Blog

Phụ huynh của Gen Z lo ngại điều gì?

Chuỗi tọa đàm the SACE Journey

Tại số đầu tiên của chuỗi The SACE Journey ngày 22/3, chuyên gia sẽ khắc họa nhóm phụ huynh của Gen Z, những trăn trở của họ khi định hướng nghề nghiệp cho con.

Chuỗi tọa đàm “The SACE Journey – Mở khóa Gen Z” do VnExpress phối hợp với Trường Scotch AGS Scotch AGS thực hiện, bắt đầu từ 22/3 trên VnExpress và fanpage. Người dẫn chương trình xuyên suốt chuỗi tọa đàm là Tiến sĩ Nguyễn Trần Phi Yến, giảng viên Đại học RMIT, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn công nghệ Beowulf Blockchain.

Số đầu tiên của tọa đàm với chủ đề “Nhận diện phụ huynh của Gen Z” có sự tham gia của Tiến sĩ Đào Minh Hồng, Phó trưởng khoa Quan hệ Quốc tế Đại học Kinh tế Tài chính (UEF).

Số phát sóng đầu tiên – The SACE Journey – Mở khóa Gen Z: Nhận diện phụ huynh của Gen Z

Tạp chí The Economist dẫn lại Khảo sát của Quỹ giáo dục Varkey Foundation có trụ sở tại London thực hiện tháng 12/2017 tại 29 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ghi nhận phụ huynh ở các nước đang phát triển dành nhiều thời gian giúp con cái học hành hơn cha mẹ ở các nước phát triển.

Tại Việt Nam, phụ huynh dành trung bình 10 giờ mỗi tuần để giúp con cái làm bài tập hoặc đọc sách cho con nghe, xếp hạng 2/29 quốc gia khảo sát, chỉ đứng sau Ấn Độ. Thực tế đó tương phản hoàn toàn với cha mẹ các nước như Phần Lan và Nhật Bản. Họ chỉ dành ra trung bình ba giờ mỗi tuần giúp con học. Chỉ 5% người Phần Lan giúp con làm bài tập ít nhất 7 giờ mỗi tuần, trong khi đến 31% không làm gì hết.

Khảo sát trên cho thấy, cha mẹ Việt Nam đóng vai trò lớn trong hầu hết công việc của con cái, từ học hành, công việc đến hôn nhân, bạn bè, nuôi dạy con… Về vấn đề này, diễn giả của tọa đàm – Tiến sĩ Đào Minh Hồng sẽ đưa ra những số liệu nghiên cứu cụ thể cũng như quan điểm của bà về phụ huynh Việt Nam, nhất là phụ huynh của Gen Z – những ông bố bà mẹ thế hệ 7x, 8x.

Ở phần hai của tọa đàm “Những trăn trở hoang mang của phụ huynh có con ở độ tuổi Gen”, diễn giả sẽ chia sẻ về nguyên nhân hình thành bức tường vô hình giữa các thế hệ – khiến cha mẹ và con cái khó tìm thấy tiếng nói chung.

Trong bối cảnh mới đòi hỏi phương pháp mới, vì thế quan hệ nhà trường – gia đình bây giờ cũng khác trước rất nhiều. Dưới góc độ là người làm giáo dục, Tiến sĩ Hồng sẽ đưa ra đánh giá về sự phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường trong việc giáo dục các con. Hai bên nên có sự trao đổi, phối hợp như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất cho các con?

Là diễn giả nổi tiếng, đồng thời cũng là phụ huynh của hai người con đề thuộc thế hệ Gen Z và một người con thế hệ khác, Tiến sĩ Hồng cũng bật mí thêm câu chuyện giữa bà và các con, cũng như những kinh nghiệm cá nhân trong việc nuôi dạy con trẻ.

Phần cuối của tọa đàm là giải pháp, lời khuyên dành cho phụ huynh nên quan tâm con thế nào là đủ. Ở phần này, Tiến sĩ Hồng sẽ chỉ ra đâu sẽ là cách quan tâm đúng mực để phụ huynh không tạo áp lực mà còn khơi dậy động lực cho sự độc lập, tự tin phát triển của các con. Bên cạnh đó là định hướng nghề nghiệp cho con nên bắt đầu thời điểm nào là tốt nhất.

Nguồn: VNExpress

Chia sẻ