Khi con vào sắp vào (Lớp 1) bậc Tiểu học, hành trình của gia đình dường như sang trang mới. Không còn những buổi sáng thong thả như những ngày còn mầm non, không còn những giờ ăn ngủ như hồi mầm chồi lá. Lớp 1 – hai từ tưởng chừng giản đơn nhưng lại khiến phụ huynh mang theo nhiều trăn trở: Con đã thực sự sẵn sàng? Liệu con sẽ thích nghi với môi trường mới? Cha mẹ nên chuẩn bị gì để đồng hành cùng con?

Ảnh đại diện bài recap webinar giáo dục 1

Những băn khoăn ấy đã được giải đáp bởi các chuyên gia trong webinar giáo dục “Tiểu học – Bước đi nhỏ cho hành trình lớn“, do trường Nam Úc Scotch AGS tổ chức. Không chỉ là một buổi tọa đàm, đây là nơi các bậc phụ huynh cùng lắng nghe, chia sẻ, và tìm thấy những định hướng quan trọng để giúp con bước vào một giai đoạn mới đầy thử thách nhưng cũng vô cùng ý nghĩa.

Khách mời tham dự

  • Host, Tiến sĩ Phạm Hồng Hoa: Phó Hiệu trưởng chuyên môn, Thành viên Hội đồng Học thuật trường Nam Úc Scotch AGS
  • Anh Trần Hùng Thiện: Founder & CEO GCOMM Global, Tác giả sách “Đừng từ bỏ quá sớm” và “Manager cực phẩm”

Giáo dục tiểu học – Bước đi nhỏ cho hành trình lớn

Chia sẻ cảm nhận về giáo dục Tiểu học, anh Trần Hùng Thiện, Founder & CEO GCOMM Global cho biết đây chính là giai đoạn quan trọng nhất trong suốt hành trình học vấn của con. Bởi khi vào lớp 1, con sẽ bắt đầu học đọc, học viết, học giao tiếp, học cách hình thành thói quen, tư duy, và đặc biệt là tình yêu với việc học, từ đó xây dựng năng lực học tập suốt đời.

Là Phó Hiệu trưởng chuyên môn, thành viên Hội đồng Học thuật Nam Úc Scotch AGS, TS. Phạm Hồng Hoa cũng bày tỏ sự đồng tình với CEO GCOMM, đồng thời cũng có những chia sẻ chân tình về vai trò của cha mẹ trong quá trình con học tập. Học không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, mà cần sự đồng hành từ cha mẹ.

Khi cha mẹ hiểu con, tôn trọng con và tạo điều kiện để con phát triển theo cách tự nhiên nhất, việc học sẽ trở thành một hành trình truyền động lực và cảm hứng, giúp con tìm thấy sự yêu thích học tập của chính mình.

Giáo dục tiểu học giữa Việt Nam – Úc và những nét tương đồng

Một điểm thú vị trong buổi tọa đàm chính là bàn luận về sự giống nhau và khác nhau giữa giáo dục tiểu học tại Việt Nam và Úc. Là những người đã được tiếp xúc với cả hai nền giáo dục, CEO Trần Hùng Thiện và TS. Phạm Hồng Hoa đã có những nhận định tương đồng.

Dù ở Việt Nam hay Úc, phụ huynh vẫn có rất nhiều lựa chọn về hệ thống giáo dục như: công lập, tư thục, quốc tế, song ngữ, homeschooling. Song song đó, phụ huynh cũng cần hiểu rõ triết lý giáo dục của từng mô hình để có lựa chọn phù hợp nhất cho con.

Giáo dục tiểu học ở Úc không đặt nặng điểm số và cường độ học tập. Trẻ được khuyến khích khám phá, phát triển tư duy logic và kỹ năng mềm nhiều hơn là áp lực thi cử. Ngược lại, tại Việt Nam, sự nỗ lực đã bắt đầu từ những năm học đầu tiên, ngay cả ở bậc tiểu học. Dù là ở môi trường giáo dục nào cũng sẽ mang lại cho trẻ những lợi thế nhất định. Một trong số đó chính là sự kiên trì và bền bỉ.

Tuy khác nhau về quốc gia, phương pháp giáo dục, nhưng điểm chung của tất cả các giáo viên chính là sự tận tâm với nghề và yêu thương học sinh hết mực. Nếu như ở Úc, giáo viên khuyến khích học sinh bằng những hành động cụ thể như khen ngợi, động viên thì ở Việt Nam, các thầy cô thể hiện sự quan tâm qua việc dạy dỗ tỉ mỉ, sát sao và luôn mong muốn học sinh đạt kết quả tốt nhất.

Quan điểm nuôi dạy con của CEO Trần Hùng Thiện: 3 nguyên tắc cần phải nhớ

Không bàn về lý thuyết giáo dục xa vời, anh Trần Hùng Thiện chia sẻ những quan điểm rất thực tế về cách nuôi dạy con. Những điều anh nói không chỉ đến từ trải nghiệm làm cha, mà còn từ góc nhìn của một người đã dành nhiều năm nghiên cứu về tâm lý và hành vi con trẻ.

  • Nói ít, làm nhiều

Trẻ học từ hành động của cha mẹ nhiều hơn là lời nói. Thay vì liên tục nhắc nhở con “phải đọc sách đi”, “phải ngồi học bài”, cha mẹ hãy là là tấm gương trước con trẻ. Khi con thấy cha mẹ yêu thích đọc sách, kiên trì theo đuổi việc học tập, con sẽ hình thành thói quen và niềm yêu thích học hỏi. 

Trẻ con không chỉ nghe những gì cha mẹ nói, mà quan trọng hơn, chúng quan sát cách cha mẹ sống mỗi ngày. Một ngôi nhà đầy sách vở, những cuộc trò chuyện hứng khởi về tri thức, một tinh thần học hỏi không ngừng – đó chính là môi trường nuôi dưỡng tốt nhất, hơn mọi lời nhắc nhở sáo rỗng.

  • Cho đi mà không kỳ vọng nhận lại

Nuôi dạy con là trách nhiệm của cha mẹ, không phải một khoản đầu tư để mong chờ lợi nhuận. Thế nhưng, rất nhiều bậc phụ huynh vô tình đặt lên con quá nhiều kỳ vọng, mong con phải học giỏi, đạt thành tích xuất sắc để chứng minh công sức nuôi dạy của mình là xứng đáng. Áp lực đó không phải lúc nào cũng giúp con phát triển mà đôi khi lại trở thành gánh nặng, khiến con đánh mất niềm vui trong học tập và cuộc sống.

Mỗi đứa trẻ có thế mạnh và con đường riêng, điều cha mẹ có thể làm là đồng hành, động viên, trao cho con một môi trường lành mạnh để con phát triển theo đúng với sở trường bản thân mình, thay vì biến tuổi thơ của con thành một cuộc đua không hồi kết.

  • Trao cho con những điều mình từng hạnh phúc

Nếu cha mẹ từng có những ký ức đẹp đẽ trong hành trình trưởng thành, một tuổi thơ tràn đầy tiếng cười, những buổi chiều rong chơi cùng bạn bè, hay đơn giản là cảm giác ấm áp khi được cha mẹ lắng nghe, hãy cố gắng duy trì những điều đó cho con. Hãy làm điều đó một cách đúng đắn, không phải bằng vật chất, mà bằng những giá trị tinh thần.

Nếu ngày xưa cha mẹ từng khao khát được tự do khám phá, từng ước ao có khoảng trời riêng để lớn lên theo cách của mình, vậy thì hãy cho con cơ hội trải nghiệm điều đó, thay vì đặt con vào những khuôn khổ chật hẹp của kỳ vọng. Điều cha mẹ có thể trao cho con không phải là một con đường định sẵn, mà là một tuổi thơ đáng nhớ, nơi con được là chính mình.

Cha mẹ đồng hành cùng con như thế nào là đúng?

Một trong những chủ đề được quan tâm nhiều nhất trong buổi tọa đàm chính là vai trò của cha mẹ trong việc chuẩn bị cho con vào lớp 1. Tuy nhiên “đồng hành” không có nghĩa là làm thay, kiểm soát hay áp đặt.

TS. Phạm Hồng Hoa đã đưa ra một số lời khuyên thực tiễn dành cho các bậc phụ huynh:

  • Hãy để con tự lập ngay từ những điều nhỏ nhất. Con có thể tự mang cặp sách, tự dọn dẹp bàn học, tự chịu trách nhiệm với những gì mình làm. Bên cạnh đó, hãy khuyến khích con đặt câu hỏi, vì một đứa trẻ tò mò là một đứa trẻ đang học hỏi. 
  • Kiểm soát sự kỳ vọng của mình. Cha mẹ “có quyền” kỳ vọng, nhưng sự mong đợi ấy phải có cơ sở và có chừng mực, tránh gieo áp lực lên con lẫn giáo viên đang hướng dẫn cho con. Hãy để con phát triển tự nhiên theo thế mạnh riêng. Khi con cảm thấy được tôn trọng và khuyến khích, con sẽ có động lực học tập tốt hơn.
  • Chú trọng vào giáo dục nhân cách cho con từ những năm đầu tiên. Quan trọng hơn hết, chính cha mẹ phải là người làm gương, bởi nhân cách của trẻ không thể hình thành chỉ qua lời dạy bảo suông, mà phải được nuôi dưỡng từ những hành động của cha mẹ mỗi ngày.

Sau cùng, CEO GCOMM Trần Hùng Thiện nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh: Nếu muốn duy trì được sự kết nối với con, hãy luôn chủ động dành thời gian cho con và hãy luôn học hỏi, cập nhật kiến thức để mình trở nên thú vị trong mắt con.

“Một đứa trẻ chỉ rời xa màn hình điện tử khi thế giới bên ngoài đủ hấp dẫn. Nếu cha mẹ dành thời gian cùng con đọc sách, chơi thể thao, khám phá thiên nhiên hay đơn giản là cùng trò chuyện mỗi ngày, con sẽ có nhiều lựa chọn hơn ngoài việc cầm điện thoại hay iPad. Sự gắn kết với con cái không đến từ những quy tắc cứng nhắc, mà từ sự hiện diện thật sự của cha mẹ trong thế giới của con” – Anh Thiện chia sẻ.