Kỹ năng giải quyết vấn đề là một chìa khóa quan trọng mở ra cánh cửa của sự độc lập và thành công cho trẻ.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về tầm quan trọng của kỹ năng giải quyết vấn đề và cách để tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện kỹ năng này một cách hiệu quả.

 

Kỹ năng giải quyết vấn đề

Kỹ năng giải quyết vấn đề là gì?

Kỹ năng giải quyết vấn đề (problem-solving skill) là khả năng phân tích một tình huống hoặc vấn đề phức tạp, từ đó tìm ra giải pháp thích hợp và hiệu quả cho vấn đề đó. Người có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt thường có thể xác định vấn đề, tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ, và từ đó đưa ra các phương án khả thi.

Trong giáo dục, kỹ năng này không chỉ là quá trình tìm kiếm câu trả lời cho các bài tập, câu hỏi mà còn bao gồm khả năng đánh giá các quyết định và hành động cụ thể để đạt được kết quả mong muốn. Điều này không chỉ giúp trẻ tìm ra giải pháp hiệu quả cho những thách thức hàng ngày mà còn hỗ trợ trong việc phát triển một loạt kỹ năng khác như sự sáng tạo, tư duy phản biện và quản lý thời gian.

Tìm hiểu kỹ năng giải quyết vấn đề là gì
Kỹ năng giải quyết vấn đề là gì?

Vì sao kỹ năng giải quyết vấn đề quan trọng với trẻ?

Các chương trình giáo dục hiện nay rất chú trọng vào đào tạo trẻ những kỹ năng mềm, trong đó, kỹ năng giải quyết vấn đề là một trong những “skill” được ưu tiên hàng đầu bởi những lợi ích sau:

  • Phát triển tư duy phản biện: Tư duy phản biện thường liên quan đến việc đặt ra các câu hỏi như “Tại sao?”, “Làm thế nào?”, và “Điều gì nếu…?” để hiểu rõ vấn đề và tìm kiếm giải pháp khả thi. Nếu trẻ nhận thức tốt về cách xử lý, nó sẽ giúp tư duy phản biện phát triển nhờ khả năng đánh giá và phân tích thông tin đa chiều. Điều này làm nền tảng cho sự đánh giá thông tin và đưa ra quyết định tự chủ ở trẻ.
  • Tăng cường sự sáng tạo: Khi trẻ học cách giải quyết vấn đề, các ý tưởng độc đáo không ngừng được đưa ra. Chúng giúp khả năng sáng tạo của trẻ cũng phát triển vượt bậc thông qua sự tò mò và khám phá các kiến thức mới. Trẻ có thể học cách sử dụng trí tưởng tượng để tạo ra những ý tưởng độc đáo.
    Quản lý thời gian hiệu quả: Kỹ năng giải quyết vấn đề giúp trẻ học cách đối mặt với cảm xúc tiêu cực và áp lực một cách tích cực. Khả năng xác định nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và tìm ra phương án giải quyết có thể giúp giảm căng thẳng, từ đó thúc đẩy hiệu suất làm việc và trẻ có thể quản lý thời gian tốt hơn.
  • Xây dựng sự tự tin: Việc giải quyết vấn đề thành công giúp xây dựng sự tự tin của trẻ. Khi trẻ nhận thức đúng khả năng của mình trước các tình huống cần được xử lý, các em sẽ có niềm tin vào bản thân, dám đưa ra quyết định và dám nắm bắt cơ hội để thành công.
Rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề giúp trẻ tự tin, phát triển giao tiếp, tư duy
Vì sao kỹ năng giải quyết vấn đề quan trọng với trẻ?
  • Phát triển khả năng giao tiếp: Để giải quyết vấn đề, trẻ thường phải tham gia vào quá trình giao tiếp và làm việc nhóm. Khi được nói lên ý kiến, các em vừa có thể rèn luyện khả năng trình bày và lắng nghe, vừa cảm thấy chia sẻ của bản thân có giá trị. Giao tiếp thường xuyên còn giúp trẻ phát triển năng lực thương lượng và học cách điều hòa cảm xúc tốt, tôn trọng mọi người và gia tăng sự tự tin.

Xây dựng và phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề cho con trẻ?

Việc xây dựng khả năng giải quyết vấn đề cho trẻ là một quá trình cần thời gian và sự hỗ trợ từ nhà trường lẫn gia đình. Dưới đây là một số cách giúp con trau dồi kỹ năng này tốt và toàn diện hơn:

  • Chú trọng chương trình học mang tính thực hành và sáng tạo

Chương trình học là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ. Một chương trình mang tính thực hành cao với sự ứng dụng kiến thức đã học vào cuộc sống sẽ giúp con có nhiều cơ hội phát huy tối đa kỹ năng này.

Bên cạnh đó, việc sử dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy cũng như các phương pháp giáo dục tiên tiến như STEM hay STEAM sẽ giúp trẻ liên kết được kiến thức các môn học với nhau, hỗ trợ việc phát triển tư duy logic và tư duy phản biện – hai tư duy rất cần thiết trong quá trình giải quyết vấn đề.

  • Khuyến khích con không ngừng khám phá

Trẻ trong độ tuổi đến trường luôn có hàng vạn câu hỏi vì sao nhằm hiểu biết thêm nhiều điều mới. Để thúc đẩy quá trình đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời này, các bậc phụ huynh có thể đi cùng con nhiều hơn, lựa chọn các điểm đến giúp con giải đáp những thắc mắc vốn có như viện bảo tàng, trung tâm nghệ thuật, triển lãm khoa học hay các địa điểm văn hóa nổi tiếng.

Ngoài ra, thay vì dành nhiều thời gian cho việc giải trí, hãy khuyến khích con đọc nhiều sách và áp dụng kiến thức đã đọc vào việc giải quyết vấn đề. Điều này sẽ giúp con rèn luyện thói quen sống lành mạnh, tự lập và có được lượng kiến thức quý giá giúp hỗ trợ cho việc phát triển những kỹ năng khác về sau.

Gia đình là yếu tố quan trọng giúp trẻ xây dựng và phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề
Xây dựng và phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề cho con trẻ?
  • Thúc đẩy hoạt động làm việc nhóm

Phụ huynh cần cho con tham gia vào nhiều hoạt động nhóm như trò chơi tư duy đồng đội, dự án khoa học nhóm nhằm giúp trẻ học cách tương tác, thảo luận, chia sẻ ý tưởng, và giải quyết vấn đề cùng nhau. Ngoài ra, hãy phân công rõ ràng vai trò của từng thành viên trong nhóm để trẻ nhận thức được trách nhiệm của bản thân và chủ động làm việc để mang đến kết quả tốt nhất.

  • Cho phép con được sai

Hãy giáo dục trẻ rằng thất bại không phải là điều đáng sợ mà là một cơ hội học hỏi. Trẻ có thể rút ra những kinh nghiệm quan trọng từ những thất bại của mình. Khi con chưa làm được, hãy hướng dẫn cho con biết cách đặt câu hỏi để tìm phương án xử lý như “Làm thế nào để khắc phục lỗi này?” hoặc “Có cách nào khác để giải quyết vấn đề này ngoài những cách thông dụng không?”.

  • Dạy con ứng dụng tư duy ngược

Tư duy ngược (Reverse Thinking) là một phương pháp tư duy mà người học sử dụng để giải quyết vấn đề hoặc đưa ra quyết định bằng cách nghĩ ngược hay đối lập lại so với phương pháp truyền thống. Đây là một trong những cách mới được áp dụng trong giáo dục hiện đại, giúp trẻ có cái nhìn linh hoạt, đa chiều trong mọi vấn đề.

Một tình huống cụ thể, trẻ chưa hoàn thành được mục tiêu được điểm A trong bài kiểm tra học kỳ. Nếu ở phương pháp truyền thống, trẻ sẽ cố gắng học và ghi nhớ các kiến thức để được điểm cao thì ở tư duy ngược, trẻ sẽ nghĩ mình đã hoàn thành mục tiêu điểm A, từ đó xác định phương án cần để đạt được mong muốn đó.

Tóm lại, kỹ năng giải quyết vấn đề có thể giúp trẻ tự tin đối mặt với thách thức trong cuộc sống. Việc khuyến khích sự sáng tạo, tư duy phản biện từ sớm sẽ là một phần quan trọng giúp kỹ năng này được hình thành, giúp các em trở thành những người học chủ động với năng lực tự học suốt đời.

Đây sẽ là chìa khóa quan trọng để trẻ thành công trong tương lai.