Blog

Thứ hạng ATAR là gì trong tuyển sinh đại học Úc

Thứ hạng ATAR là gì?

ATAR là khái niệm quen thuộc với những học sinh theo học chương trình giáo dục Úc. Hiểu được ATAR là gì giúp học sinh định hướng được lộ trình học tập của mình để chinh phục các trường đại học hàng đầu.

Thứ hạng ATAR là gì?

ATAR (Australian Tertiary Admission Rank) là một hệ thống đánh giá và xếp hạng học sinh tốt nghiệp chương trình tú tài được sử dụng ở Úc. Thứ hạng ATAR là tiêu chí quan trọng để xét tuyển vào các trường đại học Úc, đặc biệt đối với những học sinh theo học chương trình của quốc gia này, cả trong lẫn ngoài lãnh thổ nước Úc.

Cũng phải nói thêm, mỗi tiểu bang tại Úc triển khai một chương trình tú tài khác nhau, nhưng có giá trị tương đương và đều là một phần thuộc Chương trình Tú tài Úc (ACE). Tuy nhiên, dù học chương trình của tiểu bang nào, kết quả của các thí sinh khi hoàn tất chương trình tú tài cũng sẽ được quy về điểm ATAR cho mục đích so sánh, đánh giá.

ATAR là gì? Hiểu ATAR như thế nào là đúng?
ATAR dùng để xét thứ hạng của mỗi học sinh trong cùng một kỳ thi tú tài tại Úc.

Có thể hiểu nôm na thứ hạng ATAR giống như điểm thi tốt nghiệp THPT ở Việt Nam, tuy nhiên cách tính có khác biệt. Nếu điểm thi tốt nghiệp THPT ở Việt Nam là điểm số thí sinh thi được, thì điểm ATAR lại phản ánh thứ hạng của một học sinh so với toàn bộ học sinh tốt nghiệp trong cùng một năm ở một tiểu bang.

Cụ thể, điểm ATAR có giá trị từ 0 đến 99.95. Một học sinh có điểm ATAR là 80 đồng nghĩa em này xếp trên 80% học sinh tốt nghiệp THPT khác ở một tiểu bang trong cùng năm.

Thứ hạng ATAR thường được dựa trên kết quả của một số môn học mà học sinh lựa chọn trong 2 năm học cuối cấp trung học phổ thông trong các chương trình Tú tài Úc. Học sinh được chấm điểm cho từng môn học, sau đó điểm này được xếp hạng so với các học sinh khác trong cùng tiểu bang. Cuối cùng, điểm được quy đổi thành một con số phần trăm từ 0 đến 99.95, phản ánh vị trí tương đối của học sinh này trong một nhóm học sinh tốt nghiệp.

Thứ hạng ATAR được dùng để xét vào đại học ra sao?

Thứ hạng ATAR hiện được xem là tiêu chí chính để xét tuyển vào hầu hết các đại học ở Úc. Thứ hạng ATAR càng cao, học sinh càng có nhiều cơ hội được nhận vào các khóa học và trường đại học danh tiếng.

Hiện tại, mỗi ngành học tại từng đại học ở Úc thường đặt ra một ngưỡng điểm ATAR tối thiểu mà thí sinh cần đạt được để tham gia xét tuyển. Tùy vào mức độ cạnh tranh của ngành và trường mà ngưỡng điểm này cao hay thấp.

Chẳng hạn, các ngành Y khoa, Luật hoặc Kỹ thuật tại các đại học top đầu của Úc có thể yêu cầu điểm ATAR rất cao, trên 90, thường dành cho học sinh có học lực xuất sắc.

ATAR là gì? Thứ hạng ATAR quyết định kết quả học sinh được vào những đại học hàng đầu.
Từ thứ hạng ATAR cao, học sinh có thể gia tăng khả năng vào các đại học hàng đầu thế giới.

Đối với các trường đại học uy tín nhưng ít cạnh tranh hơn, ngưỡng điểm ATAR dao động từ khoảng 70 đến 89, thường dành cho học sinh giỏi.

Cũng có những ngành học và trường đại học “đại trà”, thứ hạng ATAR yêu cầu dưới 70, thường phù hợp cho học sinh kết quả học tập khá hoặc trung bình khá.

Với những trường hợp học sinh có điểm xét thư hạng ATAR quá thấp, một số đại học thiết kế “đường vòng” cho các bạn, phổ biến nhất là thông qua các chương trình dự bị đại học.

Cũng cần lưu ý rằng, ngưỡng điểm ATAR chỉ là một trong nhiều yếu tố xét tuyển tại các trường đại học ở Úc. Nhiều trường đại học sẽ cân nhắc thêm những tiêu chí khác bao gồm phỏng vấn, bài luận, hoạt động ngoại khóa và thư giới thiệu.

Bên cạnh đó, thứ hạng ATAR có thể được quy đổi “hai chiều” với các chương trình học khác như chương trình IB, A-Level… Nghĩa là học sinh đang học các chương trình không thuộc chương trình Tú tài Úc (ACE) vẫn có thể chuyển đổi để có điểm ATAR.

Ngưỡng điểm ATAR của một ngành học tại một đại học cụ thể cũng có thể thay đổi từ năm này sang năm khác, tùy thuộc vào số lượng và chất lượng của các ứng viên nộp đơn.

Đặc biệt, nhiều học bổng dành cho sinh viên đại học ở Úc được cấp dựa trên thứ hạng ATAR. Một thứ hạng ATAR cao luôn mở ra cơ hội không chỉ về xét tuyển mà còn học bổng và các hỗ trợ tài chính.

Chia sẻ