Blog

Điểm cộng của các bằng tú tài quốc tế

Bằng tú tài quốc tế

Các chuyên gia giáo dục hàng đầu đã phân tích về những điểm khác nhau của các bằng tú tài quốc tế trong hội thảo “Talk with Scotch AGS” vừa được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

Đây là nỗi băn khoăn của không ít phụ huynh đang có ý định cho con theo học những chương trình tú tài quốc tế hiện nay. Các chương trình trên đều cung cấp những nền tảng cho học sinh trước khi vào đại học, tuy nhiên cách tiếp cận sẽ có đôi chút khác biệt.

IBDP: Chú trọng vào các hoạt động cộng đồng

“Đặc trưng của học sinh chương trình IB là phấn đấu đạt được những tố chất như sau: ham học hỏi, có trí thức, nhà tư tưởng, nhà ngoại giao, có nguyên tắc, tư duy cởi mở, biết quan tâm, chấp nhận rủi ro, cân bằng, biết suy nghĩ và tư duy”, ông Faizol Musa, Giám đốc phát triển và công nhận chương trình IB khu vực Đông Nam Á chia sẻ.

Chính vì vậy trong chương trình IBDP sẽ có các môn học bắt buộc như Sáng tạo – Hoạt động – Dịch vụ cộng đồng (CAS) và Bài luận chuyên sâu (EE). Đây là nền tảng để sinh viên có thêm những trải nghiệm phong phú từ đời sống, qua đó không chỉ phát triển kiến thức mà còn cả tư duy và nhân cách.

IBDP thường dành cho những học sinh độ tuổi từ 16 đến 19, kéo dài trong khoảng 2 năm gồm  6 môn trong các lĩnh vực như Ngôn ngữ, Nhân văn, Khoa học, Toán học, Nghệ thuật,… với 3 môn học ở trình độ nâng cao và những môn còn lại ở trình độ tiêu chuẩn. Để nhận được bằng tú tài quốc tế này, học sinh phải đạt đủ tối thiểu 24 điểm ở tổng cộng các môn.

A-Level: Đậm chất học thuật và thách thức

Theo Cơ quan Đánh giá giáo dục quốc tế Cambridge (CAIE) thuộc Vương quốc Anh, chứng chỉ A-Level về bản chất là trình độ trung học phổ thông chính thức ở Anh, xứ Wales và Bắc Ireland.

Điểm cộng của các chương trình tú tài quốc tế
Các bằng tú tài quốc tế được học sinh theo học phổ biến bao gồm IB, A-Level và SACE

Hiện nay, A-Level được giảng dạy trong 2 năm, chia thành hai giai đoạn gồm cấp AS và cấp A2. Trong đó, ở cấp AS được xem là năm học cơ bản với những kiến thức nền móng cho học sinh có thể học tiếp ở những năm tiếp theo.

Học sinh thường sẽ học và thi chứng chỉ A-Level cho từ 4-5 môn, được giảng dạy mức độ nâng cao không khác gì những chương trình ở bậc đại học. Vì vậy, các kiến thức chuyên sâu của A-Level sẽ tạo đà vững chắc cho bạn khi vào đại học với những ngành liên quan.

Tuy nhiên, việc học sâu ngay từ bậc phổ thông cũng có một thử thách là bạn phải bỏ công sức rất lớn. Đòi hỏi các bạn phải có sự hiểu biết và lượng kiến thức nhất định. Vì vậy A Level sẽ phù hợp với các bạn học sinh giỏi muốn thi vào các trường chuyên.

SACE: Môi trường trải nghiệm đa khía cạnh

Mỗi tiểu bang ở Úc đều có hệ thống văn bằng tú tài riêng của riêng mình như SACE, VCE, HSC,… Mặc dù hệ thống văn bằng tú tài và quy trình đánh giá có khác nhau, nhưng tất cả đều tuân thủ nghiêm ngặt với yêu cầu của chương trình Quốc gia.

Nói đến SACE, hiện nay, đây là tấm bằng được hầu hết các trường đại học trên thế giới chấp nhận, thậm chí là ở các đại học hàng đầu như Oxford, Stanford, Cambridge,…

Về nội dung, chương trình SACE được thiết kế với hệ thống các môn học chuẩn quốc tế thuộc nhiều chuyên ngành từ khoa học kỹ thuật đến kinh tế xã hội. Trong 2 năm, học sinh có thể chọn cách môn theo sở thích của mình để khám phá bản thân. Vừa học vừa trải nghiệm sẽ giúp các bạn  định hướng chính xác mục tiêu nghề nghiệp của mình.

Ngoài ra, SACE còn cung cấp các kỹ năng cần thiết như hợp tác, giao tiếp, tư duy phản biện và sáng tạo để bạn trẻ bước ra thế giới. Nói cách khác, học sinh có thể tự tin trở thành một công dân toàn cầu trong thời đại công nghệ và hội nhập không ngừng như hiện nay.

Nhìn chung, những sự khác biệt của A-Level, IB và SACE không đồng nghĩa với việc chương trình tú tài quốc tế nào hay hơn, tốt hơn mà ngược lại cụm từ cốt lõi là “phù hợp” với tố chất và hướng phát triển của mỗi học sinh để chuẩn bị cho hành trình vào đại học.

Nguồn: VNexpress

Chia sẻ