Phụ huynh và nhà trường tác động ra sao đến sự phát triển của trẻ

Ở các nước phát triển, trường học đóng vai trò quyết định đến sự thành bại và sự phát triển của trẻ, ngược lại với quốc gia đang phát triển phụ huynh thường để lại dấu ấn đậm nét.

Tiến sĩ Đào Minh Hồng – Phó trưởng khoa Quan hệ Quốc tế Đại học Kinh tế Tài chính (UEF) chia sẻ thông tin trên tại tọa đàm SACE Journey – Mở khóa Gen Z, tập 1, phát sóng ngày 22/3 trên VnExpress.

Thực tế có nhiều khảo sát, nghiên cứu trong giáo dục đã cố gắng tìm câu trả lời “trường học đóng vai trò như thế nào trong việc quyết định sự thành bại và sự phát triển của trẻ”. Tại Mỹ, vào những năm 2010 – thời điểm mô hình Homeschooling (giáo dục tại nhà) mang tính phổ biến, các chuyên gia đã tiến hành khảo sát nguyên nhân không lựa chọn học ở trường, đến tâm lý của trẻ khi không đến trường.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt về kết quả học tập, kỹ năng giao tiếp và khả năng hội nhập xã hội giữa những đứa trẻ học tại nhà với những đứa trẻ đến trường. Vai trò của nhà trường với sự trưởng thành của một đứa trẻ cũng có sự khác biệt giữa các quốc gia đang phát triển và các quốc gia phát triển.

Nền giáo dục hiện đại phương Tây đã có hành trình lịch sử từ thế kỷ 16, 17 với triết lý giáo dục mang tính nhân văn, sau đó là thế kỷ Ánh sáng (18) với nền giáo dục mang tính Khai sáng. Qua thế kỷ 19 là triết lý giáo dục Wilhelm Von Humboldt ” – sự kết hợp khoa học khách quan với giáo dục chủ quan, lấy khoa học và văn hóa làm nội dung giáo dục với đích nhắm là sự phát triển hài hòa của tất cả các năng khiếu trong đứa trẻ; rèn luyện khả năng của trẻ không chỉ trên một số ít những đề tài giáo dục mà ở tất cả các khía cạnh.

Sau tất cả những lần triết lý giáo dục được bổ sung, chuyển đổi theo thay đổi của cuộc sống sản xuất, kinh tế, chính trị, xã hội, nền giáo dục phương Tây đã chứng minh trường học đóng vai trò quyết định cho sự phát triển của một đứa trẻ. Và đó là khi luật Giáo dục bắt buộc (bắt buộc đi học ở trường cho mọi trẻ em) được ban hành mang tính phổ quát trên thế giới.

Ở trường học, trẻ được tự do bộc lộ bản thân mà không phải lo lắng, sợ sệt với ánh mắt quan tâm, quan sát của cha mẹ. Trẻ đồng thời nhận được sự khuyến khích lớn của thầy cô (những nhà sư phạm) với nguyên tắc giáo dục để trẻ tự phát triển một cách độc lập, tự điều chỉnh để tồn tại một cách vui vẻ trong không gian với những người không phải là ruột thịt. Như vậy, vai trò của cha mẹ mờ dần đi trong việc đứa trẻ tự học, tự khám phá và tự tồn tại trong môi trường trường học.

Nhưng ở các nước đang phát triển lại là bức tranh hoàn toàn khác. Tạp chí The Economist dẫn lại Khảo sát của Quỹ giáo dục Varkey Foundation có trụ sở tại London thực hiện tháng 12/2017 tại 29 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ghi nhận kết quả phụ huynh ở các nước đang phát triển dành nhiều thời gian giúp con cái học hành hơn cha mẹ ở các nước phát triển.

 

Phụ huynh và nhà trường đều có những tác động lớn đến sự phát triển của trẻ.

Phụ huynh Việt Nam dành trung bình 10 giờ mỗi tuần giúp con làm bài tập hoặc đọc sách cho chúng nghe, xếp hạng 2/29 quốc gia khảo sát, chỉ đứng sau Ấn Độ. Thực tế đó tương phản với cha mẹ các nước phát triển như Phần Lan và Nhật Bản. Họ chỉ dành trung bình 3 giờ mỗi tuần giúp con học. Chỉ 5% người Phần Lan giúp con làm bài tập ít nhất 7 giờ mỗi tuần, trong khi đến 31% không làm gì.

Tiến sĩ Đào Minh Hồng chia sẻ. “Điều đó làm đứa trẻ mất đi tính tự tập, tính độc lập trong hành trình trưởng thành; tính tự do khám phá để tìm được nguyên tắc tồn tại cho bản thân. Như vậy đứa trẻ lại phải chịu áp lực từ chính cha mẹ mình và điều đó làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ”.

Bà cũng đồng tình với quan điểm của Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh “Phụ huynh Việt đang là lực cản của giáo dục”.

“Phụ huynh có thể đọc rất nhiều và hiểu thông tin nhưng không có nghĩa họ là chuyên gia, là người thông thái với mọi vấn đề của giáo dục. Phụ huynh Việt thường chủ quan, cho mình biết tuốt về giáo dục và từ đó can thiệp quá sâu vào quá trình giáo dục một đứa trẻ”, Tiến sĩ nói.

Mặt khác, phụ huynh Việt luôn nhìn nhận nhà trường là nơi cung cấp dịch vụ giáo dục, chứ chưa thấy đây là môi trường quan trọng để con mình phát triển để trưởng thành. Một bộ phận không nhỏ phụ huynh còn cho rằng con mình đang phải học quá nhiều, quá nặng mà không biết học sinh Việt Nam đang học rất nhàn hạ so với các quốc gia khác trên thế giới.

Đặc biệt học sinh Việt gặp vấn đề rất lớn về kỹ năng học, kỹ năng tiếp nhận kiến thức để hình thành nên tri thức của cá nhân mình. Điển hình như học sinh Việt đọc quá ít – trong tất cả các môn học chỉ cần đọc duy nhất một cuốn sách giáo khoa là đã có thể qua môn, có thể tốt nghiệp.

“Nếu phụ huynh có khả năng tự tiếp nhận thông tin, tự nhận thức được thế giới bên ngoài thì hãy so sánh với chương trình học của các quốc gia tiên tiến để học cùng con, giúp trẻ có kỹ năng học và tự học. Những hành động đó mới là quan tâm con, chứ không phải phó thác hoàn toàn chuyện dạy con cho nhà trường, xong lại đổi lỗi cho nhà trường”, Tiến sĩ Hồng chia sẻ.

Cũng theo bà, làm phụ huynh ở thời này không dễ, nghề làm cha mẹ là nghề nghiệp của cả đời. Và không thể bỏ ngang, vậy nên phải tự học, tự đọc, tự tìm hiểu, tự nâng cấp chính bản thân mình mới có thể hoàn thành tốt vai trò đó.

Tiến sĩ dẫn chứng bản thân bà từng như nhiều phụ huynh 7x,8x, từng không có nhận thức và có kỹ năng làm mẹ trong hành trình trưởng thành cùng con. Bà cũng từng thừa tự tin và rất hiên ngang khi can thiệp vào việc học của con. Nhưng sau đó bà tự thấy kết quả không như mình mong muốn, và con ngày càng khó hiểu hơn.

“Như vậy là tôi đã sai, sai trong cả phương thức phối hợp với nhà trường. Khi tôi được khai sáng về cách thức đồng hành cùng con, khi xác định rõ con là bạn với mình trong cuộc sống ở nhà và ở trường… đó là khi áp lực làm mẹ của chính tôi không còn và áp lực của con cái trước ba mẹ cũng đã biến mất”, Tiến sĩ Hồng chia sẻ.

Xem thêm: Australia thu hút học sinh Việt hậu Covid 19

Nguồn: VNExpress