận được sự yêu thương của mà mình trao gửi như thế nào.
Đa số cha mẹ đều có cái tôi cao và rất giỏi trong việc “giả vờ” trước con cái. Điển hình có những việc cha mẹ không đồng thuận với con nhưng vẫn cố tỏ ra đồng ý, kèm theo những biểu cảm không hài lòng. Việc không thành thật trong vai trò làm cha mẹ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Ở giai đoạn chưa đủ nhận thức, trẻ sẽ không phân biệt được đúng sai hay hiểu được mong muốn của cha mẹ là gì. Khi quá trình này xảy ra thường xuyên, trẻ dễ mơ hồ, lúng túng và gặp khó khăn trong việc đưa ra những quyết định cho những vấn đề trong cuộc sống.
“Cha mẹ thường có xu hướng nói một đằng làm một nẻo, nói khác nhưng trong lòng nghĩ khác và trông đợi con phải đọc được suy nghĩ của mình. Cha mẹ nên học cách thay đổi và học cách thể hiện cảm xúc thật của mình thay vì bắt con tự hiểu” Thạc sĩ tâm lý Tâm Nhàn nhấn mạnh.
Nuôi dạy con là một quá trình phức tạp và đầy thử thách, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tình yêu thương và cả sự hiểu biết. Sẽ là một điều may mắn khi cha mẹ hội tụ tất cả những yếu tố này. Đừng quá trông đợi vào các khóa học dạy làm cha mẹ nếu chỉ dựa vào lý thuyết mà không có sự trải nghiệm và luyện tập những gì đã học. Cha mẹ cần phải không ngừng học tập và trau dồi bản thân để trở thành những người nuôi dạy con tốt, giúp con hạnh phúc và phát triển toàn diện.
Xem thêm: Cha mẹ tỉnh thức là gì?