Ý thức tự chủ trong học tập của học sinh Việt cũng như giải pháp giúp Gen Z hứng thú ở môi trường giáo dục sẽ được Tiến sĩ Giản Tư Trung chia sẻ tại tọa đàm The SACE Journey số 8, ngày 17/5.
Tập cuối của chuỗi tọa đàm The SACE Journey – Mở khoá Gen Z #8 với chủ đề “Gen Z Việt với tự chủ trong học tập”, phát sóng trực tuyến trên VnExpress.
Khách mời là Tiến sĩ Giản Tư Trung – Nhà hoạt động giáo dục, Viện trưởng Viện giáo dục IRED và Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE sẽ giải đáp các câu hỏi liên quan đến vấn đề này gồm: làm sao để bạn trẻ tự chủ học tập; khả năng tự chủ học tập của người trẻ Việt đang được thể hiện như thế nào, giải pháp để nâng cao năng lực thiết yếu này trong bối cảnh xã hội hiện nay…
Trong phần đầu của tọa đàm, với nội dung “Tính độc lập, tự chủ trong học tập”, Tiến sĩ Giản Tư Trung sẽ thảo luận về vấn đề đang được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm, đó là từ năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai Chương trình Giáo dục Phổ thông mới đối với khối lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Riêng với chương trình giáo dục phổ thông mới cho lớp 10, học sinh có thể học ít môn hơn và được lựa chọn các môn học theo nguyện vọng, năng khiếu của bản thân dựa trên 3 nhóm môn học là Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên và Công nghệ và Nghệ thuật.
Bên cạnh sự hoài nghi về tính khả thi cũng như phương thức triển khai, nhiều chuyên gia và nhà giáo dục cũng đánh giá cao trước những tích cực mà chương trình mới này mang lại, đặc biệt là trong việc tạo dựng khả năng tự chủ trong học tập, cũng như định hướng nghề nghiệp tương lai cho học sinh THPT.
Ở góc độ khác, nhiều ý kiến cho thấy, dường như người Việt vẫn chưa sẵn sàng cho một phương pháp học tập tự chủ, kiến tạo, cá nhân hóa… Về vấn đề này, diễn giả Giản Tư Trung sẽ đưa ra quan điểm cá nhân, đánh giá về khả năng tự chủ học tập của học sinh Việt Nam hiện nay, cũng như thời điểm nào thì Gen Z nên bắt đầu xây dựng nhận thức về tự chủ học tập này.
Với các cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội hiện nay về việc học sinh THPT trong những năm tới sẽ được phép lựa chọn các nhóm môn học theo sở trường, năng khiếu và mục tiêu hướng nghiệp của bản thân, trên cương vị là một nhà hoạt động, nghiên cứu giáo dục, Tiến sĩ Giản Tư Trung sẽ đưa ra các đánh giá sự thay đổi này có ý nghĩa như thế nào trong việc tạo dựng năng lực học tập độc lập, tự chủ cho các thế hệ học sinh trong tương lai.
Ở phần hai “Phương pháp tạo dựng, nâng cao năng lực tự chủ học tập”, diễn giả của tọa đàm sẽ đưa ra nhận định về việc năng lực học tập tự chủ, độc lập sẽ mang lại những giá trị nào cho sự phát triển của mỗi cá nhân học sinh và nền giáo dục chung ở nước ta, các mô hình giúp ích cho người học, đặc biệt là các bạn Gen Z trong việc xây dựng và tôi luyện tính tự chủ trong học tập.
Ở khía cạnh khác, việc trang bị và phát huy năng lực tự chủ học tập, bên cạnh sự định hướng của nhà trường, thầy cô, cần có sự quan tâm, đồng hành của các bậc phụ huynh với tư cách là nhà giáo dục đầu tiên khởi nguồn cho việc hình thành và phát triển nhân cách cho con, cũng như sát sao trong suốt quá trình học tập của con về sau.
Đây cũng là nội dung chính được diễn giả thảo luận trong phần ba của tọa đàm “Vai trò của cha mẹ trong việc tạo dựng năng lực tự chủ trong học tập cho con”.
Theo đó, Tiến sĩ Giản Tư Trung sẽ chia sẻ về những sai lầm phổ biến mà các cha mẹ Việt đang gặp phải trong quá trình định hướng, đồng hành cùng con trong học tập. Những sai lầm ấy đang tác động như thế nào đến việc tạo dựng năng lực tự chủ học tập cho con cũng như những nguyên tắc quan trọng nhất cho cha mẹ Việt nhằm thúc đẩy thái độ học tập tự chủ và tinh thần độc lập trong học tập của con mình.
Ông Giản Tư Trung hiện là Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng Sách Hay và Chủ nhiệm Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Scholarship. Ông cũng là người khởi xướng Cổng tri thức khai phóng OpenEdu, sáng lập Sáng kiến Giáo dục Khai phóng PLEMS Education và tác giả sách “Đúng việc – Một góc nhìn về câu chuyện khai minh”.
Ông tốt nghiệp Thạc sĩ về Nghiên cứu Phát triển tại Học viện sau đại học Geneva; tu nghiệp về Chính sách Giáo dục Quốc tế tại Đại học Harvard; tốt nghiệp Tiến sĩ về Giáo dục tại Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore, và tốt nghiệp Tiến sĩ về Giáo dục tại Đại học London (UCL). Năm 2013, Ông được Diễn đàn Kinh tế Thế giới vinh danh là Nhà lãnh đạo toàn cầu trong vai trò là một Nhà hoạt động giáo dục.
Xem thêm: Phụ huynh của Gen Z lo ngại điều gì?
Nguồn: VNExpress