Blog

Workshop Cha mẹ tỉnh thức: Làm cách nào để giải tỏa stress?

“Stress không thể giết chết chúng ta nhưng cách chúng ta đối diện với stress thì có thể”.

Đây là chia sẻ của Thạc sĩ Trần Thị Mỹ Yến về vấn đề nan giải của nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con trong Chương trình Workshop Đặc Biệt “Cha mẹ tỉnh thức” dành cho cộng đồng phụ huynh trường Nam Úc Scotch AGS.

Vai trò làm cha mẹ là một hành trình tuyệt vời nhưng cũng không ít áp lực. Việc cân bằng giữa công việc, gia đình và các mối quan hệ xã hội khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi.

Vậy làm thế nào để cha mẹ có thể giải tỏa stress hiệu quả, lấy lại năng lượng và tận hưởng cuộc sống?

Quay trở về với tỉnh thức

Khi quay trở về với tỉnh thức nghĩa là chúng ta có thể nhận thức được những gì đang diễn ra bên ngoài và bên trong mình, nhận thức được chúng ta đang stress một cách hợp lý hay vô cớ.

Thạc sĩ tâm lý chia sẻ trong workshop cha mẹ tỉnh thức
Hiểu được bản thân mình stress “vô cớ” hay “hợp lý” sẽ giúp các quý phụ huynh tìm ra giải pháp giải tỏa stress hiệu quả. 

Ngay khi chúng ta cảm thấy lo sợ hoặc suy nghĩ quá mức thì chỉ cần ngồi xuống và lắng nghe bên trong mình để xem điều gì đang diễn ra; biểu hiện ở thân, tâm, trí ra làm sao; có những suy nghĩ gì đang bật ra và thôi thúc mình hành động. Đó chính là quá trình thực hiện tỉnh thức.

Tuy nhiên, đừng bao giờ áp đặt bản thân mình phải bình an, phải hạnh phúc, phải tỉnh thức vì như thế là đang tự gây ra stress cho chính mình. Chúng ta nên để mọi chuyện diễn ra một cách tự nhiên và bình tâm quan sát chúng. Nghĩa là khi bình an thì biết bình an, khi bất an thì biết bất an và những nguyên nhân gây ra điều đó là gì.

Khi tập được cách tỉnh thức, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điều gì thật sự quan trọng với mình. Khi gặp biến cố có thái độ cởi mở, nhẹ nhàng để đón nhận mọi việc sẽ giúp ta thuận lợi vượt qua.

Đối diện với tình huống

Nếu tình trạng stress ở các bậc cha mẹ có dấu hiệu nặng hơn, mãn tính thì quay trở về với tỉnh thức thôi là chưa đủ. Khi đó, chúng ta cần ngồi lại và nhìn nhận những sự việc mà mình không kiểm soát được và cách diễn giải của bản thân về nó. Quan trọng hơn hết, chúng ta cần phải biết điều chỉnh lại mình để biết cái gì đang làm cho mình căng thẳng và cần đối diện với nó ra sao để đưa ra những quyết định sáng suốt nhất.

Đôi khi có những căng thẳng nhỏ được “kích hoạt” thì cần phải được điều chỉnh ngay, tránh tình trạng để lâu ngày dẫn đến stress mãn tính.

Các trò chơi vui nhộn được quý phụ huynh nhiệt liệt hưởng ứng tại Workshop Cha mẹ tỉnh thức.
Phụ huynh trong phần trò chơi được dẫn dắt bởi Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Mỹ Yến.

Chăm sóc bản thân

Trong cuộc sống bận rộn, việc chăm sóc bản thân thường bị bỏ qua, đặc biệt là đối với các bậc cha mẹ. Chăm sóc bản thân không chỉ giúp duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần, mà còn tăng cường năng lượng và tinh thần để chăm sóc gia đình tốt hơn.

Một số cách chăm sóc bản thân hiệu quả bao gồm tập thể dục đều đặn, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, thực hành thiền và hơi thở, dành thời gian cho những sở thích cá nhân, xây dựng mối quan hệ tích cực và học cách từ chối những yêu cầu không cần thiết.

Khi chăm sóc tốt cho bản thân, chúng ta sẽ cảm thấy khỏe mạnh, hạnh phúc hơn và có thể chăm sóc gia đình một cách tốt nhất. Hãy nhớ rằng, bản thân chúng ta xứng đáng được yêu thương và chăm sóc.

Làm thế nào khi phải đối diện với điều không thể kiểm soát?

Khi cuộc sống đặt ra những thử thách nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, cảm giác bất lực và căng thẳng là điều khó tránh khỏi.

Bước đầu tiên để đối phó với những điều không như ý là chấp nhận thực tế. Thừa nhận rằng có những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát và cho phép bản thân tập trung vào những gì có thể thay đổi. Việc chấp nhận không có nghĩa là đầu hàng, mà là chúng ta nhận thức được giới hạn của mình và tìm cách làm việc với những gì mình có.

Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Mỹ Yến đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh.
Thích nghi và chấp nhận bản thân đang gặp stress chính là phương án đầu tiên giúp mở đường cho các cách giải quyết stress hiệu quả.

Bước tiếp theo là thích nghi với tình huống. Đừng nên cố chấp để thay đổi người khác mà chúng ta hãy ưu tiên việc điều chỉnh lại bản thân cho phù hợp với môi trường, điều kiện xung quanh. Theo nghiên cứu cho thấy những người muốn thay đổi người khác là người dễ bị bệnh tâm lý nhất.

Cuối cùng, tránh né là chiến lược sau cùng khi chúng ta hoàn toàn bế tắc và biết rằng bản thân mình hoàn toàn đúng nhưng không thể thay đổi được gì. Đây cũng là giải pháp từ bi với bản thân khi ở trong môi trường độc hại.

Việc giải tỏa stress là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải luôn yêu thương và chăm sóc bản thân để có thể là một người cha, người mẹ tốt nhất.

Chia sẻ