Blog

Du học gắn liền với trách nhiệm xã hội thế nào?

Du học gắn liền với trách nhiệm xã hội như thế nào?

Những cách thức giành học bổng thành công, du học liên quan đến trách nhiệm xã hội… là nội dung toạ đàm The SACE Journey phát trên VnExpress ngày 26/4.

Các diễn giả tham gia toạ đàm gồm Thạc sĩ Lê Đình Hiếu – CEO học viện G.A.P; Thạc sĩ Trần Thanh Vân – nhà sáng lập Saigon Improv House; Thạc sĩ Đỗ Thiện – Trưởng ban Truyền hình – Đa nền tảng báo Pháp luật TP HCM.

Với chủ đề “Học bổng du học và những câu chuyện chưa kể”, toạ đàm sẽ chia sẻ về triết lý và kinh nghiệm săn học bổng, trong đó, nội dung được nhấn mạnh chính là trách nhiệm xã hội khi được cấp học bổng du học.

Du học và những câu chuyện về học bổng

Hiện nay, với nhiều bạn trẻ, du học là cách để họ hiện thực hóa những dự định, hoài bão để có một tương lai nhiều triển vọng và trải nghiệm cuộc sống phong phú. Hành trình này thường sẽ dễ dàng hơn khi các em dành được một suất học bổng.

Ba khách mời của chương trình – những người đều được thụ hưởng học bổng du học giá trị tại những ngôi trường danh tiếng trên thế giới sẽ chia sẻ về hành trình họ đặt mục tiêu du học và cách thức để chạm đến ước mơ.

Thực tế để có một suất học bổng du học không dễ dàng bởi các trường quốc tế thường đặt ra nhiều tiêu chí và yêu cầu riêng. Về vấn đề này, các diễn giả sẽ chia sẻ những thuận lợi, khó khăn họ từng gặp phải cũng như hành trình “săn” học bổng thành công, hay câu chuyện thú vị trong bài luận của chính các khách mời…

Có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn, tuyển sinh, CEO Học viện GAP – Thạc sĩ Lê Đình Hiếu sẽ có những đánh giá về việc “săn” học bổng sự thay đổi như thế nào theo thời gian; Gen Z – đối tượng đang rất sôi nổi trong việc tìm kiếm và săn học bổng tìm kiếm học bổng có gì khác so với thế hệ trước; hay chân dung của các đối tượng dễ giành học bổng gồm những yếu tố nào…

Phần hai của tọa đàm với chủ đề “Học bổng và trách nhiệm xã hội” sẽ cho thấy các lý do khiến đa phần giới du học quay trở về Việt Nam làm việc và đóng góp cho xã hội. Quan điểm của các diễn giả về “chảy máu chất xám” – vấn đề làm đau đầu các đơn vị cung cấp nguồn tài chính công cho các cá nhân du học.

Cơ hội dành học bổng du học cho con

Các chuyên gia cũng bàn thảo thêm về lý do phụ huynh từ chối nhận học bổng để đóng học phí cho con; hay giải đáp thắc mắc của phụ huynh về việc giữa trường công, trường tư, trường quốc tế, hệ thống trường nào giúp con có nhiều cơ hội giành học bổng hơn…

Đỗ Thiện (sinh năm 1991) hiện là Trưởng ban Truyền hình – Đa nền tảng, báo Pháp Luật TP HCM. Anh tốt nghiệp cử nhân Quan hệ Quốc tế (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM), tốt nghiệp Thạc sĩ Báo chí – Truyền thông (ĐH Công nghệ Ilmenau, Đức năm 2018) theo chương trình học bổng của Viện Konrad – Adenauer.

Thời sinh viên, anh từng là đại biểu của Việt Nam tham dự một số chương trình quốc tế như Lãnh đạo trẻ châu Á (Malaysia), Giao lưu thanh niên Nhật Bản – ASEAN (Nhật Bản), khoá học An ninh Con người và Khoa học Năng lượng (Nhật Bản), Đại sứ Môi trường Bayer (Đức), Xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (Thái Lan, Campuchia)…

Thạc sĩ Trần Thanh Vân hiện là huấn luyện viên Kịch Ứng Tác tại Saigon Improv House (trường kịch ứng tác tại Sài Gòn) và host podcast Tâm lý ơi (podcast chia sẻ kiến thức về tâm lý được nhiều người quan tâm). Vân từng là đại diện Việt Nam tại nhiều chương trình giao lưu sinh viên/thanh niên quốc tế và đạt được nhiều học bổng, trong đó có học bổng Fulbright.

Tiến sĩ Lê Đình Hiếu từng có thời gian học tập và nghiên cứu tại UCLA, Stanford, University of Pennsylvania và Harvard. Năm 2016, ông được Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách 30 Under 30, và là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018. Với nhiều kinh nghiệm khởi nghiệp, hiện ông là nhà lãnh đạo giáo dục tại G.A.P Institute, MAX Education, Hear.Us.Now.

Nguồn: VNExpress

Chia sẻ