Blog

Đầu tư giáo dục cho con thế nào là hợp lý?

Đầu tư giáo dục cho con thế nào là phù hợp?

Theo chuyên gia, mức đầu tư giáo dục vượt quá khả năng chi trả sẽ gây áp lực cho chính phụ huynh lẫn con trẻ.

The SACE Journey – Mở khoá Gen Z số 7, phát sóng trên VnExpress ngày 10/5 có chủ đề “Đầu tư giáo dục cho con – Động lực hay áp lực?”. Tại toạ đàm, hai diễn giả là Tiến sĩ Nguyễn Thu Hương – Tổng giám đốc Nam Huong Group và Tiến sĩ Phạm Anh Khôi – Giảng viên Đại học Western Sydney, CEO và Đồng sáng lập FINA đã chia sẻ những góc nhìn mới về cách đầu tư giáo dục.

Đầu tư giáo dục và cách chuẩn bị tài chính thông minh

Mở đầu toạ đàm, Tiến sĩ Thu Hương cho biết, bà có niềm đam mê về giáo dục và nuôi dạy con. Bàn về quan điểm ngày nay nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền bạc đầu tư cho con, mức phí vượt xa khả năng kinh tế của gia đình vì cho rằng cứ chi nhiều tiền con sẽ giỏi, CEO Nam Huong Group cho rằng, điều này chưa hoàn toàn chính xác.

Bà lấy ví dụ từ bản thân, thời đi học, bà đều học trường công, như THPT Phan Đình Phùng, hay ĐH Quốc gia. “Tôi không nghĩ đầu tư đắt tiền là tốt mà phải là đầu tư đúng. Đúng ở đây là hiểu đúng khả năng sở trường của con, con có điểm mạnh gì, xu hướng phát triển như thế nào và hãy cho con tham gia nhiều hoạt động cộng đồng để tự phát triển bản thân”, bà nói.

Theo nữ tiến sĩ đầu tư đúng khả năng của gia đình sẽ tốt hơn bởi sẽ giảm áp lực cho gia đình. Với những ai mong mỏi cho con học môi trường trường tốt mà điều kiện kinh tế chưa đáp ứng thì có thể tìm hiểu các gói đầu tư tài chính giáo dục.

Bà Hương cũng cho rằng, tài chính chỉ là một phần của quá trình hình thành nên một công dân tốt. Bà đề cao môi trường gia đình và xã hội. “Ở trường thầy cô dạy kiến thức chung như nhau, vì vậy sự khác biệt của con là kiến thức con có được từ sự truyền thụ của gia đình và môi trường xung quanh. Những điều này góp phần tạo ra chỉnh thể khác biệt của con so với những bạn học khác”, bà nói.

Đồng tình với Tiến sĩ Thu Hương, Tiến sĩ Anh Khôi cho rằng giáo dục quan trọng nhất là sự phù hợp về năng lực của con, về triết lý giáo dục của trường và kinh tế của gia đình…

Đầu tư giáo dục cho con thế nào là phù hợp?
Tiến sĩ Anh Khôi cho rằng đầu tư giáo dục quan trọng nhất là sự phù hợp về năng lực của con, về triết lý giáo dục của trường và kinh tế của gia đình.

Là giảng viên Đại học Western Sydney, đồng thời là chuyên gia về đầu tư tài chính, Tiến sĩ Anh Khôi đưa ra công thức nhằm giúp phụ huynh cân đối, đầu tư tài chính phù hợp, đó là nên tập thói quen dành 5-10% tổng tài chính của gia đình hàng tháng để tích luỹ và đầu tư cho con đi học. Điều này sẽ giúp giảm áp lực lên tài chính gia đình và giảm thiểu áp lực tâm lý với con trẻ.

“Tỷ lệ này có thể giữ nguyên hoặc tăng dần theo thời gian tới 30-40%, tuỳ mục đích của gia đình và nguồn thu nhập thì tùy thuộc tài chính, miễn sao không để ảnh hưởng tới mức sống của cả nhà”, ông chia sẻ kinh nghiệm.

Kỳ vọng sinh lời từ đầu tư giáo dục?

Thực tế giáo dục luôn là sự quan tâm đầu tư của mọi người, mọi gia đình và xã hội. Đã gọi là đầu tư, ắt muốn sinh lời. Vì vậy, không ít phụ huynh có suy nghĩ nếu chi mạnh tiền cho con học trường xịn, đi du học… thì sẽ nhận lại “lợi nhuận” lớn. Vậy “lợi nhuận” mà các bậc phụ huynh ngày nay vẫn kỳ vọng khi dốc nguồn lực tài chính để đầu tư cho con học tập là gì?

Dưới góc nhìn của một người mẹ, Tiến sĩ Thu Hương khẳng định bản thân không bao giờ nghĩ mình đầu tư cho con thì tương lai mình sẽ sinh lời thế nào và chưa bao giờ thử tính đầu tư như vậy con phải trả lại gì. Điều quan trọng nhất khi bà chi tiền cho con học, là để con có thể tự đứng trên đôi chân của mình phát triển sự nghiệp và khám phá cuộc sống, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Bàn sâu thêm về việc đầu tư tài chính cho con, Tiến sĩ Anh Khôi cho biết, mỗi gia đình có một định hướng khác nhau, không có cái nào đúng nhất, nhưng điều quan trọng phải lưu ý là không bao giờ bỏ hết trứng vào một giỏ, cho dù là chứng khoán, trái phiếu hay giáo dục.

“Có nhiều cha mẹ chỉ đầu tư vào giáo dục cho con mà không có sự bảo vệ – khoản tiền để dành lo những lúc bất trắc, hoặc chỉ đầu tư bất động sản mà bỏ qua con cái…”, ông nói thêm.

Đầu tư giáo dục phải đi kèm với sự đồng hành

Tại toạ đàm, các diễn giả cũng chia sẻ cách giúp con thấu hiểu và đồng hành cùng cha mẹ trong cuộc đầu tư cho giáo dục. Theo Tiến sĩ Thu Hương, đó chính là nghệ thuật truyền thông trong gia đình và kế hoạch tài chính của gia đình.

Đơn cử, thay vì né tránh, bà chọn cách chia sẻ về tài chính với con như những người bạn, cho các con biết được chi phí học tập ở trường quốc tế như thế nào, để các con có trách nhiệm trong việc học. Nữ tiến sĩ cũng có xu hướng để các con biết sớm về tài chính, tổng thu, chi của gia đình, làm sao đến ngưỡng cửa đại học con có khái niệm cơ bản về tài chính.

Trong khi đó Tiến sĩ Anh Khôi cho biết thêm, ở nước ngoài, việc dạy về tài chính trong trường học diễn ra rất sớm, thậm chí từ cấp một, hai, ba đã có các lớp học về kinh tế, tài chính. Ngoài vấn đề tài chính, ông nhắn nhủ phụ huynh cũng nên chú trọng niềm vui của con, như cho con học thể thao, đàn, hát, không nhất thiết mọi thứ trong cuộc sống đều xoay quanh tài chính.

Về việc chia sẻ tài chính với con cái, ông Khôi cho rằng phụ huynh cần biết tính cách của con để chia sẻ phù hợp. Một số bạn có thể chịu áp lực, sẽ thấy đó là động lực phát triển tốt hơn nhưng một số bạn lại thấy tự ti, không dám cố gắng nhiều hơn nữa vì sợ cha mẹ vất vả, tốn kém.

Nguồn: VNExpress

Chia sẻ