Việc loay hoay đi tìm câu trả lời ‘Tôi là ai?’, ‘Tôi ở đây để làm gì?’ khiến nhiều Gen Z phải trải qua khủng hoảng bản sắc cá nhân (Identity Crisis).Vậy Gen Z nói gì về khủng hoảng bản sắc cá nhân?
Gen Z nói gì về khủng hoảng bản sắc cá nhân là những chia sẻ của các bạn khách mời trong Tập 4 của chuỗi toạ đàm The SACE Journey, phát sóng trên VnExpress ngày 13/4 đem tới những câu chuyện thực tiễn từ khách mời về hành trình đi tìm bản sắc. Qua đó, góp phần giúp các bạn trẻ tìm cách vượt qua cuộc khủng hoảng.
Khủng hoảng bản sắc là gì?
Phần đầu của tọa đàm xoay quanh nội dung “Khủng hoảng bản sắc cá nhân là gì?”, Tiến sĩ Nguyễn Trần Phi Yến – người điều phối chương trình đã chia sẻ những những điểm cơ bản về căn tính – bản sắc, bản vị của một người hay một vật thể. Theo đó, mỗi người đều có một bản sắc riêng, được gọi là căn tính. Hành trình khám phá căn tính đôi khi cũng dẫn đến những khủng hoảng tâm lý, tình trạng này xảy ra ở lứa tuổi teen bởi các bạn lúc này chưa định hình được bản thân mình là ai, muốn gì, thích gì để lựa chọn hướng đi cho cuộc đời.
Phạm Thuỳ Dương – sinh viên song ngành Kỹ sư Hóa và Khoa học, Đại học Adelaide, Australia chia sẻ, thời gian đầu mới du học, do khác biệt văn hóa và nhiều yếu tố khách quan, cô thường đặt câu hỏi “con người ở Australia và Việt Nam, đâu mới là mình?”.
Trước đó, thời điểm chọn ngành vào đại học, mặc dù được bố mẹ ủng hộ mọi quyết định, áp lực, khủng hoảng lại đến từ chính Dương khi cô không biết nên chọn ngành gì vì thích quá nhiều thứ, trong khi các bạn cùng khối đều đã có định hướng và biết mình muốn gì. “Giờ nghĩ lại em mới thấy lúc đó mình chưa biết giỏi cái gì mà chỉ làm theo cách mình thích khiến bản thân trở nên hoang mang, thậm chí từng có thời điểm khủng hoảng”, Dương nói.
Nguyễn Huỳnh Nhật Tiến – sinh viên song ngành Truyền thông và Khoa học máy tính, DePauw University, Mỹ lại có quan điểm khác. Tiến cho rằng đời người chỉ sống một lần vì vậy nên sống trọn vẹn và tốt nhất có thể. Với suy nghĩ đó, phiên bản của Nhật Tiến ở Việt Nam, ở Mỹ hay ở Anh gần như không có sự khác biệt.
Quá trình chọn ngành, trường của Tiến vì thế cũng không gặp nhiều khó khăn dù phải đứng trước lựa chọn theo ngành bố định hướng sẵn, đó là IT hay theo ngành bản thân đam mê – truyền thông. “Để dung hoà cả hai, Tiến chọn học song ngành Truyền thông và Khoa học máy tính. Trong quá trình học, em thấy vẫn phù hợp với truyền thông hơn vì có thể thể hiện sự sáng tạo, năng động”, Tiến chia sẻ.
Để giúp mỗi khách mời hiểu hơn về bản sắc cá nhân, phần trắc nghiệm được đưa ra với câu hỏi: “Khi vô tình khám phá ra nét mới về bản thân, bạn sẽ làm gì?” Với 3 đáp án “a. Không nghĩ về vấn đề này”, “b. Chấp nhận sống với căn tính mới và không nghĩ ngợi quá nhiều, “c. Khám phá, tìm hiểu thêm”, Thuỳ Dương, Nhật Tiến và người điều phối Tiến sĩ Nguyễn Trần Phi Yến đều chọn “Khám phá, tìm hiểu thêm”.
Trên thực tế, Thảo Nguyên thấy đa phần không dễ để đạt độ C, bản thân cô từng nằm ở khoảng A khá nhiều, nhất là giai đoạn chuyển giao từ Việt Nam qua Anh – từ môi trường sống giản đơn sang môi trường phải tự định hình bản thân, không ai thân thiết. “Lúc đó tôi thấy những gì mình từng trải qua khác hoàn toàn so với những hiểu biết trước đây, tới mức đôi khi tôi phải thầm cảm thán cuộc sống trước đây như một ‘trò lừa’, và rất khó để chấp nhận được bản sắc mới của mình, nhất là về xu hướng tính dục”, nữ nghiên cứu sinh chia sẻ.
Cũng theo Thảo Nguyên, từ thái độ bỏ mặc, không quan tâm cho đến việc chối bỏ, đây là những cách thức tiếp nhận bản sắc mới một cách tiêu cực mà Gen Z cần lưu ý vì cả hai cách tiếp cận này đều không giúp các bạn đối diện với vấn đề mà chỉ trì hoãn hay lẩn tránh, tích tụ qua thời gian sẽ gây ra khủng hoảng lớn hơn trên con đường đi tìm bản sắc cá nhân này.
Cách giải quyết khủng hoảng bản sắc cá nhân
Phần tiếp theo của tọa đàm xoay quanh nội dung đối diện và giải quyết khủng hoảng bản sắc cá nhân. Theo Nhật Tiến, giải pháp tốt nhất là giao tiếp với bên ngoài và bên trong. Bên ngoài là tìm những người có chuyên môn, tin tưởng được để chia sẻ những băn khoăn trăn trở. Giao tiếp bên trong, Tiến thường tự ngẫm lại xem mình là ai, tự nói chuyện xem mình đang muốn gì.
“Tôi làm điều này khá hiệu quả khi nói chuyện trước gương. Bên cạnh đó, tôi viết nhật ký, trong quá trình ghi chép những luồng suy nghĩ, trăn trở của mình trở nên rõ ràng hơn, từ đó bật ra những giải pháp hiệu quả”, sinh viên tại Mỹ chia sẻ.
Trong khi đó, để giải quyết khủng hoảng bản sắc, Thùy Dương chọn cách xem nó như hành trình tìm hiểu bản thân thay vì suy nghĩ theo hướng tiêu cực.
Tiến sĩ Nguyễn Trần Phi Yến cũng đưa ra 3 thông điệp với mong muốn sẽ là phương pháp giúp học sinh và phụ huynh đồng hành tìm ra bản sắc cá nhân, đó là kiến thức, thái độ, kỹ năng.
Cụ thể, ở độ tuổi vị thành niên, bất kỳ ai cũng muốn thử và thử không mục đích. Đơn giản nhất về mặt tâm sinh lý, đó là giai đoạn bắt chước để khám phá. Giai đoạn tiếp theo, các bạn chưa nhận thức được bản sắc cá nhân mà thật ra là đang đi tìm kiếm bản sắc cá nhân. Cuối cùng, các bạn hãy tự tin, thoải mái khám phá bản thân và khám phá xung quanh.
Đừng lo lắng, sợ hãi. “Dấu ấn gia đình, dấu ấn học thức, dấu ấn môi trường bạn đang thuộc về ở giai đoạn này sẽ là những nhân tố hình thành nên bản sắc cá nhân của Gen Z”, Tiến sĩ Phi Yến nhấn mạnh.
Nguồn: Gen Z nói gì về khủng hoảng bản sắc cá nhân – VNExpress