Blog

Trở thành bạn đồng hành cùng con

The SACE Journey 3: Trở thành bạn đồng hành cùng con .

Để trở thành bạn đồng hành cùng con, chuyên gia truyền thông Nguyễn Phạm Khánh Vân cho biết, hơn 20 năm làm mẹ bà chưa bao giờ chỉ trích con mà chọn cách ủng hộ, đồng hành.

Chuyên gia Khánh Vân là Thạc sĩ ngành Marketing tại ESCP Europe, Pháp. Bà là người truyền cảm hứng cho phụ nữ với trang cá nhân hơn 160.000 lượt theo dõi, chia sẻ những câu chuyện bình dị về gia đình, giới trẻ, cách dạy con không bạo lực… thu hút sự quan tâm từ cộng đồng. Bà có 3 con trai đều trong độ tuổi Gen Z (20 tuổi, 15 tuổi và 10 tuổi), con trai lớn hiện du học Canada. Với kinh nghiệm 20 năm “làm nghề” cha mẹ, bà có nhiều chia sẻ thiết thực tại tọa đàm The SACE Journey – Mở khóa Gen Z số 3, phát sóng trên VnExpress ngày 5/4.

Phần đầu tọa đàm “Con dạy tôi điều gì”, Khánh Vân cho biết, ba đứa con của bà là ba sắc thái khác biệt nên làm cha mẹ thật sự thú vị vì được trải nghiệm nhiều điều. Đặc biệt là khi ba bạn có độ tuổi cách xa nhau.

“Mới đây, con trai lớn nói với tôi ‘trong quá khứ mẹ dạy con như vậy có phù hợp không, nếu thấy chưa phù hợp, đừng áp dụng với các em’. Chia sẻ của con khiến tôi hiểu ra nhiều điều, và nhận thấy nghề làm cha mẹ cần không ngừng học hỏi để hoàn thiện mình hơn”, chuyên gia truyền thông cho biết.

Bà cũng chia sẻ quan điểm về sự trưởng thành của con. Trong mắt cha mẹ Việt gần như không con nào trưởng thành, kể cả khi lập gia đình, có con cháu, nên theo bà, sự trưởng thành tuỳ thuộc quan điểm của từng cha mẹ. “Khi ra nước ngoài sống, con thấy hồi nhỏ thiệt thòi vì mẹ lo cho con nhiều quá, bao bọc nhiều quá nên khi con ra đời lơ ngơ, không rành nhiều thứ”, bà kể những lời của con trai lớn đã khiến bà suy nghĩ nhiều.

Trước chia sẻ của con, bà Khánh Vân cho rằng, việc cha mẹ đón nhận thông tin đó thế nào rất quan trọng. Có phụ huynh nghe xong sẽ phản đối, nói trứng không thể khôn hơn vịt và cho rằng đó là sự nổi loạn của con, con không thấy công ơn của cha mẹ. Còn bà dành nhiều thời gian suy nghĩ, vì thấy con có thể nói lên điều đó có nghĩa con đã tự lập nhiều, đồng thời rút kinh nghiệm với hai con nhỏ. “Đó cũng là cách chúng ta học nghề, nên thực sự rất khó để định nghĩa trưởng thành”, bà nói.

Sau những tâm tư của nữ chuyên gia, tọa đàm bước vào phần hai với nội dung “Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ” – chủ để lấy cảm hứng từ tên cuốn sách “The Collapse of Parenting” do Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu dịch.

Sách viết về xã hội Mỹ đương đại, xoay quanh các luận điểm của tác giả về việc cha mẹ ở Mỹ ngày càng buông lỏng con cái, cho con quá nhiều quyền quyết định và không dám thiết lập kỷ luật với con. Hậu quả của việc này, theo những dẫn chứng từ nhiều nghiên cứu mà tác giả trình bày, trẻ em và thanh thiếu niên Mỹ gặp hàng loạt vấn đề như béo phì, yếu ớt về thể chất, có thái độ thiếu tôn trọng thầy cô. Xã hội dựa quá nhiều vào thuốc để giải quyết vấn đề về của trẻ.

Tác giả cuốn sách cũng đề xuất những giải pháp đơn giản. Đó là hãy dành thời gian cùng con; hãy thực sự vui khi ở cạnh con; bắt con làm việc nhà; dạy con sự khiêm tốn, rằng thế giới này không xoay quanh con; đừng sợ mình quá nghiêm khắc; để tạo nên một nhân cách tốt khó hơn nhiều việc buông xuôi và chiều theo những ý thức nhất thời…

Từ góc độ một người mẹ, Thạc sĩ Nguyễn Phạm Khánh Vân cho biết, hai từ đầu tiên bà nghĩ khi nhắc đến “sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ” là thất bại. Nghề làm cha mẹ không đơn giản là thiên chức mà sứ mệnh cả cuộc đời, “nhưng khi nói đến sự sụp đổ tôi nghĩ đến thất bại, không phải thất bại của riêng cha mẹ, mà của cả đứa con – con không lớn lên, không thành công, không hạnh phúc… nên ta gọi là thất bại, sụp đổ”, bà nhận định.

Với những thanh thiếu niên gặp các vấn đề tiêu cực, diễn giả cho rằng vai trò của phụ huynh là quan trọng, không nên đổ lỗi cho xã hội bởi điều này có thể xảy ra ở bất cứ xã hội nào.

“Sinh con ra, bố mẹ phải phải chịu trách nhiệm với con, chứ không phải nhà trường, pháp luật, hay họ hàng, xóm làng”, bà Khánh Vân nhấn mạnh. “Một đứa con thành công theo tôi không phải kiếm được nhiều tiền, sự nghiệp rạng rỡ, điểm cao, mà là đứa trẻ hạnh phúc, biết sống, yêu thương, mở lòng với mọi người, biết nghe điều hay ý đẹp của cha mẹ, biết tự tin có tư duy phản biện, sáng tạo”.

Bà cho rằng quan điểm dạy con hiện nay trong xã hội Việt Nam, những gì đang diễn ra ở nền giáo dục nước nhà đang làm cho trẻ con ngại thử thách, ngại cái mới. Vậy nên việc của bố mẹ là đồng hành và vượt lên trên cả những gì trường học đã làm cho con. Đó là nuôi dưỡng nhân cách của con, không nuôi ảo tưởng con sẽ trở thành người tài giỏi, xuất sắc nhất. Điều quan trọng hơn là để con tìm thấy niềm vui trong những việc con làm.

Nguồn: VNExpress

Chia sẻ