Theo TS. Nguyễn Thu Hương – Tổng giám đốc Nam Huong Group, trẻ trầm cảm một phần do thiếu tương tác giữa các thành viên trong gia đình.
TS. Nguyễn Thu Hương là một trong các diễn giả của tọa đàm The SACE Journey tập 7, phát sóng trên VnExpress ngày 10/5. Bà cho rằng, đầu tư giáo dục cho con là vấn đề cần “đúng” hơn “đắt”. Đôi khi, việc đầu tư quá khả năng của gia đình sẽ dẫn tới áp lực không cần thiết cho cả bố mẹ và con cái. Vô tình, trẻ sẽ cảm thấy bản thân phải có trách nhiệm học giỏi, đền đáp công ơn.
Do đó, phụ huynh cần hiểu rõ khả năng và đưa con đến môi trường phù hợp, đồng thời, cho trẻ thấy bố mẹ rất yêu con, con chỉ cần làm hết khả năng của mình và tự tin bản thân đang tốt nhất trong môi trường đó. Như vậy, con sẽ thành công.
Trẻ trầm cảm, nguyên nhân do đâu?
“Người ta hay nói bắt con cá trèo cây. Nếu con không đúng môi trường, bố mẹ đầu tư đắt bao nhiêu cũng chỉ tạo ra áp lực, nhiều hệ lụy. Đó là điều không nên”, bà nói thêm.
Để hiểu đúng khả năng sở trường, thiên hướng, mong muốn của con, cha mẹ cần chú trọng hoạt động truyền thông trong gia đình, tức là quá trình trao đổi thông tin hai chiều để tăng cường hiểu biết, thay đổi nhận thức. Đó có thể đơn thuần là những cuộc trò chuyện giữa bố mẹ và con cái nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng gia đình hạnh phúc và giáo dục con.
TS. Thu Hương nhận định, nuôi dạy con là quan trọng nhất của bố mẹ. Nếu sự nghiệp phát triển nhưng con không hạnh phúc, bố mẹ có làm gì cũng không có giá trị. Do đó, khi con có biểu hiện trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực về tư duy, việc đầu tiên phụ huynh cần làm là xem xét hoạt động truyền thông gia đình, bản thân hiểu đúng con hay không, đã thực sự làm bạn với con không.
“Chỉ khi trở thành người bạn tâm đầu ý hợp của con cái mình, lắng nghe những tâm sự thật của con, bố mẹ mới có phương hướng tác động hiệu quả tới quá trình hình thành phát triển của con”, bà nói thêm.
Theo bà mỗi gia đình cần hình thành thói quen nói lời yêu thương. Thực tế điều này là một trong những khó khăn thường gặp của các gia đình Việt Nam vì văn hóa khép kín và ít thể hiện. Tuy nhiên, những câu nói đơn giản như “mẹ thương con”, “ba có mệt không”… có thể giúp các thành viên cảm thấy được chú ý, hiện hữu và thuộc về gia đình.
Song song, cha mẹ nên chia sẻ với con nhiều hơn. Giao tiếp là công cụ tối quan trọng để duy trì hạnh phúc gia đình. Việc này cần thực hiện hàng ngày bằng cách tương tác trực tiếp, nhắn tin hay tổ chức những buổi họp gia đình để cùng trao đổi về cuộc sống, suy nghĩ của bố mẹ và con.
Làm thế nào để khắc phục vấn đề dẫn đến trẻ trầm cảm?
“Hãy trò chuyện với các thành viên trong gia đình bằng nhiều cách khác nhau, tránh để rơi vào tình trạng thiếu thông tin liên lạc hoặc ngắt quãng trong quá trình kết nối với nhau dẫn đến trẻ trầm cảm”, diễn giả nhấn mạnh.
Theo bà, nuôi con không chỉ là dừng lại ở việc nuôi dưỡng, bố mẹ cần dành thời gian chia sẻ và giáo dục trẻ. Đó là quan trọng cho sự phát triển bền vững của trẻ sau này cũng như tránh việc trẻ trầm cảm.
Ví dụ, trong vấn đề tài chính, TS. Thu Hương chia sẻ, bản thân bà ngày bé ít được bố mẹ nói chuyện như những người bạn mà thường đặt ra mệnh lệnh. Theo đó, bà cũng không biết tài chính gia đình như thế nào, thu chi bao nhiêu…. cho đến khi lớn và tự học. Điều này dẫn đến hai thái cực: con không có sự hiểu biết đầy đủ về an toàn tài chính trong gia đình, đồng thời, không thể chủ động trong kế hoạch chi tiêu học tập của chính mình.
Khi trở thành một người mẹ, bà sẵn sàng chia sẻ với con về chi phí học tập ở trường. Từ đó, con có thể hiểu mình may mắn khi được học trong môi trường như vậy hay có học bổng nhờ nỗ lực của bố mẹ; điều đó không dễ dàng và con nên có trách nhiệm trong việc học.
Bên cạnh đó, bà luôn cho các con biết sớm về tài chính, tổng thu, chi của gia đình. Như vậy, trẻ có thể nắm rõ bố mẹ có nguồn thu từ đâu. Khi trưởng thành, các con cũng biết rõ chi phí cho một gia đình gồm những khoản chi nào, mỗi năm phải đầu tư cho những khoản gì. Tuy nhiên, bố mẹ cần chia sẻ phù hợp với từng độ tuổi sao cho đến ngưỡng cửa đại học, con có khái niệm về tài chính.
Hiện, các con của bà hiểu rõ chi phí đầu tư cho học tập trong nước và quốc tế, tự lên kế hoạch một năm cần đầu tư như thế nào và tự hỏi làm thế nào để có được chi phí đó. Như vậy, không chỉ yên tâm, chủ động học tập hơn, trẻ sẽ thấu hiểu công sức cha mẹ để chi tiêu có kế hoạch, an toàn.
Ngoài ra, để trẻ sẵn sàng chia sẻ, bố mẹ cần tạo cho con cảm giác “nhà là nơi an toàn”, được chấp thuận và lắng nghe. Cũng giống như người lớn, trẻ cũng có những áp lực riêng trong học tập, giao thiệp với bạn bè, thầy cô và rất dễ tổn thương.
Do đó, trước hết, bố mẹ cần xây dựng cuộc sống gia đình ổn định, trẻ em có thể đón chờ các sự việc xảy ra theo một trình tự, một quy luật ít thay đổi. Sống trong sự bất ổn hay tính tình thất thường của phụ huynh, con có thể dễ cảm giác lo sợ, đề phòng và dần khép mình. Ngược lại, việc bao bọc quá mức cũng sẽ khiến trẻ mất an toàn vì thái độ lo lắng thái quá của bố mẹ.
TS. Hương cho biết thêm, nuôi con là sự kết hợp của bản năng, nghệ thuật và kỹ thuật. Khi trẻ trầm cảm, nếu áp dụng sai cách, bố mẹ càng xử lý sẽ càng sai. Lúc này, phụ huynh cần sự trợ giúp của chuyên gia, nâng cấp bản thân thông qua những khóa học uy tín.
“Hãy dành thời gian, ngân sách và sự quan tâm đủ để giải quyết vấn đề gốc rễ. Lúc đó, trẻ sẽ không gặp vấn đề tâm lý, đau khổ trong chính gia đình của mình. Tôi cũng cần học làm ‘nghề’ cha mẹ, các vị phụ huynh cũng vậy, hãy cân nhắc kỹ lưỡng về điều này”, bà nhấn mạnh.
Nguồn: VNExpress