Theo Tiến sĩ Nguyễn Trần Phi Yến, Đại học RMIT, cuộc sống sẽ trở nên tự do và ý nghĩa khi biết tự chủ việc học khai phá đến tận cùng những giới hạn của bản thân.
Tiến sĩ Nguyễn Trần Phi Yến hiện là giảng viên Đại học RMIT, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn công nghệ Beowulf. Là một người dám dấn thân, Phi Yến chia sẻ về hành trình thoát khỏi những suy nghĩ truyền thống, khai phóng bản thân để đặt ra những mục tiêu, ước mơ lớn, mang lại giá trị cho xã hội.
* Chị từng chia sẻ khi mới vào đại học bản thân suy nghĩ rất truyền thống và lối mòn. Tại sao vậy?
– Nhớ lại quãng thời gian phổ thông, dường như tôi chỉ cần học tốt những gì mình được dạy, thời khóa biểu có trường và ba mẹ sắp xếp cho, đi học rồi về nhà, có vài người bạn thân. Mục tiêu của một cô học sinh cấp ba khi đó cũng rất rõ ràng: vào đại học, chọn ngành hợp ý với ba mẹ và hợp thời với xã hội, như một điều hiển nhiên phải thế. Những ngày học cấp ba tôi thấy mình như vậy là ổn.
* Chị dần thay đổi như thế nào?
– Nhìn lại, tôi thấy suy nghĩ rập khuôn cũng là một phần của quá trình khai phóng, vì mình cần trải qua những khúc mắc, những cảm giác không hài lòng với lối tư duy đó để tìm cách khai mở những con đường mới, sáng tạo hơn, và nhất định phải tự chủ việc học.
Càng học tập và làm việc ở nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, tôi cảm thấy cao cấp nhất của việc học chính là khả năng tự học, kết hợp với công nghệ hoàn toàn cho phép chúng ta học được từ rất nhiều người giỏi trên toàn thế giới về bất cứ lĩnh vực. Đặc biệt, chúng ta đang sống trong một thế giới liên kết một cách rất phức hợp (interconnected), các công việc đều liên quan kết nối với nhau, điều này bắt buộc chúng ta phải học hỏi thêm mỗi ngày, học từ những người xung quanh, hợp tác giải quyết vấn đề cùng nhau.
* Chị học rất nhiều nơi, đại học ở Việt Nam, chương trình thạc sĩ của Anh, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Pháp, và có một khoá tu nghiệp về quản lý tại Mỹ. Tại sao những bước đi của chị lại có sự đa dạng này?
– Hành trình này cũng nói lên tính cách của tôi: không ngại thay đổi, trung thực với chính mình, tự chủ việc học và thích đổi mới. Thứ nhất, tôi không xem chuyện thay đổi môi trường sống là quá quan trọng. Tôi sẽ ưu tiên việc được khám phá một vùng đất mới, văn hoá mới và môi trường giáo dục mới hơn, nên tôi cứ ứng tuyển năm châu bốn bể nơi nào nhận thì mình lại đi.
Trung thực với bản thân là điều tôi học được từ bạn bè quốc tế. Một ví dụ về chọn ngành học, một phần không nhỏ sinh viên Việt Nam chọn học các chuyên ngành dễ đoán như công nghệ, quản trị kinh doanh, tài chính marketing, hay ngành STEM trong khi các bạn bản xứ lại chọn lịch sử, triết học, chính trị, văn chương, tâm lý phát triển trẻ em.
Điều đó khiến tôi nhận ra đôi khi mình suy xét quá nhiều về lý trí hay những kỳ vọng bên ngoài mà quên mất giá trị của việc học chính là mở mang kiến thức, khai phóng bản thân. Thứ ba là khả năng đổi mới sáng tạo của chúng ta chưa nổi bật, cần thấy được sự đa dạng của sự lựa chọn hơn để can đảm đi theo giấc mơ của mình.
* Những lựa chọn mới sẽ đi kèm với rủi ro, chị nghĩ gì về điều này?
– Yến của hiện tại không sợ thất bại. Một trong những môn học mình dạy tại RMIT là môn Đổi mới, sáng tạo và thiết kế, và trong môn học này thất bại là một phần của quy trình để ra sản phẩm hoàn thiện cuối cùng. Thất bại để biết mình đã làm sai chỗ nào để có những phương án mới phù hợp hơn đưa mình đến đích.
Trước giờ tôi cũng làm cho ba mẹ bao lần “lên bờ xuống ruộng”, lo lắng không yên bởi những ngã rẽ, hay những vấp ngã của mình. Tôi cũng có vài cú ngã nhớ đời, nhưng khi ngã là khi mình học được khả năng trỗi dậy, chín chắn hơn, mạnh mẽ hơn, để rồi sau khi hết đau thì lại đi theo những thách thức, tham vọng to lớn hơn lần trước.
Mình đang sống trong một thế giới VUCA nghĩa là – nhiều biến động (Volatility), bất định (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity). Giống như một cái đu quay, mà chúng ta phải học cách xoay cùng nó nếu muốn tồn tại và phát triển.
* Gắn với với hầu hết giới trẻ chị nhắn nhủ gì đến Gen Z, đặc biệt là việc tự chủ việc học?
– Khi nhận thức mình là ai và muốn mang lại giá trị gì cho xã hội thì tất cả những vấp váp trên đường mình đi đều có thể giải quyết và bứt ra khỏi giới hạn thông thường. Các bạn trẻ, nhất là Gen Z rất cần điều này – cần động lực và mục đích.
Hơn bao giờ hết, nhà trường hay cha mẹ cần khuyến khích, tạo động lực cho Gen Z thấy được ý nghĩa và giá trị của điều các bạn đang thực học và những điều các bạn đang làm, từ đó tự chủ việc học. Đây cũng chính là lý do tôi nhận lời là một người Điều phối cho chuỗi tọa đàm The SACE Journey – Mở khoá Gen Z.
Với loạt khách mời là các chuyên gia giáo dục, những bậc cha mẹ, những đại diện của GenZ, các đại diện của nhà trường… chuỗi tọa đàm sẽ mang đến góc nhìn đa chiều về phụ huynh và con em thế hệ Gen Z; những thách thức, lo âu của phụ huynh khi đồng hành cùng con; đồng thời chia sẻ những nhận định, quan điểm mang tính định hướng dành cho các bạn học sinh, sinh viên.
Xem thêm: Phó giáo sư Đại học Bách khoa Hong Kong hướng dẫn cách học toán sáng tạo
Nguồn: VNExpress